Hướng dẫn cách chuẩn bị mâm cơm cúng Rằm tháng 7 đầy đủ nhất

Rằm tháng 7, việc chuẩn bị mâm cơm cúng để tỏ lòng thành kính báo hiếu đến cha mẹ, ông bà, tổ tiên đối với các gia đình vô cùng quan trọng để cầu mong những điều an lành và may mắn đến với mọi người.

Dân gian có câu "Cúng quanh năm không bằng rằm tháng Bảy” bởi đây là ngày rằm lớn nhất trong năm và là ngày tết Trung Nguyên (xá tội vong nhân) và tết Vu Lan (lễ báo hiếu), do đó bài viết sẽ hướng dẫn cách chuẩn bị cơm cúng vào rằm tháng 7 âm lịch chu đáo và đầy đủ:

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Chuẩn bị mâm cúng Phật Rằm tháng 7

Đồ lễ cúng Phật Rằm tháng 7:

Hương: Các loại hương đốt có hương thơm.

Hoa: Các loài hoa có hương thơm (không kiêng về tên hoa và số lượng).

Trà: Nước trà tỏa hương của sáu vị là đắng, cay, chua, chát, mặn, ngọt là sáu vị nuôi sống tất cả chúng sinh.

Quả: Số lượng tùy ý, không kiêng kỵ 2 quả hay 4 quả,… Nên cúng quả đã chín vì có hương từ vị để vong linh thọ hưởng, quả xanh chưa có hương thơm của vị. (Tránh tình trạng biến ban thờ thành chỗ cất đồ).

Thực: mâm cơm chay, nếu có xôi chè thì bày cả xôi chè để cúng.

Vị trí đặt lễ: Lễ cúng Phật được đặt ở nơi cao nhất.

Hoa tươi lễ Phật là: hoa sen, hoa huệ, hoa mẫu đơn, hoa ngâu... Không dùng các loại hoa tạp, hoa dại khi cúng rằm tháng 7.

Mâm cúng: một mâm cơm chay hoặc một mâm ngũ quả, bó hoa, nhang, đèn cầy cúng tại nhà.

Khi cúng, tốt nhất là đọc một khóa kinh - kinh Vu Lan - để hiểu rõ về ngày này, hồi hướng công đức cho những người thân trong quá khứ được siêu sinh. Sau khi cúi đầu lạy Phật, dâng lễ, tạ ơn, cầu xin và hứa nguyện, bạn có thể tụng kinh niệm Phật. Nếu chưa biết tụng kinh niệm Phật thì đọc bài kinh Vu lan được bán rất nhiều hiện nay tại các chùa.

Ảnh minh họa

Cách chuẩn bị mâm cúng gia tiên ngày Rằm tháng 7

Vị trí đặt lễ: Lễ cúng gia tiên đặt dưới lễ cúng Phật và lễ cúng thần linh.

Mâm cỗ cúng gia tiên bao gồm: Lễ cúng gia tiên nên có một mâm cơm, có thể là món mặn, có thể là món chay tùy vào hoàn cảnh và căn cơ của người đang sống. Trên mâm cúng gia tiên bày một mâm cỗ mặn (thường có xôi, gà luộc, các món xào, món canh), tiền vàng và cả những vật dụng dành cho người cõi âm làm bằng giấy tượng trưng từ những vật truyền thống (giống như đồ thật) như quần áo, giày dép, áo bào, cung điện, ngựa, các vật dụng trang sức... để cho người cõi Âm có được một cuộc sống tiện nghi giống như người Dương trần.

Ảnh minh họa

Hướng dẵn chuẩn bị mâm cúng chúng sinh ngày Rằm tháng 7

Trái với mâm cúng Phật và gia tiên. Lễ cúng cô hồn được tổ chức vào buổi chiều tối ngày 14/7 hoặc 15/7. Bởi vì, người ta quan niệm, đây là thời gian những vong linh trên đường trở về địa ngục nên cũng là lúc cúng cô hồn chuẩn nhất. Mọi việc cúng phải được hoàn tất vào ngày 15/7.

Trên mâm cúng chúng sinh lễ vật gồm có:

Muối gạo (1 đĩa sẽ được rắc ra vỉa hè hoặc sân nhà về bốn phương tám hướng sau khi cúng xong)

Cháo trắng nấu loãng (12 chén nhỏ)

Hoa quả (5 loại 5 mầu)

12 cục đường thẻ

Quần áo chúng sinh với nhiều màu sắc (xanh lam, xanh lá mạ, vàng, hồng...)

Các loại bỏng ngô, bánh, kẹo

Tiền vàng (tiền thật các loại mệnh giá và tiền vàng mã)

Nước: 3 chum (hay 3 ly nhỏ ), 3 cây nhang , 2 ngọn nến nhỏ.....

Ngoài ra, vào dịp lễ Vu Lan, rằm tháng Bảy, mỗi gia đình có thể phóng sinh chim, cá, tôm, cua... Tùy vào điều kiện của mỗi gia đình, việc phóng sinh không bắt buộc phải thực hiện trong ngày Rằm tháng 7 mà có thể thực hiện quanh năm, miễn là khi phóng sinh có suy nghĩ vô tư, trong sáng, thành tâm làm phúc.

Lưu ý: Khi cúng chúng sinh không nên cúng xôi và gà, không cúng đồ mặn để vong không phạm phải tham, sân si. Không cúng trong nhà mà cúng ngoài sân. Khi rải tiền vàng ra mâm, để 4 hướng Đông, Tây, Nam, Bắc, mỗi hướng từ 3-5-7 cây hương. Các đồ vật cúng xong không đem vào nhà mà chia đi, vàng mã đốt ngay tại chỗ, muối gạo mang ra ngã 3 rải tám hướng.

Xem thêm: Hướng dẫn cách làm món gà hấp muối (Nguồn: Feedy)

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhvietnam.com/huong-dan-cach-chuan-bi-mam-com-cung-ram-thang-7-day-du-nhat-d160977.html