Hướng dẫn mức hưởng BHYT khi khám, chữa bệnh tại xã giáp ranh

Bảo hiểm xã hội Việt Nam vừa có công văn hướng dẫn mức hưởng khi khám chữa bệnh BHYT tại các xã giáp ranh của tỉnh giáp ranh theo Thông tư 30/2020/TT-BYT của Bộ Y tế.

Cán bộ y tế khám chữa bệnh cho người dân tại tuyến cơ sở

Cán bộ y tế khám chữa bệnh cho người dân tại tuyến cơ sở

Bảo hiểm xã hội Việt Nam vừa ban hành công văn hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Thông tư số 30/2020 của Bộ Y tế.

Thông tư số 30/2020/TT-BYT của Bộ Y tế quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Nghị định số 146/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (sau đây gọi tắt là Nghị định số 146/2018) có hiệu lực thi hành từ ngày 1-3-2021 và Công văn số 1078/BYT-BH gửi Bảo hiểm xã hội Việt Nam, đề nghị hướng dẫn việc thanh toán trong trường hợp chuyển dịch vụ cận lâm sàng liên quan đến đến khám, chữa bệnh HIV/AIDS và khám chữa bệnh lao.

Để thống nhất trong tổ chức thực hiện, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề nghị bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố nghiên cứu các nội dung quy định tại Thông tư số 30/2020/TT-BYT nêu trên, lưu ý một số nội dung sau.

Về khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tại xã giáp ranh của tỉnh giáp ranh, Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố căn cứ danh sách các trạm y tế tuyến xã có địa giới hành chính tiếp giáp trực tiếp với xã của tỉnh khác do Sở Y tế các tỉnh cung cấp sau khi thống nhất với các sở y tế của tỉnh giáp ranh như quy định tại điểm b, khoản 3 Điều 14 Thông tư số 30/2020/TT-BYT (bằng văn bản) để thực hiện thanh toán chi phí khám chữa bệnh tại xã giáp ranh của tỉnh giáp ranh theo đúng quy định tại khoản 4, Điều 14 Nghị định số 146/2018.

Người có thẻ bảo hiểm y tế đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại trạm y tế xã và tương đương đi khám chữa bệnh tại các trạm y tế của xã giáp ranh của tỉnh khác là trường hợp đi khám chữa bệnh không đúng tuyến, nhưng được hưởng 100% chi phí khám chữa vệnh trong phạm vi hưởng và mức hưởng quy định tại khoản 1, Điều 14 Nghị định số 146/2018.

Về quy định tại điểm b khoản 4 Điều 6 Thông tư số 30/2020/TT-Bộ Y tế, các trường hợp người bệnh đang điều trị nội trú hoặc điều trị ngoại trú được xác định theo quy định tại Điều 57, Điều 58 Luật Khám, chữa bệnh năm 2009.

Văn bản cũng hướng dẫn về việc chuyển thực hiện dịch vụ cận lâm sàng. Trong đó lưu ý thực hiện giám định và thanh toán đối với việc chuyển dịch vụ cận lâm sàng.

Cụ thể, Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố phải đề nghị cơ sở khám chữa bệnh cung cấp: Bản sao hợp đồng nguyên tắc theo quy định tại khoản 2 Điều 9 Thông tư số 30/2020/TT-BYT; văn bản thông báo danh mục các dịch vụ kỹ thuật cận lâm sàng cần chuyển có nêu rõ lý do phải chuyển sang cơ sở khác thực hiện dịch vụ, làm cơ sở thống nhất ký bổ sung phụ lục hợp đồng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế trước khi thực hiện.

Đối với các dịch vụ cận lâm sàng không thuộc danh mục dịch vụ kỹ thuật y tế được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt thực hiện tại cơ sở khám, chữa, nhưng thực tế cần thiết cho các hoạt động chuyên môn, chỉ áp dụng đối với người bệnh đang điều trị nội trú từ tuyến huyện trở lên.

Riêng việc chuyển các dịch vụ cận lâm sàng liên quan đến khám chữa bệnh của người nhiễm HIV/AIDS và mắc bệnh lao: tiếp tục thực hiện theo quy định tại khoản 4, Điều 4 Thông tư số 27/2018/TT-BYT ngày 26-10-2018 của Bộ trưởng Y tế về hướng dẫn thực hiện BHYT và KCB BHYT liên quan đến HIV/AIDS và khoản 3, Điều 7 Thông tư số 04/2016/TT-BYT ngày 26-2-2016 của Bộ trưởng Y tế quy định về khám chữa bệnh và thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế liên quan đến khám chữa bệnh lao.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng lưu ý các tỉnh, thành phố chủ động phối hợp chặt chẽ Sở Y tế, các cơ sở khám chữa bệnh và các đơn vị có liên quan triển khai thực hiện các quy định của Thông tư số 30/2020/TT-BYT, bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHYT khi đi khám chữa bệnh.

Phạm Phương

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/huong-dan-muc-huong-bhyt-khi-kham-chua-benh-tai-xa-giap-ranh-post460701.antd