Hướng đến hiệu quả, thực chất

Trong năm 2022, Quảng Ninh tiếp tục đề ra mục tiêu giữ vững vị trí nhóm đầu cả nước về các Chỉ số PAR Index, PAPI, SIPAS. Hiện thực hóa mục tiêu này, tỉnh xác định tiếp tục hoàn thiện hệ thống thể chế đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực; thúc đẩy toàn diện việc xử lý hồ sơ, công việc trên môi trường mạng, hướng tới cơ quan Nhà nước 'không giấy tờ', nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công cho người dân, tổ chức...

Để người dân, doanh nghiệp thực sự là trung tâm, chủ thể cải cách
Thẳng thắn nhận diện tồn tại, hạn chế
Khẳng định cam kết hành động mạnh mẽ

Đổi mới tư duy, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ

Xác định mục tiêu của CCHC là phải tạo ra được bước đột phá, nhất là thủ tục hành chính liên quan tới người dân và doanh nghiệp, để khơi dậy và huy động mọi nguồn lực phát triển, Quảng Ninh đã dồn tâm sức, quyết liệt nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và mối quan hệ giữa cơ quan hành chính nhà nước với tổ chức, công dân.

Với những mục tiêu cao đề ra trong năm về thứ hạng trên bảng xếp hạng các chỉ số PAR Index, SIPAS trong năm 2022, cùng với hoàn thiện hệ thống thể chế đồng bộ, thúc đẩy toàn diện việc xử lý hồ sơ, công việc trên môi trường mạng…, tỉnh cũng đang tập trung cải cách quyết liệt, đồng bộ về quy định TTHC liên quan đến người dân, doanh nghiệp; TTHC nội bộ giữa cơ quan hành chính nhà nước; rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh.

Đồng thời, tăng cường trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, đơn vị và người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước các cấp. Hoàn thành việc đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC theo hướng nâng cao chất lượng; bảo đảm kết nối dữ liệu giải quyết TTHC trên môi trường điện tử bằng việc số hóa kết quả giải quyết TTHC đang hiệu lực và có giá trị sử dụng thuộc thẩm quyền của tỉnh, huyện, xã đạt tỷ lệ tối thiểu tương ứng là 80%, 70%, 60%; đưa 100% TTHC cấp tỉnh, huyện, xã có đủ điều kiện vào dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4…

Cùng với sự nỗ lực của tỉnh, các địa phương, đơn vị trên địa bàn cũng đẩy mạnh các giải pháp cải cách, đơn giản hóa TTHC, tạo điều kiện tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp. Đặc biệt là đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác CCHC; tinh thần, trách nhiệm, sự thân thiện của đội ngũ công chức làm việc tại trung tâm hành chính công và bộ phận một cửa các cấp khi tiếp xúc, hướng dẫn giải quyết hồ sơ cho người dân, doanh nghiệp; hướng tới người dân chỉ phải cung cấp thông tin, giấy tờ một lần.

Người dân sử dụng tài khoản định danh điện tử để nộp hồ sơ TTHC tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh
Ảnh: Q.M.G

Thúc đẩy xử lý hồ sơ, công việc trên môi trường mạng

Khảo sát, đánh giá sự hài lòng của tổ chức, cá nhân đối với hoạt động giải quyết TTHC 6 tháng đầu năm cho thấy: Trong tổng số 42618 phiếu nhận xét của doanh nghiệp, người dân nhận tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, Trung tâm Hành chính công cấp huyện, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã, tất cả đều đánh giá rất hài lòng và hài lòng. Điều này cho thấy sự nỗ lực rất lớn của các cấp, các ngành trong giải quyết TTHC thời gian qua.

Để tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách TTHC, tỉnh đã ban hành Quyết định sửa đổi bổ sung một số điều của quy chế quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng Cổng dịch vụ công tỉnh Quảng Ninh; tích cực triển khai các văn bản, nghị định của Trung ương liên quan đến TTHC...Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh cũng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC; phối hợp với các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan triển khai sử dụng con dấu thứ hai tại Trung tâm theo chỉ đạo của UBND tỉnh để thực hiện giải quyết TTHC theo nguyên tắc “5 tại chỗ”. Đồng thời, thực hiện đăng ký chứng thư số thứ 2 cho các sở, ngành để tiếp tục thực hiện quy trình 5 bước trên môi trường mạng (tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, đóng dấu - ký số, trả kết quả tại trung tâm); tăng số lượng dịch vụ công được cung cấp trực tuyến mức 3, 4; đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt và dịch vụ bưu chính công ích trong tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC...

Về phía các sở, ngành quá trình rà soát, tái cấu trúc quy trình giải quyết TTHC đang được tập trung triển khai; nhiều bước quy trình không cần thiết cũng được cắt giảm; phân cấp, ủy quyền tối đa cho cán bộ; thực hiện thẩm định, phê duyệt hồ sơ TTHC ngay tại trung tâm để phù hợp cho việc chuyển đổi số quy trình giải quyết. Các địa phương trong tỉnh cũng phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh rà soát, đánh giá khả năng đáp ứng về hạ tầng công nghệ thông tin của trung tâm hành chính công các cấp, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã phục vụ công tác chuyển đổi số, tích hợp các dịch vụ tiện ích để bổ trợ, phục vụ cho nhu cầu của tổ chức, cá nhân; tổ chức đào tạo, tập huấn cho cán bộ công chức, viên chức, nhân viên làm việc tại các trung tâm hành chính công về số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết TTHC, việc sử dụng hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu..

PHONG NAM

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dia-phuong/huong-den-hieu-qua-thuc-chat-i296332/