Hướng đến lâu dài

Chương trình 'Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam' đã được khởi động và cho thấy những tín hiệu tích cực ban đầu. Bước đi chủ động này nhằm từng bước khắc phục những tổn hại do dịch Covid-19 gây ra, nhưng nhìn xa hơn, đây hứa hẹn sẽ là giải pháp hiệu quả, góp phần vào tăng trưởng chung của ngành Du lịch.

Có thể nói, ngay sau khi có chủ trương của Chính phủ về việc đẩy mạnh quảng bá, phát triển du lịch nội địa, ngành Du lịch, các địa phương, đơn vị lữ hành, điểm đến… đã khẩn trương vào cuộc, triển khai hàng loạt biện pháp kích cầu. Ngay từ kỳ nghỉ lễ 30-4, 1-5, nhiều công ty du lịch ở Hà Nội đã tung ra các gói sản phẩm chất lượng, giá giảm sâu để thu hút du khách. Với chương trình này, người dân được hưởng lợi và các doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch cũng khởi động mùa mới với những điều chỉnh cần thiết để vừa bảo đảm chất lượng tour, tuyến, vừa làm mới hoạt động, tăng tính hấp dẫn, thu hút du khách trải nghiệm.

Những động thái tích cực đó, cộng với mùa du lịch đã bắt đầu, sẽ là cú hích để thị trường du lịch dần ấm trở lại. Tuy nhiên, nhiệm vụ đặt ra với ngành Du lịch không chỉ dừng ở kích cầu thị trường phục vụ giai đoạn trước mắt, mà các địa phương, đơn vị lữ hành, điểm đến cần định hình được phương hướng cho mục tiêu phát triển lâu dài thị trường du khách nội địa.

Thực tế, các đơn vị, địa phương đang đẩy mạnh liên kết để tạo ra sản phẩm du lịch có chất lượng tốt, thu hút du khách. Xét trong bối cảnh hiện nay và nhiều năm tới, đây là giải pháp phù hợp, nhưng liên kết thế nào để đạt hiệu quả bền vững mới là vấn đề đáng quan tâm.

Theo đó, những việc cần làm là đẩy mạnh hợp tác liên kết phát triển du lịch song phương, đa phương giữa các địa phương trong cả nước. Đặc biệt, phải khai thác các sản phẩm du lịch thế mạnh, căn cứ vào tiềm năng, tài nguyên du lịch và các điều kiện liên quan, để hợp tác, định vị sản phẩm du lịch đặc trưng, tạo sự khác biệt của từng vùng, miền. Hoạt động liên kết giữa các bên phải chặt chẽ, mang tính hệ thống, rõ trách nhiệm bảo đảm quyền lợi của khách hàng.

Việc phối hợp để đẩy mạnh công tác xúc tiến quảng bá du lịch; xúc tiến kêu gọi đầu tư… cũng cần được các cấp chính quyền và cơ quan quản lý nhà nước chú trọng. Làm tốt việc này sẽ giúp các đơn vị du lịch, điểm đến… tiếp cận được thông tin chính thống, để tìm giải pháp phát triển sản phẩm du lịch thích hợp, đa dạng. Từ đó, du khách có thể lựa chọn được những tour, tuyến phù hợp.

Đối với các đơn vị lữ hành và điểm đến, việc nâng cao chất lượng dịch vụ, sản phẩm du lịch vẫn là yêu cầu hàng đầu. Nếu tạo được ấn tượng tốt ngay từ ban đầu, du khách sẽ đặt niềm tin và quay trở lại. Ngược lại, nếu làm ăn chộp giật, chỉ vì mối lợi trước mắt, thì không thể thuyết phục được khách hàng và lâu dài sẽ đánh mất thị trường tiềm năng này.

Cũng liên quan đến vấn đề này, các đơn vị phải đặc biệt quan tâm đến chất lượng nguồn nhân lực. Nói cách khác, những nhân viên, hướng dẫn viên không chỉ giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, mà luôn phải có thái độ ứng xử văn minh, thân thiện, tạo được thiện cảm tốt với du khách ở mọi lúc, mọi nơi.

Một vấn đề cũng cần lưu ý, trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn có những diễn biến khó lường, thì ngành Du lịch, các đơn vị lữ hành, điểm đến phải rất quan tâm đến công tác phòng, chống dịch bệnh. Trong đó, những khuyến cáo trong lĩnh vực này phải được thực hiện đầy đủ và nghiêm túc.

Điều quan trọng nhất, thực hiện kích cầu du lịch nội địa không chỉ cho mục tiêu trước mắt, mà phải hướng đến lâu dài, giúp ngành Du lịch phát triển bền vững.

Bắc Vũ

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/luan-ban-hanh-dong/967297/huong-den-lau-dai