Hướng dẫn đổi tổ hợp của Bộ GD chung chung, trường THPT lúng túng

Trường Trung học phổ thông Lương Thế Vinh cơ sở A đã từng có 5 học sinh lớp 10 xin chuyển trường đến nhưng trường chỉ nhận được 1 em.

Năm học 2022 - 2023 là năm đầu tiên triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với bậc trung học phổ thông. Ngoài các môn bắt buộc thì học sinh được chọn tổ hợp môn học tự chọn.

Tuy nhiên, chỉ sau một học kỳ, nhiều học sinh cảm thấy không còn phù hợp và bày tỏ mong muốn thay đổi môn, tổ hợp môn. Trước những băn khoăn của học sinh, trường học, mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Công văn 68/BGDĐT-GDTrH hướng dẫn nhà trường thực hiện chuyển trường, đổi tổ hợp môn theo nguyện vọng của học sinh.

Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho rằng, dù các trường đã hướng dẫn rất kỹ và có các buổi tư vấn chuyên sâu nhưng không thể tránh được trường hợp học sinh có nhu cầu muốn chuyển tổ hợp môn học. Học sinh lớp 9 lên lớp 10 còn quá nhỏ, rất khó để chọn đúng, chọn trúng tổ hợp môn phù hợp học đến lớp 12. Do đó, sau một thời gian học, các em nhận thấy năng lực không đáp ứng được và mong muốn được đổi tổ hợp là việc rất chính đáng.

“Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành hướng dẫn này là cần thiết nhưng tôi thấy hơi muộn khi các trường đã sắp kết thúc học kỳ I”, thầy Bình nói.

Thầy Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Lương Thế Vinh (Hà Nội). Ảnh: NVCC

Thầy Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Lương Thế Vinh (Hà Nội). Ảnh: NVCC

Từ thực tế nhà trường, theo Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Lương Thế Vinh, công văn hướng dẫn còn chung chung và có nhiều ý chưa rõ ràng.

Thứ nhất, Bộ quy định trường hợp đặc biệt được đổi tổ hợp môn nhưng không giải thích cụ thể là những trường hợp nào.

“Trừ các em có năng lực học tập quá kém ở tổ hợp này muốn chuyển sang tổ hợp khác thì còn trường hợp nào học sinh được phép đổi nữa không”, thầy Bình thắc mắc.

Thứ hai, học sinh có nguyện vọng và được nhà trường chấp thuận cho chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập phải có bản cam kết tự bổ sung kiến thức, kỹ năng của chương trình môn học mới, cụm chuyên đề học tập mới ở lớp học trước đó. Vấn đề ở đây là, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 lần đầu tiên được triển khai với cấp trung học phổ thông nên giáo viên còn cảm thấy bỡ ngỡ, mất nhiều thời gian để thích ứng thì việc cho học sinh “tự bổ sung kiến thức” sẽ lại càng khó hơn, đặc biệt với nhóm môn khoa học tự nhiên.

Chưa kể, dù công văn cũng quy định nhà trường phải có các giải pháp phù hợp hỗ trợ học sinh bổ sung kiến thức; tổ chức kiểm tra, đánh giá việc tự bổ sung kiến thức tuy nhiên lại không nêu rõ thầy cô hỗ trợ học sinh ở mức độ nào và theo hình thức gì, thời gian bao lâu, các thầy cô phụ trách có được trả thêm lương hay không, kinh phí chi trả cho thầy cô lấy từ nguồn nào.

Thứ ba, học sinh sẽ được chuyển đổi 1 môn hay 2 môn hay toàn bộ tổ hợp. Vì chưa có quy định rõ ràng nên nhiều lúc học sinh thắc mắc nhưng trường học vẫn không thể trả lời rõ được.

“Tôi mong rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo có hướng dẫn chi tiết hơn càng sớm càng tốt để học sinh yên tâm học tập và trường học cũng không ở thế bị động”, thầy Bình nói.

Bên cạnh đó, thầy Bình cũng chia sẻ, tại Trường Trung học phổ thông Lương Thế Vinh cơ sở A đã từng có 5 học sinh lớp 10 xin chuyển trường đến. Nếu như theo quy định của những năm học trước thì các học sinh này đủ điều kiện để nhà trường nhận vào học. Còn năm nay, trường chỉ nhận được 1 em với lý do có tổ hợp môn và cụm chuyên đề học tập phù hợp theo đúng quy định; 4 em còn lại bị lệch một môn nên không thể chuyển sang được.

Từ đầu năm học đến giờ, nhà trường cũng có những trường hợp học sinh xin chuyển môn, tổ hợp môn nhưng nhà trường sẽ chỉ có thể thực hiện chuyển cho các em vào cuối năm học theo đúng hướng dẫn của Bộ Giáo dục.

Đồng quan điểm với thầy Nguyễn Quốc Bình, thầy Nguyễn Công Sở, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Lê Văn Thiêm (Hà Nội) cũng cho rằng dù phụ huynh và học sinh đã được tư vấn rất đầy đủ nhưng rõ ràng vẫn còn tồn tại nhiều bỡ ngỡ trong việc chọn tổ hợp môn. Chưa kể, có những học sinh buộc phải chuyển trường vì bố mẹ chuyển nơi công tác cũng gây khó cho nhà trường vì tổ hợp môn lựa chọn ở trường cũ chỉ lệch 1,2 môn thôi các em cũng không thể làm thủ tục chuyển được.

Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn

Thầy Sở lấy ví dụ, một số trường công lập tổ chức dạy môn Công nghệ, học sinh chọn tổ hợp có môn học này có nhu cầu chuyển đến Trường Trung học phổ thông Lê Văn Thiêm sẽ không chuyển được. Vì nhà trường không tổ chức dạy môn Công nghệ mà dạy môn Tin học.

“Tôi cho rằng, Bộ Giáo dục và Sở Giáo dục có thể nghiên cứu việc cho phép nhà trường tiếp nhận học sinh mới với điều kiện môn nào thiếu thì dạy bổ sung, nhà trường cũng sẵn sàng bố trí, sắp xếp thời gian và nhân lực để hỗ trợ các em học sinh này. Và việc chuyển tổ hợp nên được áp dụng ngay sau khi kết thúc học kỳ I để khối lượng kiến thức học sinh phải bổ sung ít, tạo thuận lợi cho các em.

Ngoài ra, cũng nên cho học sinh được phép đăng ký rộng hơn môn học theo quy định để tăng lựa chọn chuyên ngành tổ hợp xét tuyển đại học sau này vì thực tế hiện nay, việc thi tốt nghiệp hay xét tuyển đại học của lứa học sinh học Chương trình giáo dục phổ thông 2018 vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể”, thầy Sở bày tỏ.

Cùng chia sẻ về vấn đề này, thầy Hà Văn Trí, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Phú Bài (Thừa Thiên Huế) cho hay, thông thường học sinh có thể đánh giá được năng lực của mình sau học kỳ I và xác định được nhu cầu bản thân có muốn đổi tổ hợp môn hay không. Nếu hết năm mới được chuyển tổ hợp, học sinh tiếp tục phải học môn mình không thích, trong khi thời gian học môn phù hợp để thi tốt nghiệp trung học phổ thông lại ít dần. Vì vậy nên cho học sinh chuyển đổi tổ hợp môn càng sớm càng tốt.

"Nhà trường sẽ thống nhất với phụ huynh để lên kế hoạch bổ sung kiến thức cho các em. Cái khó ở đây là, số lượng lớp học bổ sung kiến thức sẽ không nhiều nên các trường phải tính toán kỹ trong việc sắp xếp nguồn nhân lực và kinh phí chi trả cho các thầy cô”, thầy Trí nói.

Anh Trang

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/huong-dan-doi-to-hop-cua-bo-gd-chung-chung-truong-thpt-lung-tung-post232547.gd