Hướng đến một ASEAN phẳng

Trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế thế giới về ASEAN, sáng 12/9, đã diễn ra một buổi họp báo về tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ tư cơ hội và thách thức. Phát biểu tại đây, các diễn giả đều thừa nhận sức mạnh của công nghệ số và cho rằng các nước đang phát triển có nhiều cơ hội hơn trong cách mạng công nghiệp 4.0.

Quyền Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng tại buổi họp báo.

Quyền Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khi được hỏi về bước đi của Việt Nam trong tương lai khi mà trong quá khứ Việt Nam là một nước chưa thực sự có trình độ phát triển như các quốc gia khác- đã thẳng thắn trả lời: Tương lai không phụ thuộc vào quá khứ. Các cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) như một bước ngoặt mà với cuộc cách mạng này, các quốc gia đang phát triển không có quá nhiều hạ tầng và kinh nghiệm của những cuộc CMCN trước đó nên sẽ có ít gánh nặng trên vai hơn và có thể phát triển nhanh hơn.

Chia sẻ thêm, quyền Bộ trưởng cho rằng, trong cả 3 cuộc CMCN trước, Việt Nam đều không có cơ hội tham gia, vì đang “bận rộn” với những sự vụ của riêng mình. Còn cuộc CMCN hiện nay là cuộc CMCN đầu tiên Việt Nam có mặt ngay từ đầu. Vậy một nước có nền tảng công nghiệp thấp như Việt Nam, nguồn lực con người kỹ năng cao còn yếu như Việt Nam có cơ hội để “sánh vai” với các cường quốc công nghiệp trong cuộc CMCN lần này không?

Thực ra, Việt Nam có rất nhiều cơ hội. Và các cơ hội ấy không phụ thuộc vào quá khứ là quan điểm hoàn toàn chính xác. Vì nếu một quốc gia và những người dân trong quốc gia ấy biết rõ những điểm yếu của mình và muốn vượt thoát lên để sánh vai với bạn bè năm châu thì điều đầu tiên họ cần là biết khát khao vươn lên. Mà muốn thế, hơn ai hết họ là người hiểu hơn ai hết xuất phát điểm của mình và những gì mình cần để đi lên.

Việt Nam từng là một quốc gia chậm phát triển nhưng trong quá trình vượt thoát khỏi cái bóng của chính mình để trở thành quốc gia đang phát triển, Chính phủ và người dân Việt Nam đã có nhiều, thật nhiều nỗ lực. Từ việc thay đổi trong chính sách để tự mình đổi mới, Chính phủ Việt Nam đã mở cửa và nỗ lực học hỏi rất nhiều từ các nước trong khu vực và trên thế giới. Chính vì thế, cũng không phải không có lý khi quyền Bộ trưởng cho rằng trong cuộc CMCN 4.0 này mọi thứ không quá nặng về cách mạng công nghệ mà liên quan đến cách mạng chính sách.

Bởi, một khi hạ tầng đã phát triển ở mức độ nhất định nào đó thì muốn đi xa hơn rõ ràng phải có những chính sách đột phá để hoặc là thu hút đầu tư; hoặc là phát huy tinh thần khởi nghiệp sáng tạo của các doanh nghiệp, doanh nhân. Và hơn hết, mọi sự phát triển đều là nhằm đến sự thịnh vượng cho người dân. Đặc biệt, ở thời điểm này của thế kỷ XXI, một sự phát triển riêng lẻ sẽ không phải là cách hay trong một thế giới toàn cầu hóa mà nó còn cần được đặt trong bối cảnh sự phát triển của khu vực.

Có lẽ vì lý do này mà chúng ta có một WEF ASEAN 2018 - một Diễn đàn mà các nước ASEAN cùng nhau bàn bạc về khả năng và tương lai của khu vực; bàn về việc đưa khu vực này bứt phá hơn nữa. Điều ấy là rất khả thi. Vấn đề là sự mong muốn của mỗi quốc gia sẽ như thế nào.

Chủ tịch Tập đoàn CIBM Holdings của Maylaysia Nazik Razak bày tỏ mong muốn WEF 2018 sẽ tạo ra những điều khác biệt khi tập trung vào ASEAN. Và, ông này đề nghị các nước ASEAN cần phải có sự chuẩn bị để phù hợp với cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Còn ông Kevin Sneader- Phó TGĐ toàn cầu của McKinsey thì nhấn mạnh CMCN lần thứ tư là cơ hội rất quan trọng để ASEAN nâng cao kỹ năng cho lực lượng lao động của mình.

Còn, nâng thế nào lại là một vấn đề khác. Về điểm này, quyền Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đề xuất một số ý tưởng về “một ASEAN”, “ASEAN phẳng” mà ở đó không có khoảng cách và không có chênh lệch, để mọi người đều thấy ASEAN chính là ngôi nhà của mình. Quyền Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đề cập đến giải pháp tập trung vào các trường đại học liên quan đến công nghệ của ASEAN để chuẩn bị nguồn nhân lực có thể tham gia vào cuộc CMCN 4.0. Vấn đề an ninh mạng, an ninh thông tin trong khu vực ASEAN nói chung cũng được gợi mở để các đại biểu WEF ASEAN tiếp tục thảo luận, vì hiện cuộc sống của chúng ta phụ thuộc vào internet, sự thịnh vượng của chúng ta cũng phụ thuộc vào internet, nhưng internet lại không an toàn, nên vấn đề đặt ra là làm sao thịnh vượng cùng với sự phát triển của internet nhưng lại hạn chế được những tác động tiêu cực của nó.

Còn nhiều ý tưởng nữa được đưa ra bởi quyền Bộ trưởng Bộ thông tin và Truyền thông như sáng kiến “ASEAN- Roam Like Home”, nhằm kết nối khu vực thông qua việc giảm mạnh cước chuyển vùng quốc tế; rồi mạng lưới chia sẻ nguy cơ mất an toàn thông tin chung… Những vấn đề sát sườn ấy chính là những thách thức của ASEAN trong các thập kỷ tới đây. Và, muốn làm được những việc này, trước tiên mỗi nước ASEAN phải nỗ lực nâng cao tính tự cường; phải sáng tạo và sáng tạo không ngừng để không bị bỏ lại phía sau. Các Chính phủ vì thế cần dự đoán, lường trước được sự phát triển công nghệ và có các hành động quyết liệt bảo đảm các điều kiện tiên quyết, đặc biệt là hạ tầng, nhân lực, an toàn, an ninh thông tin, khung pháp lý phù hợp. Mỗi một quốc gia nỗ lực sẽ là sự góp sức đáng kể vào một nỗ lực chung để ASEAN vượt lên phía trước trở thành “một ASEAN” hay “một ASEAN phẳng”. Sự nỗ lực của mỗi nước sẽ đưa các quốc gia xích lại gần nhau, vì mục tiêu hòa bình và phát triển thịnh vượng.

Hoàng Mai

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/goc-nhin-dai-doan-ket/huong-den-mot-asean-phang-tintuc415457