Hướng đến mục tiêu môi trường kinh doanh Việt Nam không thua kém gì các nước

Từ một đất nước có nền kinh tế đóng cửa, Việt Nam đã dần trở thành nền kinh tế có độ mở rất lớn. Đó là cơ hội nhưng cũng là thách thức khi những biến động của kinh tế, chính trị thế giới có thể tác động ngay tới Việt Nam. Trong bối cảnh ấy, chỉ có cải cách, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh đến mức cao nhất mới có thể đưa Việt Nam vững vàng vượt qua những biến động của thời cuộc. PGS. TS Vũ Minh Khương, Đại học Lý Quang Diệu, Singapore, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ đã có những chia sẻ xung quanh vấn đề này.

Cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang dấy lên nhiều quan ngại với những diễn biến phức tạp. Theo ông, Việt Nam nên ứng phó như thế nào trước cuộc chiến thương mại này?

Trước hết, Việt Nam phải có khả năng chống chịu rất tốt vì tình hình kinh tế, chính trị thế giới thường xuyên biến động, không biến động ở chỗ này lại biến động ở chỗ khác. Trung Quốc mạnh lên rồi yếu đi cũng sẽ gây ra những tác động nhiều chiều.

Với một nền kinh tế mở như Việt Nam, những biến động của kinh tế thế giới cũng sẽ tác động lớn đến Việt Nam. Cho nên, bây giờ cũng như vài ba thập kỷ tới, Việt Nam phải luôn sẵn sàng các kịch bản ứng phó. Điều đó giống như chuyện xây nhà chống bão vậy. Muốn xây được nhà lớn, có đẳng cấp, có hệ sinh thái, Việt Nam phải coi trọng nhiều vấn đề liên quan đến thể chế kinh tế, xã hội cũng như môi trường kinh tế vĩ mô. Khi làm bất cứ điều gì, chúng ta cũng cần phải chú ý đến năng suất, môi trường và sự phát triển bền vững.

Trước hết, chúng ta phải biết mình biết người, phải biết rằng không đổi thay là chết; thứ hai, phải định vị chiến lược Việt Nam là thế nào; thứ ba, Việt Nam cần có tính cộng hưởng, "nhất hô vạn ứng", các ngành, các địa phương cùng nhau làm việc; thứ tư là phải phát triển phải có tính bền vững, không chỉ cho hôm nay mà cả ngày mai; thứ năm là Việt Nam phải làm gì đó cho thế giới kinh ngạc với người Việt Nam, nếu không làm được điều khiến thế giới kinh ngạc mà chỉ ở mức trung bình thôi thì chưa đủ.

Hội nhập, mở cửa là con đường Việt Nam đã và đang đi. Điểm đáng chú ý hơn cả trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam thời gian gần đây là việc ký kết Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Ông đánh giá thế nào sức ép cải cách với Việt Nam khi CPTPP có hiệu lực?

Trong năm 2019, kim ngạch XK của Việt Nam sang các nước thành viên CPTPP có thể tốt hơn một chút, nhưng quan trọng hơn là ý thức cải cách của Việt Nam phải lớn hơn rất nhiều. Khi tôi làm việc với các địa phương, các đơn vị, tôi thấy rằng tâm thế của họ đã khác hơn trước rất nhiều. Điều đó không chỉ thấy ở TP HCM, Hà Nội mà cả ở các tỉnh biên giới. Tôi cảm nhận được “hơi thở” của khát vọng muốn có sự đổi thay. Đây là điều đáng mừng. Điều Việt Nam cần trong thời gian tới không phải chỉ là cởi trói, phá rào trong làm ăn kinh doanh như câu chuyện “khoán 10” trước đây, mà phải là mọi người, mọi ngành đều cố gắng tạo nền tảng vững chắc cho công cuộc cải cách, tạo điều kiện cho nền kinh tế phát triển tốt hơn.

Những tín hiệu cải cách của Việt Nam là điều rất đáng mừng, cải cách từ nhu cầu của bản thân và tự mình thực hiện, thay vì trước đây chỉ là Ngân hàng Thế giới (WB) hay Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) giúp. Hiện nay, chính các chuyên gia của Việt Nam thiết kế tương lai của Việt Nam. Dường như các tập đoàn kinh tế, công ty tư nhân cũng như các địa phương đã sẵn sàng cho việc này. Đây là chuyển biến mới và tôi cho rằng, đó là dấu hiệu rất tốt. Học hỏi, cải cách và hình tượng ra một tương lai như thế nào cho Việt Nam, nắm bắt công nghệ 4.0, phát triển bền vững và trách nhiệm xã hội như là những "key word" trong lời nói của mọi người.

Bây giờ, thể chế của chúng ta vẫn còn đi chậm hơn so với đòi hỏi của thời đại, của nền kinh tế. Cho nên, chúng ta cần tham khảo tối đa những nước đã thành công, đặc biệt những nước có điều kiện tương đồng như Việt Nam.

Ông nhìn nhận thế nào về những cải cách của Việt Nam thời gian qua? Liệu những gì Việt Nam đã và đang làm có đáp ứng được yêu cầu của CPTPP nói riêng và của tiến trình hội nhập kinh tế nói chung hay không?

Cải cách của Việt Nam có nhiều tiến bộ tích cực, nhưng mức độ cải cách của Việt Nam vẫn còn khoảng cách rất dài so với các nước trong khu vực cũng như thế giới. Việt Nam vẫn nặng về tư duy “cởi trói” khi được kêu gọi sửa chữa, việc này Việt Nam khá nhanh, khá tốt. Thế nhưng cải cách để tạo ra nền tảng cho tương lai, để mọi người "nhất hô vạn ứng" thì chưa có.

Vì vậy, các nhà đầu tư vào Việt Nam vẫn nặng về cơ hội chứ chưa nghĩ sẽ "ăn đời ở kiếp" để cùng dân tộc này phát triển lên. Họ chỉ thấy rằng thị trường này có mấy chục triệu dân, công nhân giá rẻ thế nào... nên họ đầu tư vào. Chúng ta phải phấn đấu hướng đến mục tiêu môi trường kinh doanh Việt Nam không thua kém gì các nước, thể chế của ta tiến bộ đến mức họ thấy rằng đầu tư vào Việt Nam là có lợi, là yên tâm. Tâm lý của chúng ta vẫn nặng về tính hiệu quả, về dự án nọ dự án kia, mà chưa chú ý nhiều đến hiệu lực. Nếu chúng ta tạo được niềm tin cho người dân, cho doanh nghiệp, để cùng nhau đi đến ước mơ của toàn dân tộc thì sẽ tốt hơn nhiều.

Xin cảm ơn ông!

Ông Bùi Thanh Sơn, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao: Cần thực hiện quyết liệt chính sách thúc đẩy DN tranh thủ tốt cơ hội của hội nhập quốc tế

Những chuyển biến mạnh mẽ trong cục diện chính trị, kinh tế thế giới đặt ra những cơ hội không nhỏ cho Việt Nam. Tuy vậy, thách thức, khó khăn sẽ không ít đi, trái lại đang và sẽ tiếp tục gia tăng, tác động đến tất cả các nước, nhất là các quốc gia có độ mở của nền kinh tế lớn như Việt Nam.

Để tận dụng được những vận hội và hạn chế thách thức, trước hết cần xử lý tốt mối quan hệ giữa chủ động, tích cực hội nhập quốc tế và xây dựng nền kinh tế tự chủ, nâng cao sức mạnh tổng thể quốc gia. Việc thực hiện các cam kết hội nhập sâu rộng đang tạo sức ép cạnh tranh ngày càng gay gắt trên cả ba cấp độ gồm: Quốc gia, DN và sản phẩm. Vấn đề lớn đặt ra là làm sao thực hiện hiệu quả các FTA thế hệ mới để tăng cường được nội lực, nâng cao được năng suất, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Bên cạnh đó, chúng ta cần tiếp tục nỗ lực củng cố ổn định kinh tế vĩ mô, xây dựng nền kinh tế có khả năng tự chủ, có năng lực thích nghi và điều chỉnh linh hoạt trước những biến động kinh tế thế giới và khu vực.

Hội nhập kinh tế quốc tế là sự nghiệp của toàn dân, trong đó doanh nhân, DN là lực lượng đi đầu. Vấn đề đặt ra là chúng ta cần nỗ lực hoàn thiện, thực hiện quyết liệt, hiệu quả và thực chất các cơ chế, chính sách thúc đẩy DN Việt Nam tranh thủ tốt cơ hội, lợi ích của hội nhập quốc tế. Ngành Ngoại giao sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và địa phương đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác ngoại giao kinh tế lấy DN, người dân làm trung tâm, nhằm tăng cường hỗ trợ các DN mở rộng thị trường, thu hút đầu tư, công nghệ, bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các DN Việt Nam trong hội nhập kinh tế quốc tế.

TS. Deepak Mishra - Giám đốc Kinh tế Vĩ mô, Thương mại và Đầu tư (Ngân hàng Thế giới): Việt Nam nên kiên định hội nhập vào hệ thống thương mại toàn cầu

Hội nhập kinh tế quốc tế trong những thập kỷ gần đây có tác động tích cực rõ ràng đến tăng trưởng kinh tế và giảm nghèo. Tuy nhiên những thành quả của hội nhập thương mại có thể đã không được chia sẻ một các đồng đều trên toàn cầu. Một số chi phí tái phân bổ lại nguồn lực trong hội nhập thương mại dẫn đến thất nghiệp và bất bình đẳng thu nhập gia tăng ở một số ngành bị điều chỉnh có thể đã không được quan tâm đầy đủ ở một số quốc gia. Đây là một yếu tố góp phần vào việc hình thành ý kiến tiêu cực đối với lợi ích thương mại, gia tăng chủ nghĩa bảo hộ, dẫn đến sự bất ổn chính sách. Trong tình hình đó, Việt Nam nên giữ vững thái độ kiên định hội nhập vào hệ thống thương mại toàn cầu.

Ông Trịnh Quốc Dũng - Giám đốc điều hành phát triển vùng nguyên liệu, Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk): Bộ, ngành cần tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp hoạt động

Dù các Hiệp định thương mại tự do (FTA) có vẻ công bằng với các bên tham gia, song mỗi quốc gia, mỗi nền kinh tế đều có phương pháp riêng triển khai các hiệp định này. Thông thường có nhiều rào cản hợp pháp các quốc gia có thể tạo ra để ngăn chặn bớt dòng chảy hàng hóa từ nước ngoài vào nội địa; đồng thời phải khơi thông dòng chảy cho hàng hóa trong nước đi ra nước ngoài. Thương mại thực sự bình đẳng còn phải trải qua nhiều thời gian và nhiều chặng đường hơn nữa.

Thời gian tới, chúng tôi đề nghị Chính phủ đôn đốc và xử lý các cấp chính quyền bên dưới cũng phải quyết liệt, tận tâm vì dân như Chính phủ. Với các bộ, ngành, cần tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các DN hoạt động. Hiện nay còn rất nhiều thủ tục hành chính rườm rà, nhiêu khê, nhất là ở các cấp trực tiếp mà DN vẫn phải đương đầu. Bên cạnh đó, chúng tôi đề nghị các bộ, ngành triển khai nhanh các thủ tục hành chính trực tuyến để người dân, DN không phải tiếp xúc với các bộ phận, cá nhân thường xuyên tạo ra các khó khăn để nhũng nhiễu; có cơ chế công khai, minh bạch hoạt động của các bộ phận xử lý thủ tục hành chính để người dân giám sát; hạn chế thấp nhất nhũng nhiễu của người thực thi công vụ với DN và người dân.

Đức Quang (ghi)

Uyển Như (ghi)

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/huong-den-muc-tieu-moi-truong-kinh-doanh-viet-nam-khong-thua-kem-gi-cac-nuoc.aspx