Hướng đến chuyển đổi số quốc gia và cải cách hành chính

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, chiều 27/5, Quốc hội tiến hành thảo luận ở tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân (CAND) và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, đại biểu Nguyễn Hải Trung (Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội) đánh giá, 2 luật này đều hướng đến chuyển đổi số quốc gia và cải cách hành chính, hỗ trợ phục vụ phát triển kinh tế, đặc biệt là du lịch, lấy người dân và doanh nghiệp là trung tâm.

Các đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội thảo luận tổ tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. (Ảnh: QH)

Các đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội thảo luận tổ tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. (Ảnh: QH)

Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thành Trung (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái) nhận định, đòi hỏi công tác quản lý cư trú của người nước ngoài phải được tăng cường hơn nhằm phòng ngừa, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi lợi dụng chính sách thông thoáng về nhập xuất cảnh của Việt Nam để hoạt động vi phạm pháp luật, nhất là ở khu vực biên giới, khu vực cửa khẩu.

“Do đó, tôi đề nghị nghiên cứu, rà soát bổ sung trách nhiệm của lực lượng Bộ đội Biên phòng về khai báo tạm trú, để bảo đảm thống nhất với quy định của Luật Biên phòng Việt Nam và các Hiệp định về quy chế quản lý biên giới, cửa khẩu mà Việt Nam đã ký kết”, đại biểu Nguyễn Thành Trung bày tỏ.

Trong khi đó, đại biểu Trần Quốc Tuấn (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh) đề nghị sửa đổi Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam cần nghiên cứu bổ sung quy định trách nhiệm của bộ đội biên phòng ở khu vực biên giới, hải đảo có thẩm quyền tiếp nhận giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm.

Đại biểu Trần Quốc Tuấn phát biểu ý kiến. (Ảnh: QH)

“Bởi nếu quy định chỉ có Công an xã mới có thẩm quyền tiếp nhận các vụ việc có dấu hiệu vi phạm, cư trú bất hợp pháp của người nước ngoài là chưa đủ và chưa phù hợp lắm, nhất là ở các khu vực biên giới, cửa khẩu. Mặt khác, quy định như vậy là chưa đồng bộ, chưa bảo đảm tính tương thích với các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành”, đại biểu Trần Quốc Tuấn cho biết.

Cho rằng cần ứng dụng công nghệ thông tin, đơn giản hóa thủ tục xuất cảnh của công dân nước ngoài, đại biểu Tạ Đình Thi (Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội) đề nghị xem xét các quy định cụ thể về cơ sở dữ liệu về xuất cảnh, nhập cảnh trong dự thảo Luật để bảo đảm cơ sở dữ liệu tích hợp, đồng bộ, bảo đảm hiệu quả khai thác sử dụng để quản lý tốt hơn.

Liên quan đến đề xuất kéo dài hạn tuổi phục vụ của sĩ quan, hạ sĩ quan CAND, đại biểu Nguyễn Hải Trung (Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội) cho rằng, nội dung này nhằm đồng bộ, tương thích với Bộ luật Lao động năm 2019, làm tăng thêm Quỹ Bảo hiểm xã hội, số đối tượng được kéo dài tuổi nhất là lãnh đạo cấp cao (có cấp hàm Thượng tá trở lên) có nhiều kinh nghiệm trong công tác.

Còn theo đại biểu Lê Nhật Thành (Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội), đề xuất tăng hạn tuổi phục vụ của sĩ quan, hạ sĩ quan CAND là có cơ sở và phù hợp với thực tiễn, bởi đối với nam sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân công an tăng 2 tuổi, tương đương mức tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2019. Việc tăng ngay 2 tuổi của sĩ quan, hạ sĩ quan không làm ảnh hưởng đến hạn tuổi phục vụ cao nhất đối với sĩ quan, hạ sĩ quan có cấp bậc hàm, chức danh, chức vụ cao hơn.

Đại biểu Nguyễn Hải Trung phát biểu ý kiến. (Ảnh: QH)

Về nội dung tăng 3 tuổi đối với nữ sĩ quan có cấp bậc hàm Thượng tá, 5 tuổi đối với nữ sĩ quan có cấp bậc hàm Đại tá, đại biểu cho biết theo thống kê, nữ sĩ quan có cấp bậc hàm Đại tá hiện nay có 61 đồng chí, chủ yếu được bố trí giữ chức vụ lãnh đạo cấp Cục và tương đương, làm công tác quản lý, phụ trách các lĩnh vực y tế, hậu cần, tài chính, công tác đảng, công tác chính trị… đòi hỏi phải có nhiều kinh nghiệm thực tiễn, chuyên môn sâu nên tăng 5 tuổi là phù hợp.

Đại biểu Lê Nhật Thành thông tin, nữ sĩ quan có cấp bậc hàm Thượng tá, hiện nay có 1.070 đồng chí, chủ yếu được bố trí giữ chức vụ lãnh đạo cấp phòng và tương đương, vừa làm công tác quản lý, vừa trực tiếp thực hiện nhiệm vụ chiến đấu, phục vụ chiến đấu nên cần đáp ứng yêu cầu cao hơn về thể chất để thực hiện nhiệm vụ nên tăng 3 tuổi là phù hợp.

“Việc quy định như trên cũng bảo đảm nữ giới và nam giới được bình đẳng trong việc thụ hưởng các chế độ, chính sách về hạn tuổi phục vụ cao nhất, không ảnh hưởng đến cơ hội, điều kiện, năng lực thực hiện và những quyền lợi của mỗi cán bộ, chiến sĩ CAND, không có phân biệt đối xử về giới”, đại biểu Lê Nhật Thành bày tỏ.

Hoàng Phúc

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/huong-den-chuyen-doi-so-quoc-gia-va-cai-cach-hanh-chinh-156391.html