Hướng dẫn chị em chuẩn bị đi du lịch trong kỳ kinh nguyệt

Đi du lịch trong kỳ kinh nguyệt thường gây ra một số bất tiện, nhưng với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, bạn vẫn có thể tận hưởng trọn vẹn chuyến đi của mình. Tham khảo một số hướng dẫn cơ bản để giúp chị em đi du lịch trong kỳ kinh nguyệt một cách thoải mái và tự tin.

Nội dung

1. Lên kế hoạch cho chuyến du lịch trong kỳ kinh nguyệt

2. Chuẩn bị đồ dùng cần thiết

3. Chăm sóc bản thân trong kỳ kinh nguyệt

4. Đối phó với các vấn đề thường gặp trong kỳ kinh

1. Lên kế hoạch cho chuyến du lịch trong kỳ kinh nguyệt

- Theo dõi chu kỳ kinh nguyệt của bạn: Sử dụng ứng dụng theo dõi kinh nguyệt hoặc ghi chép lại lịch sử kinh nguyệt hàng tháng để dự đoán ngày bắt đầu và kết thúc của kỳ kinh nguyệt tiếp theo.

- Chọn điểm đến phù hợp: Nếu kinh nguyệt rơi vào kỳ nghỉ, nên chọn điểm đến có thời gian di chuyển ngắn hơn và dễ dàng tiếp cận các dịch vụ vệ sinh.

- Đặt chỗ linh hoạt: Đặt chỗ máy bay, khách sạn và các hoạt động du lịch có thể thay đổi hoặc hủy bỏ dễ dàng trong trường hợp cần thiết.

- Chuẩn bị lộ trình của bạn theo cách mà bạn có thể làm điều gì đó thư giãn, ít căng thẳng hơn và tốn nhiều công sức hơn vào những ngày "đèn đỏ". Ví dụ đặt vé xem một chương trình biểu diễn nghệ thuật hoặc tham quan bảo tàng, thắng cảnh tại địa phương.

Lập kế hoạch chi tiết cho chuyến đi chơi trong kỳ kinh nguyệt để đảm bảo sức khỏe.

2. Chuẩn bị đồ dùng cần thiết

- Mang theo nhiều sản phẩm vệ sinh: Mang theo nhiều băng vệ sinh, tampon, quần lót hoặc cốc nguyệt san hơn bình thường để đề phòng trường hợp cần thiết.

- Mang theo thuốc giảm đau: Chuẩn bị sẵn thuốc giảm đau không kê đơn như ibuprofen hoặc paracetamol để giảm bớt các triệu chứng đau bụng kinh.

- Mang theo đồ vệ sinh cá nhân: Mang theo khăn giấy vệ sinh ướt, dung dịch vệ sinh, nước khử trùng tay và xà phòng rửa tay để đảm bảo vệ sinh.

Chuẩn bị những vật dụng cần thiết để phục vụ cho chu kỳ kinh nguyệt một cách an toàn.

- Mang theo quần áo thoải mái: Trong những ngày này nên mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát và dễ dàng vận động.

- Mang theo túi chống thấm: Mang theo túi chống thấm để đựng đồ bẩn.

- Túi chườm giảm đau: Nếu chị em có chứng đau bụng kinh thì nên mang theo túi chườm khi du lịch ngày "đèn đỏ". Mỗi khi cơn đau khó chịu xuất hiện, chị em hãy áp một túi chườm nhiệt hoặc miếng vải nhúng qua nước ấm và vắt khô lên bụng. Nhiệt độ có khả năng làm thư giãn các cơ, từ đó thuyên giảm cơn đau khó chịu.

3. Chăm sóc bản thân trong kỳ kinh nguyệt

- Uống nhiều nước: Uống nhiều nước giúp giảm tình trạng đau bụng, chuột rút và đầy hơi.

- Ăn uống đầy đủ: Ăn các bữa ăn nhẹ thường xuyên và bổ sung thực phẩm giàu sắt để cung cấp năng lượng và ngừa thiếu máu. Thực hiện một chế độ ăn uống bổ sung năng lượng cho cơ thể như các loại rau lá xanh, đậu, đậu lăng và các loại hạt giàu chất sắt.

- Ngủ đủ giấc: Ngủ đủ giấc giúp cơ thể bạn phục hồi và giảm bớt căng thẳng.

Trong thời gian kinh nguyệt, nếu cảm thấy mệt mỏi bạn cần tranh thủ nghỉ ngơi.

- Tập thể dục nhẹ nhàng: Tập thể dục nhẹ nhàng như đi bộ hoặc yoga sẽ giúp giảm căng thẳng và cải thiện tâm trạng.

- Tránh cà phê và rượu. Người ta thường cho rằng cà phê có xu hướng làm chứng chuột rút trở nên tồi tệ hơn, khiến bạn mất nước và cũng gây ra các vấn đề về tiêu hóa. Rượu mang lại cảm giác nôn nao, kéo theo một loạt các vấn đề sức khỏe.

- Tránh căng thẳng: Căng thẳng có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng kinh nguyệt. Hãy dành thời gian thư giãn và giải tỏa căng thẳng.

4. Đối phó với các vấn đề thường gặp trong kỳ kinh

- Nếu bạn bị chuột rút: Sử dụng túi chườm nóng hoặc thuốc giảm đau không kê đơn để giảm bớt chuột rút.

- Nếu lượng máu kinh quá nhiều dẫn đến rò rỉ: Thay băng vệ sinh hoặc tampon thường xuyên và sử dụng lót quần lót có lớp thấm hút tốt để bảo vệ thêm.

PGS. TS. BS. Lưu Thị Hồng, Tổng thư ký Hội Phụ Sản Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Y học Sinh sản Giới tính Việt Nam

Trong kỳ kinh nguyệt phải đảm bảo thời gian thay băng vệ sinh tối đa là từ 4-6 giờ / lần. Đối với những ngày máu kinh ra nhiều thì cần thay băng vệ sinh sau mỗi 3-4 giờ. Trước và sau khi thay băng vệ sinh cần rửa tay sạch sẽ để tránh vi khuẩn xâm nhập.

- Nếu bạn cảm thấy mệt mỏi: Nghỉ ngơi khi cần thiết và hạn chế các hoạt động thể chất quá sức.

- Nếu bạn gặp bất kỳ vấn đề nào khác: Hãy liên hệ với bác sĩ hoặc nhân viên y tế tại điểm đến của bạn để được hỗ trợ.

Đi du lịch trong kỳ kinh nguyệt không phải là điều gì đó bạn cần phải ngại ngùng. Với sự chuẩn bị và chăm sóc bản thân kỹ lưỡng, bạn vẫn có thể tận hưởng một kỳ nghỉ tuyệt vời. Chúc bạn có một chuyến du lịch vui vẻ và thoải mái!

Kinh nguyệt nhiều hay ít thì có hại?

Thiên Châu

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/huong-dan-chi-em-chuan-bi-di-du-lich-trong-ky-kinh-nguyet-169240425154049801.htm