Hướng đi nhiều gian truân

Đưa chất liệu văn học, sân khấu truyền thống vào việc sáng tác ca khúc âm nhạc là việc khó 'nhằn' với cả những nhạc sĩ kỳ cựu của làng nhạc nhưng hiện nay, khá nhiều tài năng trẻ lại lựa chọn thử thách này. Đây được xem là công việc gian truân bởi đa phần ca khúc lấy chất liệu từ văn học hay sân khấu truyền thống đều thuộc dạng khó nghe và để đến gần với khán giả là điều không hề dễ dàng.

Đến với chương trình Sing My Song mùa 1, chàng trai Bùi Hoàng Nam Đức Anh dự thi ca khúc nhạc Rock do anh sáng tác có tên Thủy thần, lấy cảm hứng từ truyền thuyết Sơn Tinh - Thủy Tinh. Với góc nhìn độc đáo, Đức Anh đã mượn hình ảnh nhân vật Thủy Tinh (bị Sơn Tinh cướp mất người mình yêu) để nói về mối tình đơn phương của mình với một cô gái.

Đây là một trong những bài hát ấn tượng nhất cuộc thi Sing My Song mùa 1 và Đức Anh đã được cả 4 vị HLV là các nhạc sĩ: Lê Minh Sơn, Đức Trí, Giáng Son, Nguyễn Hải Phong lựa chọn. HLV Lê Minh Sơn (sau này trở thành HLV của Đức Anh) còn lên hẳn sân khấu “phiêu” cùng nam thí sinh. Riêng nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong đề cao sáng tác Thủy thần vì đã tôn vinh được giá trị văn hóa của đất nước.

Tại vòng thi Trại sáng tác của chương trình này mùa 1, thí sinh Cao Bá Hưng đội HLV Đức Trí đã gây sốt với ca khúc Kiều được lấy cảm hứng từ Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du. Tuy chất nhạc của Bá Hưng không hề dễ nghe nhưng cách khai thác đề tài từ Truyện Kiều được xem là sự sáng tạo thông minh.

Hơn nữa, phần lời bài hát khá sâu sắc, khắc họa được một số lát cắt quan trọng về cuộc đời Thúy Kiều. Các HLV đều trân trọng sáng tác này của nam thí sinh khi anh mới 16 tuổi nhưng đã ý thức được việc đưa tính dân tộc vào trong bài hát.

Dật Hạnh biểu diễn ca khúc “Tắt đèn”. ảnh BTC

Một thí sinh nữa nhận được cơn mưa lời khen từ các HLV, hội đồng giám khảo chuyên môn (nhà báo, nhạc sĩ, ca sĩ) tại vòng Trại sáng tác Sing My Song mùa 1 là Bùi Công Nam. Đây là thí sinh có cú lội ngược dòng ngoạn mục khi càng vào sâu càng nổi bật.

Cụ thể, Bùi Công Nam đã sáng tác ca khúc Chí Phèo trong vòng 24 tiếng đồng hồ, lấy cảm hứng từ câu chuyện tình yêu của hai nhân vật Chí Phèo - Thị Nở trong tác phẩm kinh điển Chí Phèo của nhà văn Nam Cao. Không còn là nỗi ám ảnh của làng Vũ Đại, Chí Phèo trong ca khúc của Bùi Công Nam chỉ đơn giản là một người đàn ông đang “say” men tình với Thị Nở.

Điểm sáng của ca khúc là có phần lời dễ nghe, dễ thuộc, duyên dáng, sâu sắc pha chút hài hước. Bên cạnh đó, Bùi Công Nam đã khéo léo sử dụng chất nhạc đồng quê, tươi trẻ để tạo sự gần gũi khiến khán giả dễ cảm thụ hơn.

Bước sang mùa 2 – Sing My Song 2018, chỉ trong 1 tập vòng Trại sáng tác và biểu diễn của đội HLV Lê Minh Sơn đã có 2 thí sinh sáng tác ca khúc dựa vào chất liệu văn học, sân khấu truyền thống. Mở đầu là Dật Hanh với ca khúc Tắt đèn, lấy cảm hứng từ hình ảnh cuối cùng trong tác phẩm Tắt đèn của nhà văn Ngô Tất Tố. Nhạc sĩ Đức Trí đánh giá cao phần âm nhạc của Dật Hanh bởi nó có sự khác lạ so với mọi người khi sử dụng hòa thanh bao gồm nhiều chủ điệu khác nhau.

Yêu nhạc dân gian đương đại cộng với sự ấn tượng với trích đoạn chèo Xúy Vân giả dại nên thí sinh Khánh Ly sáng tác ca khúc Chờ chàng nói về tâm sự của người con gái gặp trắc trở tình duyên. Các HLV đều dành nhiều lời khen cho Khánh Ly khi cô kết hợp chất liệu âm nhạc dân gian (chèo) và âm nhạc hiện đại một cách khéo léo, tinh tế. Ca từ của bài hát cũng được nhận xét ngắn gọn, sâu sắc và giàu tính biểu cảm.

Việc lấy chất liệu văn học hay sân khấu truyền thống để sáng tác ca khúc sẽ góp phần giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa của dân tộc, đồng thời đưa tác phẩm văn học, sân khấu truyền thống đến gần hơn với khán giả, đặc biệt là những người trẻ đang ngày càng tiếp cận những xu hướng, trào lưu văn hóa của xã hội hiện đại. Hướng đi này cũng giúp cho các tác giả gặp nhiều thuận lợi trong quá trình sáng tác.

Ngoài việc đề tài sẵn có thì khi tác giả lấy chất liệu từ các tác phẩm văn học đã được học trong trường lớp, số đông khán giả đều đã biết đến. Khi nghe ca khúc, khán giả sẽ có cảm giác gần gũi, tức là ca khúc tạo hiệu ứng tốt với họ. Hơn nữa, mỗi tác phẩm văn học, sân khấu truyền thống dù được sinh ra ở thời đại xưa nhưng những giá trị hiện thực, nhân văn và tính thời sự của chúng vẫn không hề lạc lõng trong xã hội hiện đại.

Tuy nhiên, việc lấy chất liệu từ tác phẩm văn học hay sân khấu truyền thống cũng đặt ra nhiều thách thức, áp lực cho người sáng tác. Nếu sáng tác không khéo sẽ dễ bị chỉ trích là phá vỡ tác phẩm văn học, phá vỡ nét độc đáo của sân khấu truyền thống,… Tất nhiên, việc lấy cảm hứng từ tác phẩm văn học hay sân khấu truyền thống không bắt buộc tác giả phải viết y nguyên theo tác phẩm, họ có thể viết theo góc nhìn mới của họ.

Nhưng, một tác phẩm văn học thường dài nên không thể khái quát cả câu chuyện hay hình tượng nhân vật chỉ bằng một ca khúc được biểu diễn vài phút trên sân khấu. Điều này buộc người sáng tác phải chọn một khía cạnh, một nét nào đó để viết cho sắc nét.

Tuy nhiên, các ca khúc vẫn còn lạ lẫm, không dễ nghe nên khó “cảm” được người bình chọn. Điều này hoàn toàn dễ hiểu bởi thực tế, các ca khúc tạo hit trong thị trường âm nhạc hiện nay đa phần có phần lời và phần nhạc bắt tai, đề tài gần gũi khán giả trẻ.

Nói như vậy để thấy những tác giả trẻ dùng chất liệu văn học hay sân khấu truyền thống để sáng tác ca khúc sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình sáng tác, nhất là làm sao phải hài hòa được tính nghệ thuật và giải trí. Nhưng, chúng ta cũng phải thừa nhận sự dũng cảm, nỗ lực của các tác giả trẻ khi mang những yếu tố văn hóa truyền thống – một đề tài khó vào sáng tác. Đây thật sự là điều rất đáng được ghi nhận và xứng đáng để tự hào.

An Nhiên

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/huong-di-nhieu-gian-truan-113619.html