Hướng đến việc thu hút các nhà đầu tư thực chất

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, tại phiên thảo luận về dự án Luật Đầu tư (sửa đổi), đa số đại biểu Quốc hội cho rằng, từ thực tiễn thi hành Luật Đầu tư thời gian qua cho thấy, cần thiết phải sửa đổi Luật nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc cũng như tiêu cực phát sinh như vấn đề chuyển giá, trốn thuế, sử dụng công nghệ lạc hậu khi đầu tư, đầu tư chui…qua đó, hướng đến việc thu hút các nhà đầu tư thực chất.

Toàn cảnh phiên họp Luật Đầu tư (sửa đổi).

Toàn cảnh phiên họp Luật Đầu tư (sửa đổi).

Sự cần thiết phải sửa đổi Luật Đầu tư

Giải trình làm rõ ý kiến đại biểu Quốc hội liên quan đến Luật Đầu tư (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, những cải cách quan trọng của Luật Đầu tư đã được Quốc hội thông qua năm 2014, trên thực tế đã góp phần quan trọng vào việc bảo đảm thực hiện quyền tự do đầu tư kinh doanh của người dân và doanh nghiệp; xóa bỏ nhiều rào cản trong hoạt động kinh doanh và không phù hợp với nền kinh tế thị trường cũng như các cam kết hội nhập của Việt Nam.

Từ đó, đã tạo cơ sở pháp lý cho việc cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng ngày càng thuận lợi, minh bạch và bình đẳng giữa doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế. Đồng thời, luật này cũng đã tạo được động lực cho việc thực hiện nhiều cải cách quan trọng trong hệ thống về điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính và cơ chế quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư kinh doanh.

Bên cạnh kết quả đạt được thì trong thực tiễn hơn 4 năm qua cũng cho thấy, đã đến lúc để chúng ta phải đặt ra yêu cầu phải tiếp tục hoàn thiện hơn nữa một số quy định của luật này, để nhằm thể chế hóa các Nghị quyết mới đây của Đảng về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa về phát triển kinh tế tư nhân, về nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư với nước ngoài đến năm 2030 theo tiêu chuẩn Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị và cũng phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia…

Thảo luận tại hội trường các đại biểu cơ bản tán thành với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư. Từ thực tiễn thi hành Luật Đầu tư thời gian qua cho thấy cần thiết phải sửa đổi Luật nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc cũng như tiêu cực phát sinh như vấn đề chuyển giá, trốn thuế, sử dụng công nghệ lạc hậu khi đầu tư hay đầu tư chui…nên cần có những giải pháp mới, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, hướng đến cắt giảm thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, xử lý những quy định còn mâu thuẫn với các luật khác.

Góp ý về phạm vi điều chỉnh dự án Luật, đại biểu Dương Minh Tuấn (đoàn đại biểu tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) cho biết, thời gian qua việc thực hiện Luật Đầu tư, môi trường kinh doanh đầu tư của nước ta đã có nhiều chuyển biến tích cực, thu hút nhiều nguồn lực cho phát triển. Tuy nhiên, từ thực tiễn cũng đặt ra nhiều vấn đề cần nhìn nhận và yêu cầu sửa đổi.

Đại biểu cho biết, các nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm đến nội dung bảo đảm đầu tư, do đó các biện pháp bảo đảm quyền lợi của nhà đầu tư rất quan trọng trong việc thu hút đầu tư. Trong khi đó quy định về điều khoản bảo đảm đầu tư ở dự thảo Luật mới dừng trong trường hợp có thay đổi pháp luật thực tế nhà đầu tư cần nhiều hơn, đề nghị cân nhắc có bảo đảm quyền nhà đầu tư bao gồm quyền sở hữu tài sản, việc chuyển tài sản và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, đại biểu đoàn Bà Rịa – Vũng Tàu cũng đề nghị cần quan tâm đến việc chọn lọc nhà đầu tư. “Trong quá trình thực hiện đầu tư xuất hiện một số hiện tượng tiêu cực như chuyển giá, trốn thuế, sử dụng công nghệ lạc hậu tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, đầu tư chui thông qua núp bóng nhà đầu tư Việt Nam. Lồng ghép điều khoản thu hút nhà đầu tư thực sự có năng lực, đáp ứng hiệu quả sử dụng tài nguyên, đất đai, lao động, bảo đảm quốc phòng an ninh”, đại biểu Dương Minh Tuấn nhấn mạnh.

Cân nhắc việc cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê

Bên cạnh việc các đại biểu Quốc hội cơ bản tán thành với việc cần sửa đổi một số điều trong Luật Đầu tư đồng thời cho rằng, cần góp ý để dự án Luật ngày càng hoàn thiện, thiết thực với cuộc sống. Song, nhiều đại biểu cũng cho ý kiến về việc đưa ngành, nghề “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” vào Danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh; các loại hình bị cấm đầu tư kinh doanh.

Trước vấn đề trên, một số ý kiến tán thành với Tờ trình của Chính phủ, cấm “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” vì thời gian qua có nhiều doanh nghiệp lợi dụng việc kinh doanh dịch vụ này gây mất trật tự, gây áp lực lên con nợ dẫn tới nhiều hệ lụy, cần so sánh hiệu quả của hoạt động này với hệ quả của nó cho xã hội, hoạt động này dùng các lực lượng xã hội đen để thực hiện việc đòi nợ thuê và tồn tại hiện tượng tín dụng đen; trường hợp cấm thì nghiên cứu kỹ lưỡng quy định về xử lý chuyển tiếp. Một số ý kiến đề nghị rà soát, đánh giá và lấy ý kiến thêm về vấn đề này trước khi quyết định cấm hoặc không.

Góp ý vào dự án Luật Đầu tư đại biểu Hà Sĩ Đồng (đoàn đại biểu tỉnh Quảng Trị) cho rằng, hiện nay dịch vụ đòi nợ thuê mới được quản lý ở tầm Nghị định nên còn nhiều lỗ hổng dẫn đến tình trạng biến tướng gây bức xúc trong thời gian qua. Vì vậy, cần tăng cường quản lý theo hướng có quy định về đăng kí công ty và người thực hiện cụ thể và khi tiến hành đòi nợ phải xưng danh tên chủ nợ, thời gian liên lạc, cấm các biện pháp xúc phạm đe dọa hủy hoại tài sản.

Theo đại biểu Hà Sĩ Đồng không nên cấm loại hình dịch vụ này vì có cấm, thì người dân cũng lách luật bằng cách thực hiện các hợp đồng hay thỏa thuận ủy quyền, có thể làm gia tăng tình trạng trây ì ko thực hiện hợp đồng. “Cách làm tốt hơn là học kinh nghiệm nước ngoài để xây dựng quy định quản lý chặt chẽ”, đại biểu Hà Sĩ Đồng nhấn mạnh.

Cũng liên quan đến việc cấm hay không cấm dịch vụ đòi nợ thuê, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (đoàn đại biểu tỉnh Bến Tre) cho rằng, việc cấm kinh doanh đối với dịch vụ đòi nợ thuê không phải vì không quản lý được thì cấm, mà bởi đây là loại hình tiêu cực. Do đó phải hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan và cơ chế quản lý tranh chấp bảo vệ tài sản quyền con người với nhiều hình thái văn minh. Trong khi đó hình thái đòi nợ cổ điển và biến tướng rất nhiều, dẫn đến tình trạng mất an ninh trật tự, rồi cơ quan nhà nước lại mất thêm lực lượng giải quyết quản lý vấn đề này.

Tranh luận với ý kiến cho rằng thủ tục tư pháp rườm rà nên người dân ít lựa chọn phương thức này để xử lý nợ, xử lý tranh chấp, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nêu rõ, thủ tục tư pháp phức tạp là do tôn trọng quyền công dân, quyền con người nên cần quy định chặt chẽ và nếu thủ tục còn rườm ra phức tạp thì hướng đến hoàn thiện sửa đổi quy trình thủ tục, không phải vì thế mà duy trì hình thức tiêu cực như đòi nợ thuê…

Kết luận nội dung thảo luận tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết các ý kiến đại biểu Quốc hội đã được tổng hợp đầy đủ, trên cơ sở đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 9.

Tuấn Minh

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/huong-den-viec-thu-hut-cac-nha-dau-tu-thuc-chat-99957.html