Hướng đến một thỏa hiệp

'Chảo lửa' Trung Đông lại đang sục sôi với những động thái và tuyên bố điều quân từ các bên liên quan.

“Chảo lửa” Trung Đông lại đang sục sôi với những động thái và tuyên bố điều quân từ các bên liên quan.

Mỹ hồi cuối tuần qua đã tuyên bố sẽ triển khai thêm binh sĩ và các hệ thống phòng không tới Vùng Vịnh nhằm “tăng cường phòng thủ” cho Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), sau các vụ tấn công các cơ sở sản xuất dầu quan trọng của Riyadh. Theo Bộ trưởng Esper, việc triển khai có 3 mục tiêu: Trợ giúp tăng cường phòng thủ cho Saudi Arabia và UAE; “đảm bảo dòng chảy tự do thương mại” tại Vùng Vịnh và “bảo vệ trật tự quốc tế dựa trên các quy tắc” mà Iran được cho là đang coi thường. Hiện chi tiết chính xác kế hoạch triển khai vẫn đang được cân nhắc, nhưng theo Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, tướng Joseph Dunford, việc triển khai lần này “không tới hàng nghìn” binh sĩ.

Iran tất nhiên đang dồn sức để đối phó với động thái này của Mỹ, trong đó có thể có hành động đáp trả cứng rắn. Tuy nhiên, có vẻ các bên không nên quá lo lắng. Trong một tuyên bố hôm 23-9, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo khẳng định Washington muốn tránh chiến tranh với Iran và việc tăng cường lực lượng đến Vùng Vịnh chỉ nhằm mục đích phòng vệ và răn đe. Thật sự, bằng cách điều thêm quân tới Vùng Vịnh, Mỹ đang tìm cách chứng minh để Iran thấy họ sẵn sàng cho một cuộc xung đột vũ trang nhưng thực tế là gần như họ không muốn xảy ra xung đột.

Thứ nhất, nên lưu ý rằng đội quân Mỹ không mạnh như họ tuyên bố bởi như tướng Dunford nói “không phải hàng nghìn binh sĩ” mà chắc chắn chỉ khoảng vài trăm. Quân đội Mỹ bao gồm các đơn vị đặc biệt, điều này có nghĩa nhằm củng cố sự hiện diện của Washington trong khu vực cũng như cho Tehran thấy họ nghiêm túc sẵn sàng cho các chiến dịch tác chiến. Nhưng khả năng xung đột vũ trang thì không nhiều, bởi khả năng cuộc khủng hoảng này sẽ được giải quyết bằng các biện pháp ngoại giao, thông qua thỏa hiệp đang hiện hữu.

Thực tế hơn nữa là Tổng thống Trump đang cố cho thấy những chiến thuật yêu thích của ông ấy là kết hợp sức ép kẻ thù cùng với một đề nghị thỏa hiệp theo sau. Nhưng trong trường hợp này, Washington phải cân đối các hành động với quan điểm của các đồng minh trong khu vực là Saudi Arabia và Israel. Cũng muốn nhắc lại rằng, sau khi Washington cáo buộc Tehran sắp đặt các cuộc tấn công nhằm vào các tàu chở dầu trên eo biển Hormuz, nhà lãnh đạo Iran đã ngay lập tức đáp trả rằng nước Cộng hòa Hồi giáo sẵn sàng cho “một cuộc chiến tranh toàn diện” nhằm vào cả Mỹ, Saudi Arabia và Israel.

Trong trường hợp xảy ra đối đầu vũ trang, Iran có thể gây ra những thiệt hại nghiêm trọng cho các đồng minh Trung Đông của Mỹ. Iran có cả các lực lượng không quân và tên lửa đạn đạo mặc dù không mạnh như của Mỹ hay Israel. Ngoài ra, Tehran có thể sử dụng các nhóm lật đổ và phiến quân Hezbollah cùng các nhóm đồng minh khác.

THANH VĂN

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/92_213111_huong-den-mot-thoa-hiep.aspx