Hướng dẫn công tác chữa cháy nhà cao tầng các cơ quan, sở chỉ huy và nhà công vụ trong quân đội

Cục Cứu hộ-Cứu nạn (CHCN) Bộ Tổng Tham mưu QĐND Việt Nam vừa có hướng dẫn công tác chữa cháy nhà cao tầng các cơ quan, sở chỉ huy và nhà công vụ trong quân đội.

Hướng dẫn nêu rõ:

Hành động của lực lượng tại chỗ: Người đang làm nhiệm vụ trực, canh gác, hoặc cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên đang công tác tại nơi xảy ra cháy: Nhanh chóng thông báo, báo động (ấn chuông đèn báo cháy của hệ thống báo cháy tự động, dùng loa phát thanh thông báo hoặc dùng còi, hô hoán, chạy bộ); Cúp cầu dao điện nơi xảy ra cháy; sử dụng phương tiện chữa cháy tại chỗ như; bình chữa cháy xách tay, cát, vòi nước, chăn ướt, nhanh chóng dập tắt đám cháy; điện báo cho trực ban, chỉ huy đơn vị (ban quản lý tòa nhà) và 114 đội chữa cháy chuyên nghiệp về tình hình sự cố cháy; chỉ dẫn đường cho xe chữa cháy vào chữa cháy nơi xảy ra cháy.

Hành động của chỉ huy đơn vị (ban quản lý tòa nhà): Thông báo, báo động cháy tới toàn bộ cơ quan, đơn vị và mọi người trong nhà; tổ chức thoát nạn, cứu người, sơ tán tài sản và chữa cháy theo phương án, kế hoạch đã được phê duyệt; tiếp nhận, xử lý, điện báo cáo tình hình cháy lên cấp trên, các đơn vị và Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy (PCCC) đứng chân trên địa bàn theo theo kế hoạch hiệp đồng.

Hành động của cán bộ, chiến sĩ, người sinh sống trong tòa nhà: Nhanh chóng thoát khỏi đám cháy; bình tĩnh thoát nạn qua lối cầu thang thoát nạn; thoát nạn qua ống tụt, máng trượt thoát nạn ra ngoài; thoát bằng thang dây, dây; thoát nạn; qua cửa sổ, ban công nhảy xuống đệm hơi, đệm mút; thoát nạn qua xe thang. Để tránh ngạt khói, di chuyển ra ngoài bằng cách đi khom, cúi thấp người, bò sát mặt đất, bịt khăn có thấm nước lên miệng mũi, đeo khẩu trang hoặc mặt nạ phòng độc, mặc áo chống cháy hoặc choàng chăn ẩm, nhanh chóng chạy qua đám cháy thoát ra ngoài. Trong trường hợp quần áo bị bén lửa phải nằm xuống và lặn người qua lại hoặc lăn tròn để làm tắt ngọn lửa.

Hành động chữa cháy của các lực lượng, đơn vị phối hợp: Người chỉ huy giao nhiệm vụ bổ sung cho các tổ thực hiện nhiệm vụ trên cơ sở lực lượng của các tổ, các bộ phận đã phân công theo kế hoạch đã phê duyệt, như sau: Lực lượng hướng dẫn thoát nạn, cứu người ra khỏi khu vực nguy hiểm, sơ tán tài sản, vật chất, phương tiện ra khu vực an toàn; tổ chữa cháy bằng hệ thống chữa cháy bọng nước vách tường trong nhà, triển khai đường vòi đã được liên kết sẵn giữa trụ nước với dây vòi, lăng phun (tại trụ cấp nước chữa cháy), phun nước làm mát vào đám cháy trong nhà và làm mát ngoài nhà chống cháy lan sang các công trình lân cận. Trong trường hợp chỉ có một người, vừa mở van nước, gấp đầu lăng để nước không phun tung tóe, kéo dây vòi đến chỗ cháy, lật đầu lăng, phun vào đám cháy. Tổ chữa cháy bằng xe chữa cháy, triển khai đội hình chữa cháy theo phương án, phun nước làm mát vào đám cháy trong nhà qua các ô cửa sổ, cửa chính nếu có nguy cơ cháy lan sang nhà khác tiến hành phun chất chữa cháy chống cháy lan. Với tổ chữa cháy bằng phương tiện chữa cháy ban đầu, bình chữa cháy xách tay dập lửa. Tổ tiếp nước chữa cháy, nhanh chóng vận chuyển nước từ nơi khác đến khu vực bị cháy phục vụ tổ chữa cháy (bằng các xe bồn, xe xitec vận chuyển nước bảo đảm tiếp nước cho các xe chữa cháy).

Lực lượng quân y cấp cứu người bị nạn: Tổ chức các tổ, đội cấp cứu,tiếp nhận, thu dung các nạn nhân; chỉ đạo các trung tâm y tế, bệnh viện gần nơi xảy ra cháy, thực hiện cứu chữa trực tiếp tại nơi xảy ra; sử dụng các đội vệ sinh phòng dịch của các trung tâm y tế, cấp huyện, tỉnh nơi xảy ra sự cố. Tổ chức khoanh vùng, thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh; đưa nạn nhân tử vong về nơi tập trung, xác định danh tính theo quy định.

Trường hợp có hóa chất độc hại, báo cáo lên cấp trên sử dụng lực lượng hóa học: Khắc phục hóa chất độc hại, tổ chức đài quan sát, bố trí gần nơi cháy trong phạm vi bán kính 15km; cấp bổ sung trang bị và mặt nạ phòng độc cho mọi người, hướng dẫn các lực lượng tiếp cận khu vực sự cố và di tản mọi người trong phạm vi chịu ảnh hưởng của khói độc lan truyền; tổ chức các đội trinh sát hóa học, phân tích xác định loại hóa chất, nồng độ trong không khí, nguồn nước, khu vực hiện trường, cảnh báo khu vực nguy hiểm đánh dấu, khống chế nguồn phát tán, xác định hóa chất cần sử dụng và phương pháp tiêu độc; tổ chức các phân đội tiêu độc thu gom, cô lập, khống chế nguồn phát tán hóa chất độc; tổ chức tiêu độc và làm sạch môi trường nơi xảy ra cháy;

Trường hợp cháy nổ, sập đổ công trình, báo cáo cấp trên sử dụng lực lượng công binh; tìm kiếm nạn nhân mắc kẹt, phối hợp lực lượng y tế tìm và đưa nạn nhân mắc kẹt ra khỏi khu vực xảy ra cháy nổ, sập đổ công trình thực hiện cứu chữa nạn nhân.

Trường hợp cháy lớn ở tầng dưới không thể thoát nạn được, hướng dẫn mọi người lên tầng cao trên cùng, báo cáo cấp trên sử dụng lực lượng không quân; thực hành cứu hộ, cứu nạn bằng máy bay bảo đảm an toàn.

Lực lượng canh gác phối hợp với công an, bảo vệ chốt chặn và hướng dẫn giao thông, chỉ đường cho các đơn vị, cảnh sát PCCC vào tham gia chữa cháy.

Chỉ huy các đơn vị cơ động vào vị trí triển khai, sử dụng trang bị, phương tiện, phối hợp với lực lượng tại chỗ thực hành chữa cháy theo kế hoạch. Chủ động liên hệ với các đơn vị, Cảnh sát PCCC đóng quân trên địa bàn phối hợp hiệp đồng tham gia chữa cháy theo kế hoạch.

Với hành động chữa cháy của phân đội: Các đơn vị cơ động vào vị trí triển khai tại khu vực tập kết; chuẩn bị trang bị, phương tiện chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn; thực hành chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn, theo nhiệm vụ được giao.

Kết thúc chữa cháy: Người chỉ huy ra lệnh dừng phun chất chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn, thu hồi phương tiện, điểm danh lực lượng tham gia chữa cháy, cử lực lượng bảo vệ hiện trường; tổ chức lực lượng khắc phục hậu quả do cháy nổ gây ra; tổ chức hội nghị rút kinh nghiệm, bình xét khen thưởng, giải quyết công tác chính sách đối với nạn nhân và gia đình nạn nhân, tổng hợp tình hình báo cáo cấp trên.

Lực lượng tham gia chữa cháy: Dừng phun chất chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn, thu hồi phương tiện, kiểm đếm trang bị phương tiện chữa cháy; phục hồi tính năng trang bị phương tiện chữa cháy, bổ sung nước và vật tự chữa cháy, đưa trang bị phương tiện về trạng thái sẵn sàng chữa cháy.

Hướng dẫn cũng nêu rõ: Căn cứ vào trang bị hiện có, các cơ quan, đơn vị quan tâm đầu tư kinh phí mua sắm trang bị thoát hiểm gồm: Thang dây, dây tự cứu, mặt nạ phòng độc, ống tụt, máng trượt, vải thủy tinh, hệ thống chữa cháy bằng nước, các bình chữa cháy xách tay, khẩu trang để trang bị cho tòa nhà.

Nhận được hướng dẫn, các cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch PCCC, có phương án chữa cháy cụ thể đối với từng nhà, tổ chức quán triệt, luyện tập thực hành phương án chữa cháy theo kế hoạch.

TIẾN ĐẠT

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/tin-tuc/huong-dan-cong-tac-chua-chay-nha-cao-tang-cac-co-quan-so-chi-huy-va-nha-cong-vu-trong-quan-doi-604436