Hướng đến mục tiêu 'Văn hiến - Văn minh - Hiện đại'

Với việc Hội đồng thẩm định thống nhất thông qua nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội, thành phố cùng các đơn vị tư vấn đang khẩn trương hoàn thiện các nội dung liên quan. Đây là đồ án có ý nghĩa quan trọng với sự phát triển của Thủ đô trong giai đoạn tới, hướng đến mục tiêu xây dựng Hà Nội 'Văn hiến - Văn minh - Hiện đại'.

Thủ đô đang được quy hoạch phát triển hướng đến mục tiêu xây dựng Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.

Thủ đô đang được quy hoạch phát triển hướng đến mục tiêu xây dựng Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.

Phát triển toàn diện, đặc sắc và hài hòa

Theo Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Lưu Quang Huy, nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội gồm các nội dung về vai trò, vị thế và các mối liên hệ vùng; các đặc điểm hiện trạng; tầm nhìn, mục tiêu và động lực phát triển; định hướng phát triển không gian và sử dụng đất; phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật...

Báo cáo tại hội nghị thẩm định do Bộ Xây dựng tổ chức giữa tháng 4-2023, đơn vị tư vấn nêu rõ, mục tiêu điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội là phát triển thành phố “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”. Hà Nội sẽ trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước. Về mô hình phát triển đô thị, cơ bản vẫn bám sát định hướng theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đã được duyệt, đó là phát triển các chùm đô thị, gồm đô thị trung tâm và các đô thị vệ tinh nhưng có đề xuất điều chỉnh mô hình phát triển, cấu trúc không gian, bảo đảm gắn kết chặt chẽ với mô hình phát triển và cấu trúc không gian vùng, kết nối các đô thị trọng điểm trong Vùng Thủ đô Hà Nội.

“Định hướng phát triển không gian cho khu vực đô thị trung tâm hướng tới gia tăng giá trị, sức hấp dẫn, đặc trưng và bản sắc riêng cho Thủ đô, tạo điều kiện thu hút đầu tư cải tạo, chỉnh trang, tái thiết và phát triển đô thị. Không gian cho khu vực đô thị trung tâm cần khai thác các trục cảnh quan sông, hồ, gắn với phát triển kinh tế, dịch vụ, xây dựng hạ tầng xanh đa chức năng, không gian mở công cộng; tạo điều kiện thu hút đầu tư bảo tồn và phát huy những giá trị di tích văn hóa, lịch sử...”, ông Lưu Quang Huy nhấn mạnh.

Tiếp thu ý kiến đóng góp

Với nội dung nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội, các thành viên Hội đồng thẩm định, gồm 14 bộ và 3 hội nghề nghiệp, cũng đóng góp thêm một số ý kiến để giúp đơn vị tư vấn và địa phương bổ sung.

Theo đó, Hà Nội cần bổ sung nhiệm vụ hỗ trợ phát triển đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu; cập nhật Nghị quyết số 81/2023/QH15 của Quốc hội về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; bổ sung quy hoạch sử dụng đất quốc gia; phân tích, đánh giá rõ hơn về hạ tầng thủy lợi, đê điều, phòng, chống thiên tai; nên lựa chọn thời hạn quy hoạch có tính khả thi hơn; rà soát chỉ tiêu dân số làm cơ sở xây dựng hạ tầng; bổ sung nội dung về quy hoạch Vùng Thủ đô; xác định cơ sở hạ tầng không gian văn hóa, đặc biệt là không gian mở; phát triển hệ thống cây xanh, công viên; làm rõ không gian đô thị, khu vực nội thị; quan tâm đến khu vực nông thôn; quan tâm đến kết nối giao thông, nguồn nước…

Đáng lưu ý, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn đánh giá cao UBND thành phố Hà Nội đã tham vấn ý kiến, trình các cơ quan chức năng. Để hoàn thiện nội dung, Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn đề nghị thành phố chỉ ra những điểm khác biệt so với quy hoạch lần trước và có tính kế thừa nội dung để điều chỉnh phù hợp. "Cần đánh giá chỉ tiêu dự báo trong quy hoạch, đất đai, dân số, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, mô hình cấu trúc đô thị, định hướng di dân, hệ thống đô thị, danh mục dự án đầu tư", ông Nguyễn Tường Văn nêu.

Đại diện của Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cho biết, theo đồ án, dự báo phát triển dân số sơ bộ tại Hà Nội đến năm 2030 khoảng 11,4-11,9 triệu người; đến năm 2035 khoảng 12,2-12,9 triệu người; đến năm 2040 khoảng 13-13,7 triệu người; đến năm 2045 khoảng 13,7-14,6 triệu người và đến năm 2050 là khoảng 14,3-15,5 triệu người. Mức điều chỉnh tăng do tính thêm dân số quy đổi, dân số vãng lai… để phù hợp với định hướng phát triển của Hà Nội, bảo đảm tính dẫn dắt và lan tỏa của Thủ đô trong giai đoạn mới.

Tương tự, về quy mô đất đai, đơn vị nghiên cứu cũng dự kiến điều chỉnh theo hướng tăng tỷ lệ đất phát triển đô thị bám sát tinh thần Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Cụ thể, đến năm 2030, đất xây dựng đô thị khoảng 110-120 nghìn héc ta, đất xây dựng nông thôn khoảng 34-35 nghìn héc ta và sẽ phát triển tương ứng lên 130-135 nghìn héc ta và 30-34 nghìn héc ta vào năm 2050.

“Thực hiện chỉ đạo của Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội, trên cơ sở tiếp thu các ý kiến đóng góp của Hội đồng thẩm định, đơn vị tư vấn sẽ tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện để thành phố sẽ báo cáo và trình Thủ tướng Chính phủ, dự kiến vào đầu tháng 5-2023”, ông Lưu Quang Huy nêu.

Bảo Hân

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/kinh-te/1062256/huong-den-muc-tieu-van-hien---van-minh---hien-dai