Hướng đến truy xuất nguồn gốc thực phẩm

Thông tin từ Chi cục Chăn nuôi - thú y Đồng Nai cho biết, năm 2022, toàn tỉnh Đồng Nai đã kiểm tra và xử lý 126 trường hợp giết mổ không phép trên địa bàn, tổng số tiền xử phạt các cơ sở vi phạm là 743 triệu đồng và tiêu hủy, xử lý nhiệt gần 15 tấn sản phẩm động vật.

Người tiêu dùng thực hiện truy xuất nguồn gốc các loại thịt bằng điện thoại thông minh tại Co.op Mart Biên Hòa. Nguồn: ITN

Tại tỉnh Đồng Nai, mặc dù thiếu về số lượng cơ sở giết mổ được đầu tư theo quy hoạch nhưng đa số các cơ sở giết mổ được cấp phép đang hoạt động không hết công suất, thậm chí cầm chừng vì không cạnh tranh được với giết mổ lậu do các dây chuyền giết mổ hiện đại hoạt động sẽ tốn gấp hai đến ba lần chi phí vận hành. Trong khi đó, nguồn gia súc, gia cầm cung cấp đi thị trường TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành lân cận chủ yếu là động vật sống, chủ yếu xuất con đem giết mổ ở các tỉnh, thành tiêu thụ.

Đồng Nai đã quy hoạch xây dựng mạng lưới cơ sở giết mổ động vật tập trung trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 toàn tỉnh sẽ có 58 cơ sở giết mổ. Nhưng hiện tại, theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Đồng Nai, ngành thú y đang quản lý 45 cơ sở giết mổ động vật trên địa bàn toàn tỉnh; trong đó có 40 cơ sở thuộc mạng lưới giết mổ tập trung và 5 cơ sở giết mổ tạm thời với công suất giết mổ bình quân 1 ngày từ 1,9 - 2,1 ngàn con heo, 37 - 40 ngàn con gà, 50 - 60 con trâu, bò.

Theo Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), giai đoạn 2021 - 2030, việc tăng cường ứng dụng công nghệ trong sản xuất, chế biến, xây dựng và vận hành hệ thống truy xuất nguồn gốc nông sản là một trong những định hướng quan trọng để thực hiện mục tiêu đẩy mạnh thị trường trong nước và xuất khẩu, nâng cao giá trị gia tăng cho ngành. Như vậy, truy xuất nguồn gốc là xu thế của cả sản xuất nông sản trong nước chứ không chỉ với hàng hóa xuất khẩu.

Theo đó, Sở NN&PTNT tỉnh đã triển khai dự án Truy xuất nguồn gốc thực phẩm thiết yếu có nguồn gốc động vật trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến năm 2025. Đến nay, toàn tỉnh có hơn 1.160 cá nhân, tổ chức đã đăng ký tham gia dự án và được cấp tài khoản gồm: siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chợ, cơ sở giết mổ heo…

Đặc biệt, hầu hết các cơ sở giết mổ heo được cấp phép trên địa bàn tỉnh đều đã đăng ký tham gia dự án Truy xuất nguồn gốc thực phẩm thiết yếu có nguồn gốc động vật trên địa bàn. Trước đó, nhiều cơ sở giết mổ đã tham gia đề án quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo cung cấp vào thị trường TP. Hồ Chí Minh là điều kiện thuận lợi để triển khai dự án mới này.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh có hơn 34 ngàn con heo được đeo vòng và dán tem truy xuất nguồn gốc; trên 1,1 ngàn trang trại đã khai báo chăn nuôi trên phần mềm quản lý chăn nuôi Te-food (đạt tỷ lệ khoảng 69,5%). Phần mềm quản lý chăn nuôi Te-food ứng dụng công nghệ 4.0 truy xuất nguồn gốc để quản lý đàn chăn nuôi và thu thập, xử lý thông tin chống dịch bệnh khẩn cấp được triển khai thí điểm trên địa bàn tỉnh vào năm 2019. Đây là mô hình được tỉnh tập trung nhân rộng và đã thu hút nhiều doanh nghiệp trong ngành chăn nuôi tham gia. Hiện mô hình này đang tiếp tục được nhân rộng, ứng dụng vào các trang trại và hộ chăn nuôi gia đình.

Cùng với đó, việc sử dụng mã QR truy xuất nguồn gốc thực phẩm hiện đã được nhiều hệ thống siêu thị bán lẻ triển khai, đặc biệt là các mặt hàng thực phẩm tươi sống, như: thịt heo, thịt gà, rau, củ, quả… Với các mã QR được gắn trên bao bì sản phẩm, người tiêu dùng có thể truy xuất nguồn gốc sản phẩm, tra cứu thông tin cùng các tiện ích đi kèm, như: thông tin về trang trại, thú y, điểm bán lẻ, thức ăn, tiêm chủng, chu trình xử lý, giết mổ của thực phẩm… bằng các ứng dụng trên điện thoại thông minh một cách đơn giản; giải pháp này được người tiêu dùng phản ánh tích cực và sẽ được nhiều đơn vị bán lẻ nhân rộng thời gian tới.

Anh Lương

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dia-phuong/huong-den-truy-xuat-nguon-goc-thuc-pham-i337485/