Hướng đến mục tiêu có lợi cho người lao động

Thực hiện mục tiêu Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, đòi hỏi phong trào công nhân và tổ chức công đoàn (TCCĐ) phải không ngừng đổi mới phương thức và nâng cao hiệu quả hoạt động; thiết thực chăm lo, bảo vệ và phát huy mạnh mẽ vai trò của công nhân, viên chức, người lao động (NLĐ), đóng góp tích cực vào công cuộc đổi mới đất nước.

Chăm lo thiết thực NLĐ

Những ngày đầu tháng 7, sau 3 tháng điều trị tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, sức khỏe anh Phạm Văn Hùng, đoàn viên công đoàn (ĐVCĐ) Công ty Cổ phần Giày Yên Viên (Gia Lâm, Hà Nội) cơ bản hồi phục. Trước đó, anh Hùng bị áp xe phổi, được đưa vào bệnh viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch. Vợ anh không có việc làm ổn định, thu nhập thấp, lại phải nghỉ việc để chăm sóc chồng. Chia sẻ khó khăn với anh chị, lãnh đạo Công đoàn Công Thương Việt Nam, Công đoàn Công ty Giày Yên Viên kịp thời đến bệnh viện thăm hỏi, động viên và hỗ trợ gia đình một phần kinh phí điều trị.

 Đào tạo công nhân bậc cao tại Trường Cao đẳng Nghề số 2, Bộ Quốc phòng.

Đào tạo công nhân bậc cao tại Trường Cao đẳng Nghề số 2, Bộ Quốc phòng.

Trường hợp của chị Đào Thị Liên, nhân viên Khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình cũng nhận được sự quan tâm, động viên kịp thời của lãnh đạo và TCCĐ bệnh viện. Chị Liên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, chồng mất sớm, nuôi hai con nhỏ cũng mắc bệnh nan y, đang phải điều trị với chi phí rất cao. Theo ông Lê Chính Chuyên, Chủ tịch Công đoàn Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình: Cảm thông với hoàn cảnh của chị Liên, bệnh viện đã trích quỹ phúc lợi ủng hộ gia đình 20 triệu đồng; công đoàn bệnh viện vận động ĐVCĐ quyên góp ủng hộ chị hơn 60 triệu đồng. Chị Đào Thị Liên xúc động chia sẻ: “Tình cảm của cán bộ, ĐVCĐ bệnh viện dành cho một lao động hợp đồng như tôi thật đáng quý. Gia đình tôi sẽ luôn biết ơn”.

Được biết, ngoài sự quan tâm của TCCĐ các cấp đối với những hoàn cảnh cụ thể nêu trên, những năm gần đây, nhiều địa phương, doanh nghiệp trong cả nước đã có những chủ trương, giải pháp sáng tạo, quan tâm đến NLĐ yếu thế, điển hình như cách làm của Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Hải Dương. Theo đó, sau khi Tổng LÐLÐ Việt Nam phát động Tháng Công nhân năm 2019, LÐLÐ tỉnh Hải Dương xác định chương trình "Phúc lợi cho đoàn viên" là ưu tiên hàng đầu. Với việc kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn chung tay chăm lo đời sống NLĐ, chỉ trong thời gian ngắn, LÐLÐ tỉnh đã ký với 5 đơn vị bán hàng giảm giá cho ĐVCĐ, NLÐ. Tùy vào mặt hàng sản xuất, kinh doanh và điều kiện của mình, mỗi công ty thỏa thuận giảm giá cho NLÐ theo những cách khác nhau, với mức từ 5% đến 30%, cá biệt có gói dịch vụ giảm giá 100%. Đồng chí Mai Xuân Anh, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Hải Dương khẳng định: “Khi huy động được sự vào cuộc của toàn xã hội thì đối tượng được chăm lo không còn là một vài trường hợp cá biệt mà là cả một bộ phận lớn NLĐ yếu thế, gặp khó khăn”.

LĐLĐ TP Hồ Chí Minh, nơi quản lý hơn 20.000 công đoàn cơ sở/1,3 triệu ĐVCĐ. Công tác tham gia đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của ĐVCĐ, NLĐ được các cấp công đoàn ưu tiên hàng đầu. LĐLĐ thành phố đã thành lập Trung tâm Tư vấn pháp luật công đoàn thành phố, 28 tổ tư vấn pháp luật tại các quận, huyện, các khu chế xuất, khu công nghiệp. Từ năm 2016 đến nay, gần 2.000 NLĐ được hỗ trợ các thủ tục pháp lý hoặc đại diện theo ủy quyền tham gia khởi kiện thành công, đòi lại tiền doanh nghiệp nợ lương và bảo hiểm xã hội của NLĐ hơn 17 tỷ đồng.

Cán bộ, nhân viên kỹ thuật Xưởng 467, Cục Kỹ thuật Quân khu 4 có nhiều hoạt động sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ.

Đối với TCCĐ trong quân đội, công đoàn cơ sở đã chủ động tham mưu, đề xuất với lãnh đạo, chỉ huy cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thường xuyên quan tâm cải thiện môi trường, điều kiện làm việc của NLĐ, nhất là những khu vực sản xuất có yếu tố độc hại, nguy hiểm. Theo Đại tá Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Công đoàn Quốc phòng (Tổng cục Chính trị): Những tháng đầu năm 2019, Ban Công đoàn Quốc phòng đã xét, quyết định tặng 14 nhà “Mái ấm công đoàn-Nghĩa tình đồng đội” đối với ĐVCĐ có hoàn cảnh khó khăn, tổng trị giá 985 triệu đồng; tặng quà 3.450 cán bộ, ĐVCĐ trong toàn quân với tổng số tiền 2 tỷ 375 triệu đồng. Hầu hết, các doanh nghiệp trong quân đội đều quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, tổ chức bữa ăn ca cho NLĐ với mức tiền 20.000-32.000 đồng/người/ngày.

Chú trọng bồi đắp tác phong lao động công nghiệp

Bên cạnh chú trọng chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, những năm qua, việc đào tạo, nâng cao năng lực chuyên môn cho NLĐ được các cấp ủy, chính quyền, cơ quan chức năng đặc biệt coi trọng, chỉ đạo và đồng hành sát sao cùng với các chủ doanh nghiệp. Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc nhân sự Công ty TNHH Thành Công-Sài Gòn (TP Hồ Chí Minh): Để tạo điều kiện cho công nhân đến các lớp bồi dưỡng chuyên môn, công ty ưu tiên về thời gian, miễn tăng ca và hỗ trợ một phần tiền ăn, nước uống. Nếu học tốt, có năng lực, những công nhân này sẽ có cơ hội thay đổi vị trí làm việc. Cũng tại TP Hồ Chí Minh, mới đây Ban Quản lý các khu chế xuất-khu công nghiệp thành phố phối hợp với Tổ chức Kết nối hợp tác kỹ thuật châu Á khai giảng khóa học "Phát triển nguồn nhân lực để nâng cao chất lượng sản xuất công nghiệp" cho 73 học viên là quản lý, kỹ thuật viên, giám đốc của các doanh nghiệp. Tại đây, các chuyên gia Nhật Bản đã tư vấn chuyên sâu về cải tiến quy trình hoạt động, phương thức quản lý nhằm mục tiêu nâng cao hiệu quả đầu tư.

Được biết, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong công nhân lao động tại các doanh nghiệp đến năm 2020”. Đề án đặt mục tiêu tạo điều kiện để 80% công nhân lao động tại các doanh nghiệp nói chung, 90% công nhân lao động tại các doanh nghiệp trong khu chế xuất, khu công nghiệp được đào tạo nghề (đào tạo qua trường, lớp hoặc doanh nghiệp tự đào tạo); 40% công nhân lao động có tay nghề cao. Vận động, tạo điều kiện để 50% công nhân lao động được học tập, bồi dưỡng về ngoại ngữ, tin học... Trong quân đội, quá trình thực hiện chủ trương sắp xếp lại hệ thống doanh nghiệp theo chủ trương của Trung ương, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, công đoàn cơ sở các cấp tập trung làm tốt việc tham mưu cho cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị, nhất là các doanh nghiệp quân đội duy trì chặt chẽ, hiệu quả việc bồi dưỡng, rèn luyện tác phong công nghiệp cho đội ngũ những người lính thợ, giúp từng cán bộ, nhân viên giỏi kiến thức, vững nghiệp vụ, có tác phong làm việc khoa học và ý thức tổ chức kỷ luật cao.

Để tiếp tục phát huy kết quả đạt được, khi gặp gỡ, đối thoại với hơn 1.000 công nhân lao động các khu công nghiệp vùng Đồng bằng sông Hồng năm 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận: “Thành công của đất nước không thể không có vai trò của công nhân. Vì thế, cần củng cố, phát triển giai cấp công nhân Việt Nam mạnh về số lượng, tốt về chất lượng, có cuộc sống tốt hơn”. Thủ tướng yêu cầu cần có chính sách và giải pháp quyết liệt tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ NLĐ; tăng cường kiểm tra, đôn đốc, kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh, hướng đến những mục tiêu có lợi cho NLĐ.

Bài và ảnh: NGUYỄN MAI PHƯƠNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/huong-den-muc-tieu-co-loi-cho-nguoi-lao-dong-582587