Hướng đến xóa bỏ hủ tục trong đám tang của người Mông

Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh thuộc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) tỉnh Hà Giang mới đây đã khai mạc lớp tập huấn tuyên truyền, hướng dẫn xóa bỏ hủ tục trong tổ chức đám tang, đám ma khô của dân tộc Mông tại xã Tùng Vài, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang.

Người trong gia đình khóc thương bên cẩu vá - tượng trưng cho người thân đã mất

Xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa

Lớp tập huấn diễn ra trong 3 ngày. Tại đây, các học viên được nhà nghiên cứu văn hóa dân tộc Mông Hùng Đại Kỳ, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh của tỉnh, truyền đạt các nội dung như: Định hướng, quy định của Nhà nước về việc bài trừ những hủ tục và thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Đánh giá thực trạng các hủ tục trong đám tang của đồng bào Mông tỉnh Hà Giang và các tỉnh lân cận. Nêu những việc làm, thói quen và các tập tục trong đám tang, ma của người Mông bị coi là hủ tục; tổng hợp một số nội dung tích cực của dân tộc khác để bài trừ các hủ tục và sửa đổi, cải tiến các tập tục đã cũ.

Lớp tập huấn tuyên truyền, hướng dẫn xóa bỏ hủ tục trong tổ chức đám tang, đám ma khô của dân tộc Mông

Các học viên còn được nghệ nhân Vàng Chá Thào - Chủ tịch Hội Nghệ nhân dân gian xã Phố Cáo, huyện Đồng Văn; Nghệ nhân ưu tú Ma Kháy Sò, huyện Quản Bạ, giới thiệu khái quát các nghi lễ trong đám tang, ma của người Mông; mục đích, ý nghĩa của từng nghi lễ, hình thành đám tang được người Mông duy trì đến nay; một số giải pháp cần xóa bỏ các hủ tục trong đám tang, ma khô; giải pháp để thực hiện theo nếp sống văn minh, xóa bỏ, sửa đổi các hủ tục trong đám ma của dân tộc Mông; cách thức thực hiện, hóa giải tâm linh, nghi thức đám ma của người Mông; hướng dẫn chuyển đổi các bài khèn.

Lớp tập huấn nhằm góp phần xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, góp phần phát triển kinh tế - xã hội; đảm bảo quốc phòng - an ninh trong vùng đồng bào dân tộc Mông.

Tục Ma khô của người Mông

Theo phong tục của người Mông ở Hà Giang, lễ Ma khô là tục lệ tiễn linh hồn người chết về với tổ tiên. Đám ma khô là lễ cúng cuối cùng để thả hồn người chết về với tổ tiên, cội nguồn, mong sao linh hồn người chết được siêu thoát, tìm được đường về yên nghỉ với tổ tiên và phù hộ cho gia đình...

Sau khi chôn cất 12 ngày, gia chủ nếu không đủ điều kiện tổ chức lễ ma khô thì có thể nhờ thầy cúng làm lễ gia hạn (còn gọi là lễ hứa lại), sau 1 tháng hay vài năm cũng được, nếu không làm sẽ bị ma quấy rối không cho làm ăn.

Sáng sớm hôm diễn ra lễ ma khô, gia đình có người chết đến mộ lấy 2 mảnh tre đặt cạnh mộ (2 mảnh tre buộc chéo nhau, tượng trưng cho linh hồn người chết) mang về nhà. Về đến nhà, thầy cúng đặt 2 mảnh tre xuống nền nhà và bắt đầu làm lễ khấn gọi hồn người chết về. Nếu mảnh tre đổ úp, nghĩa là linh hồn đã về được đến nhà, nếu mảnh tre đổ ngửa là linh hồn người chết còn ở bên ngoài, thầy cúng sẽ phải khấn cho đến khi mảnh tre đặt xuống đổ úp mới thôi.

Đi đầu đoàn rước ma là những người thân trong gia đình, tiếp đến là thầy trống, thầy khèn, một phụ nữ cầm bó đuốc rơm, vừa đi vừa huơ tay như thể mở đường cho “ma khô”

Sau khi "gọi hồn" thành công, người nhà dựng thành hình con bù nhìn có đủ áo quần và khăn vấn đầu từ 2 mảnh tre đó, đặt đứng trong một cái mẹt để giữa nhà, xung quanh đặt cơm, rượu, thịt rồi bắt đầu làm lễ cúng.

Lễ bắt đầu với bài khèn cúng "ma khô". Thầy cúng đi vòng quanh nhà rồi mới vào nhà. Thầy cúng, thầy khèn, thầy kèn cùng xoay người múa may, làm lễ, họ mời người chết về ăn để rồi ra đi thanh thản, không lưu luyến trần gian… Hết một lời cúng lại một lần rót rượu, xúc một thìa cơm, thịt mời linh hồn người chết ăn.

Trong khi đó, những người thân trong gia đình sẽ khóc than bằng thứ ngôn ngữ riêng để thể hiện lòng tiếc thương. Lễ cúng diễn ra giữa tiếng khóc ai oán, tiếng kèn sầu thảm trong không gian tối om lập lòe ngọn đèn dầu.

Suốt thời gian đó, đàn ông, những người già trong nhà, ngoài sân thỉnh thoảng lại nâng chén rượu ngô cay, lặng lẽ với những hoài niệm về người đã mất. Đàn bà, trẻ con đi ra đi vào, đứng quanh nhà, dưới mái hiên. Một số người khác mổ bò, mổ lợn, chuẩn bị nấu nướng để sau khi hoàn tất lễ cúng ma cả làng sẽ cùng ăn cỗ cúng.

Lễ ma khô của người Mông cũng mang ý nghĩa tương tự như lễ giỗ đầu của người Kinh

Sau khoảng 1 tiếng, thầy cúng hỏi ý kiến "con ma" xem đã có thể dời ra ngoài đồng hay chưa, bằng cách tung 2 nửa một gióng tre, nếu 2 mặt đối lập nhau tức "con ma" đồng ý. Sau đó, thầy cúng lấy con bù nhìn trong mẹt ra, từ từ lăn cái mẹt ra khỏi nhà.

Người Mông quan niệm rằng, khi đưa tiễn linh hồn người chết ra khỏi cửa nhà, nếu cái mẹt đổ ngửa là linh hồn người chết vẫn chưa được siêu thoát, thầy cúng sẽ phải khấn lại và phải lăn cái mẹt thêm vòng nữa, cho đến khi cái mẹt đổ úp xuống đất mới thôi. Cuối cùng, khi ra đến mộ, để kết thúc nghi lễ họ sẽ đốt cái mẹt và con bù nhìn để tiễn linh hồn người chết về thế giới bên kia.

Xuyến Chi

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/huong-den-xoa-bo-hu-tuc-trong-dam-tang-cua-nguoi-mong-20230430113947014.htm