Hướng đi mới cho địa phương miền núi Quảng Nam

Với lợi thế về vùng trồng dược liệu đặc thù, Quảng Nam đang hướng tới xây dựng các vùng chuyên canh dược liệu nhằm cung cấp các sản phẩm cho thị trường, đồng thời, gắn phát triển kinh tế với phát triển du lịch, nghỉ dưỡng, thu hút sự đầu tư của nhiều doanh nghiệp.

Các phiên chợ sâm Ngọc Linh được tổ chức mang lại nguồn lợi kinh tế lớn cho địa phương. Ảnh: Tiêu Dao

Phát triển vùng dược liệu chuyên canh

Quảng Nam có nhiều khu vực thuộc miền núi, tại các khu vực này đã hình thành nên các vùng dược liệu nổi tiếng. Nổi bật nhất là các địa phương như Nam Trà My với cây sâm Ngọc Linh, quế Trà My, hay tại huyện Tây Giang với các loại dược liệu như sâm ba kích, đẳng sâm...

Ngoài cây sâm Ngọc Linh, Quảng Nam có hơn 832 loài, 593 chi, 190 họ thực vật có khả năng làm nguyên liệu dược, đáng kể là ba kích, đẳng sâm, sa nhân, đương quy, giảo cổ lam… phân bố chủ yếu ở các huyện miền núi Nam Trà My, Bắc Trà My, Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang, Phước Sơn. Trước sự cạn kiệt của nhiều loài dược liệu tự nhiên, Quảng Nam đã có một số cơ chế, chính sách bảo tồn và phát triển cây dược liệu.

Cùng với Nam Trà My với loại sâm Ngọc Linh nổi tiếng, Tây Giang cũng là địa phương có thế mạnh về cây dược liệu với nhiều loài có giá trị kinh tế, như ba kích, đẳng sâm, cây sâm bảy lá một hoa, chè dây... Những năm qua, từ nhiều nguồn vốn như chương trình giảm nghèo, nông thôn mới, nguồn khuyến khích từ Nghị quyết 202 của HĐND tỉnh và Quyết định 2950 của UBND tỉnh, huyện Tây Giang đã hỗ trợ người dân tự phát triển cây dược liệu trên tổng diện tích gần 1.475ha.

Tây Giang phấn đấu đến năm 2025 sẽ nâng diện tích trồng cây dược liệu toàn huyện lên 2.500ha, tạo giá trị gia tăng từ các sản phẩm dược liệu, tạo thu nhập ổn định và phấn đấu đưa 1 - 2% hộ nghèo có tham gia liên kết trồng dược liệu thoát nghèo. Huyện Tây Giang bước đầu đã hình thành 2 vùng chuyên canh cây dược liệu quy mô lớn là đẳng sâm và ba kích tím. Bên cạnh đó, từ thành công của kết quả nghiên cứu di thực cây sâm Ngọc Linh từ Nam Trà My về xã Ch’Ơm vào năm 2004, huyện đề xuất tỉnh tiếp tục hỗ trợ di thực 1.000 cây sâm Ngọc Linh trồng tại Ch’Ơm.

Tại Quảng Nam, chính quyền huyện Nam Trà My đã có nhiều kiến nghị, giải pháp phát triển sâm Ngọc Linh và các sản phẩm làm từ sâm Ngọc Linh nhằm thu hút đông đảo người tiêu dùng và khách du lịch biết đến, đồng thời, tăng cường quản lý chất lượng sâm Ngọc Linh, bảo vệ thương hiệu sản phẩm quốc gia. Bên cạnh đó, ngoài huyện Nam Trà My thường xuyên tổ chức Phiên chợ sâm Ngọc Linh, thì nhiều địa phương khác như Nam Giang, Tây Giang, Đông Giang cũng thường xuyên quảng bá hàng nông sản đặc trưng miền núi, nhiều phiên chợ với các sản phẩm dược liệu các loại như: đẳng sâm tươi, giảo cổ lam, lan kim tuyến, thất diệp nhất chi hoa, chè dây… cũng được giới thiệu để đông đảo người dân và du khách các nơi biết đến.

Đặc biệt, theo đinh hướng đến năm 2030, Quảng Nam phấn đấu trở thành trung tâm giống sâm Ngọc Linh quốc gia, hằng năm sản xuất 5 - 10 triệu cây giống (trong đó, trên 50% là cây giống sản xuất từ phương pháp nuôi cấy mô); có 50 - 100 doanh nghiệp đầu tư trồng sâm, dược liệu, chế biến sản phẩm, thu nhập bình quân đầu người từ 3.000 - 4.000 USD/năm; có 50 - 100 sản phẩm từ sâm Ngọc Linh xuất khẩu thị trường nước ngoài...

Hướng đi mới cho vùng dược liệu

Nhận thấy phát triển vùng chuyên canh cây dược liệu gắn với du lịch sinh thái là tiềm năng để phát triển thương hiệu sâm Ngọc Linh, UBND Nam Trà My cũng kiến nghị tỉnh Quảng Nam hỗ trợ kinh phí xây dựng 10 mô hình dược liệu và du lịch, tạo điều kiện cho người dân phát triển vùng dược liệu gắn với du lịch. Từ năm 2016, huyện Nam Trà My triển khai đề án bảo tồn và phát triển cây dược liệu trên địa bàn gắn với nhiệm vụ giảm nghèo của địa phương.

Đề án dựa trên hình thức Nhà nước và người dân cùng làm; trong đó, huyện hỗ trợ và huy động tối đa nguồn lực của nhân dân để phát triển các loại cây dược liệu thành sản xuất hàng hóa, tổ chức đào tạo đội ngũ làm dịch vụ phục vụ sản xuất, thu mua, chế biến, đóng gói, trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm các loại cây dược liệu trên thị trường trong và ngoài nước.

Hướng du lịch tìm hiểu, trải nghiệm đời sống, văn hóa truyền thống của đồng bào bản địa được chú trọng. Ảnh: Tiêu Dao

Hàng năm, nhiều phiên chợ sâm Ngọc Linh tại huyện này không chỉ mang về hàng chục tỷ đồng từ bán dược liệu, mà còn thu hút rất đông du khách đến tham quan, trải nghiệm tại các vườn sâm, mang lại nguồn lợi kinh tế từ du lịch vùng dược liệu. Cùng với các phiên chợ sâm, để tạo ra điểm nhấn cho du lịch, huyện Nam Trà My đã đầu tư, xây dựng nhiều điểm, cơ sở du lịch phục vụ nhu cầu tham quan của du khách. Trong đó, phải kể đến vườn sâm Ngọc Linh - Tắk Ngo.

Vườn sâm này có diện tích hơn 70ha tại thôn 1 và thôn 2, xã Trà Linh. Khi đến nơi đây, du khách không chỉ được tham quan những dãy núi, thác suối đẹp, khám phá những khu rừng nguyên sinh, đi dưới tán rừng, mà còn có thể trải nghiệm quá trình phát triển của sâm Ngọc Linh qua từng giai đoạn, từ ươm giống đến khi trưởng thành. Du khách đến với vườn sâm du lịch trở về có thể phân biệt được đâu là sâm Ngọc Linh thật, đâu là sâm giả.

Bên cạnh dược liệu, những năm gần đây, huyện Nam Trà My cũng tập trung chỉ đạo công tác bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, khôi phục và phát huy các trò chơi, trò diễn dân gian của đồng bào các dân tộc, đồng thời, xúc tiến kêu gọi, đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng các điểm đến và quảng bá thương hiệu du lịch của huyện.

Ông Trần Duy Dũng, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết, dự án đầu tư, lồng ghép các nguồn lực để kiện toàn hạ tầng, phát triển du lịch vùng sâm kết hợp với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tộc người. Cần quảng bá, kết nối các tour tuyến du lịch giữa các huyện Nam Trà My - Bắc Trà My - Tiên Phước và một số vùng trọng điểm của tỉnh. Chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng vùng sâm như đường sá, điểm dừng nghỉ, bãi đậu xe cũng như các giải pháp đảm bảo an toàn cho du khách… Cùng với đó, huyện phối hợp với các sở, ngành liên quan tiếp tục triển khai du lịch thực tế ảo, tiếp cận giải pháp du lịch thông minh…

Tiêu Dao

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/huong-di-moi-cho-dia-phuong-mien-nui-quang-nam-post460483.html