Hướng đến mục tiêu phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Sáng 8-8, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết 24 và Chỉ thị 45 tổ chức Hội thảo 'Công tác thể chế và kết quả phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh vùng đồng bào dân tộc thiểu số'.

Đồng chí Trương Thị Mai phát biểu kết luận Hội thảo. Ảnh: Thành Chung

Đồng chí Trương Thị Mai phát biểu kết luận Hội thảo. Ảnh: Thành Chung

Tham dự hội thảo có đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương và các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Hà Ngọc Chiến, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; Đỗ Văn Chiến, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; Điểu K’Ré, Phó Ban Dân vận Trung ương; Hầu A Lềnh, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam...

Sau khi Nghị quyết 24-NQ/TW, ngày 12-3-2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác dân tộc được ban hành, Ban Cán sự Đảng, Đảng đoàn các cơ quan Trung ương, Tỉnh ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và tổ chức đoàn thể các cấp đã quán triệt sâu sắc và triển khai tổ chức thực hiện nghiêm túc Nghị quyết. Đồng thời xây dựng kế hoạch, chương trình hành động; thể chế hóa nội dung Nghị quyết bằng các Nghị quyết, Nghị định của Chính phủ, Quyết định, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ trong việc ban hành nhằm phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Công tác dân tộc đã nhận được sự ủng hộ và quan tâm vào cuộc sống của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở. Nhận thức về công tác dân tộc của các cấp, các ngành được nâng lên rõ rệt.

Đồng chí Đỗ Xuân Chiến báo cáo tại hội thảo. Ảnh: Thành Chung

Báo cáo tại hội thảo, đồng chí Đỗ Xuân Chiến cho biết, sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 24 về công tác dân tộc, tình hình vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã đạt được thành tựu quan trọng, tương đối toàn diện trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh. Cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng, từng bước hoàn thiện đã làm thay đổi cơ bản diện mạo vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Sản xuất bước đầu đã phát triển, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỉ trọng sản xuất hàng hóa. Lĩnh vực giáo dục, đào tạo đạt nhiều kết quả tích cực; công tác chăm sóc sức khỏe ngày càng tốt hơn; các giá trị văn hóa dân tộc truyền thống được bảo tồn và phát huy; hệ thống chính trị cơ sở ngày càng được củng cố; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn ngày càng được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ đói nghèo giảm nhanh hơn bình quân của cả nước. Đồng bào các dân tộc tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước; phấn khởi, hăng say lao động sản xuất, vươn lên xóa đói, giảm nghèo. Những kết quả to lớn đó góp phần quan trọng ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: Thành Chung

Tại hội nghị, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận những giải pháp nhằm giúp đồng bào dân tộc thiểu số giảm nghèo bền vững, vươn lên phát triển kinh tế. Theo các ý kiến tại Hội thảo, Đảng, Nhà nước cần xây dựng những chính sách cụ thể cho từng vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhằm tránh chồng chéo, lãng phí.

Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Trương Thị Mai khẳng định, công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân và toàn hệ thống chính trị. Các chính sách được ban hành toàn diện từ xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất, giáo dục đào tạo, y tế đến quốc phòng, an ninh.

Bên cạnh những kết quả tích cực, vẫn còn những vấn đề cần giải quyết như: Vấn đề chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tiếp cận với thị trường; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đội ngũ cán bộ, người có uy tín trong cộng đồng dân tộc thiểu số; vấn đề hoàn thiện thể chế để đảm bảo bình đẳng, giải quyết hài hòa giữa các dân tộc.

Toàn cảnh buổi hội thảo. Ảnh: Thành Chung

Đồng chí Trương Thị Mai nhấn mạnh, thời gian tới cần tập trung các nguồn lực để phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc trên tất cả các lĩnh vực. Thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới. Tập trung thu hẹp khoảng cách về mức sống giữa các dân tộc, vùng miền.

Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh phát triển giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội nhằm nâng cao đời sống cho đồng bào. Ngoài ra, cần tập trung xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, củng cố tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

Thành Chung

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/huong-den-muc-tieu-phat-trien-ben-vung-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so/