Hướng đến chế biến sâu

Các sản phẩm từ titan và các hợp kim từ titan được sử dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực khác nhau, như: Công nghiệp hàng không, vũ trụ, luyện kim, công nghiệp chế tạo máy, hóa chất, xây dựng… Tại Việt Nam, nguồn khoáng sản này khá phong phú, song vì nhiều lý do, việc khai thác, chế biến còn nhiều hạn chế.

Nhiều hạn chế trong khai thác, chế biến

Theo tính toán của các cơ quan chức năng, hiện trữ lượng titan cả nước khoảng 664 triệu tấn, trong đó, riêng tỉnh Bình Thuận chiếm 92% trữ lượng cả nước. Hoạt động khai thác chế biến titan ở Việt Nam bắt đầu từ năm 1990. Những năm gần đây, do thị trường tiêu thụ titan trên thế giới tăng mạnh, việc khai thác sa khoáng titan ở Việt Nam trở nên sôi động. Tại các tỉnh miền Trung, trên 40 đơn vị đã tổ chức khai thác ở 38 khu mỏ, 18 xưởng tuyển tinh quặng ra đời với hơn 2 triệu tấn quặng được khai thác. Các địa phương khai thác chế biến titan, zircon nhiều nhất trong những năm gần đây là Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Bình Định, Phú Yên, Bình Thuận…

Các doanh nghiệp cần tiếp cận công nghệ chế biến sâu titan

Các doanh nghiệp cần tiếp cận công nghệ chế biến sâu titan

Thống kê của Hiệp hội Titan Việt Nam cho thấy, đến năm 2017, cả nước có trên 47 giấy phép khai thác titan đã được cấp và còn hiệu lực, với công suất trên 1,26 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, việc cấp phép khai thác tràn lan không gắn với tuyển tinh làm thất thoát tài nguyên. Hơn thế, do yếu về năng lực tài chính, chuyên môn nên doanh nghiệp titan đầu tư cho các nhà máy chế biến manh mún, quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu, không thân thiện môi trường… dẫn tới chất lượng sản phẩm titan thấp, trong khi giá xuất khẩu titan trên thế giới giảm sâu khiến cho lượng titan tồn kho tăng cao.

Các doanh nghiệp cũng rất khó tiếp cận công nghệ chế biến sâu titan. Đến nay, trên cả nước mới có 2 nhà máy sản xuất ilmenite hoàn nguyên công suất 20.000 tấn/năm và 5 nhà máy luyện xỉ đã sản xuất giai đoạn 1, công suất 84.000 tấn/năm và khoáng 11 dây chuyền/ xướng nghiền bột zircon mịn, rutil mịn.

Triển vọng phát triển

Tháng 9/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1546/QĐ-TTg phê duyệt "Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng titan giai đoạn đến năm 2020, có xét tới năm 2030". Quy hoạch thể hiện rõ quan điểm phát triển ngành, mục tiêu đến năm 2020 sẽ hình thành ngành công nghiệp titan với các sản phẩm chế biến sâu quặng titan đến pigment và titan xốp; đảm bảo nhu cầu trong nước về pigment; xuất khẩu các sản phẩm xỉ titan, titan xốp, muối zircon oxychloride.

Đến năm 2030, phát triển ngành công nghiệp titan ổn định và bền vững với Trung tâm khai thác, chế biến quặng titan quy mô lớn, công nghệ tiên tiến tại Bình Thuận. Tập trung và ưu tiên phát triển các sản phẩm pigment, titan xốp, titan kim loại và titan hợp kim phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Để phục vụ phát triển khai thác titan trong thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đề xuất với Chính phủ quy hoạch thăm dò khai thác quặng sa khoáng titan trong tầng cát đỏ tại khu vực Lương Sơn, tỉnh Bình Thuận với diện tích 150 km2. Đây được coi là những động thái nhằm phát triển ngành công nghiệp titan bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Ngày 5/4/2018, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 1142/QĐ- BCT phê duyệt Nhiệm vụ khoa học "Tổ chức điều tra, đánh giá tiềm năng và đề xuất các giải pháp khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản boxit, titan".

Hoàng Châu

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/huong-den-che-bien-sau-112338.html