Hướng đến trồng dược liệu để bảo vệ rừng

Với khí hậu và thổ nhưỡng phù hợp cho sự phát triển của những loại cây dược liệu có giá kinh tế, Quảng Nam đang hướng đến trồng dược liệu dưới tán rừng, vừa giúp công tác bảo vệ rừng được tốt hơn, vừa tạo cho người dân có thêm thu nhập để vươn lên thoát nghèo một cách bền vững.

Vườn Sâm Thất diệp Nhất chi hoa của hộ dân ở Phước Sơn. Ảnh: Đ.V

Cây Sâm Ngọc Linh đang mang lại hiệu quả cao về kinh tế cho huyện Nam Trà My, ở huyện Phước Sơn - một huyện miền núi khác của tỉnh Quảng Nam – chính quyền xã và người dân đang hướng đến trồng cây dược liệu dưới tán rừng nhằm vươn lên để thoát nghèo.

Vườn Sâm Thất diệp Nhất chi hoa của hộ dân ở Phước Sơn. Ảnh: Đ.V

Với khí hậu, thổ nhưỡng, địa hình thuận lợi, tại xã Phước Lộc (huyện Phước Sơn), người dân đang trồng, phát triển những cây dược liệu dưới các tán rừng như: trồng quế, sâm Ba Kích, Sâm Dây (Đẳng Sâm), đặc biệt, hiệu quả nhất là cây sâm “Thất diệp Nhất chi hoa” (bảy lá, một hoa).

Anh Hồ Văn Quà (28 tuổi, thôn 6 xã Phước Lộc) cho biết, cây sâm Thất diệp Nhất chi hoa (cây sâm bảy lá) hiện có giá bán dao động từ 700 – 900 nghìn/1kg. Giá trị của củ sâm được tính theo khấc, tức mắt sâm, tương ứng với số tuổi. Cây sâm trưởng thành cứ mỗi năm nứt ra 1 chồi dưới gốc, từ chồi này sẽ hình thành một cây con khác. Ngoài ra, có thể nhân giống sâm bằng hạt, mỗi cây sâm tới tuổi cho 7 - 8 hạt/1năm.

Những cây sâm được anh Hồ Văn Quà đem từ rừng già về trồng. Ảnh: Đ.V

“Ngày nay, do khai thác cạn kiệt, việc tìm củ sâm từ trong rừng đem về để bán ngày càng khó. Cây con giống phải đi vào rừng già để tìm và đem về trồng tại vườn để nhân giống. Cây sâm từ 3 tuổi trở lên là có thể thu hoạch, nhưng để càng lâu càng có giá” – anh Quà nói.

Ông Nguyễn Quảng - Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn - cho biết, về tiềm năng của cây dược liệu, huyện Phước Sơn đang kêu gọi doanh nghiệp vào khảo sát để trồng.

“Hiện tại, cây dược liệu được đầu tư phát triển để chọn làm cây thế mạnh của huyện. Thực tế, cây sâm Ba Kích tím, Sa Nhâm tím, Giảo Cảo Lam…bước đầu mang lại kết quả. Vì sâm đã có sẵn ngoài tự nhiên nên người dân đem về trồng với manh muống nhỏ lẻ. Từ đó, số lượng bán ra không đáp ứng đủ nhu cầu.

“UBND huyện Phước Sơn cũng đang kêu gọi một số doanh nghiệp như Công ty cổ phần đầu tư lâm nghiệp Quảng Nam và một công ty trồng sâm Ngọc Linh, một công ty trồng cây gỗ lớn,… vào để đầu tư” – ông Quảng nói.

Theo ông Lê Minh Hưng - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, căn cứ vào kinh nghiệm dân gian, thất diệp nhất chi hoa có thể uống mát, giải độc cơ thể,..tuy nhiên cần nghiên cứu thêm.

“Sở NN&PTNT đang tìm hiểu về giá trị của các cây dược liệu này để đưa vào loài cây trồng được hỗ trợ. Với quy mô nhỏ như hiện nay, Sở NN&PTNT khuyến khích các đơn vị nhân giống được, Sở sẽ có hướng dẫn thành lập các hợp tác xã, doanh nghiệp để được hỗ trợ theo Nghị định 65 của Chính phủ về phát triển cây lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng và cũng giúp rừng được bảo vệ tốt hơn” – ông Hưng nói.

ĐỖ VẠN

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/kinh-te/huong-den-trong-duoc-lieu-de-bao-ve-rung-638535.ldo