Hướng mở để phát triển lúa theo canh tác tự nhiên ở Triệu Phong

Triệu Phong là huyện thuần nông có diện tích trồng lúa hằng năm trên 11.000 ha. Tuy nhiên, với phương pháp canh tác thông thường (CTTT) nhiều nông dân lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) và phân bón hóa học nên có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe và môi trường sống của con người. Năm 2015, nhằm góp phần bảo vệ môi trường sống cho khu vực nông thôn bằng cách hạn chế lạm dụng thuốc BVTV và sử dụng phân bón hóa học trong sản xuất nông nghiệp, Tổ chức Tầm nhìn Thế giới và Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tài trợ hỗ trợ nông dân xây dựng mô hình sản xuất lúa canh tác tự nhiên (CTTN).

Năm 2019, gạo sạch của HTX Nông sản CTTN Triệu Phong được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận OCOP cấp tỉnh đạt hạng sản phẩm 4 sao - Ảnh: V.M

Khi mới bắt tay vào thực hiện, do đây là mô hình thí điểm sản xuất lúa CTTN đầu tiên tại Quảng Trị nên năm đầu tiên chỉ thực hiện được 1 ha, năng suất bình quân chỉ đạt 170 kg/sào. Đến năm 2017, diện tích lúa CTTN tăng lên 22 ha ở 4 xã gồm: Triệu Trung, Triệu Tài, Triệu Sơn, Triệu Trạch, năng suất bình quân đạt 230- 250 kg/sào, thấp hơn hình thức CTTT 5- 10% nhưng giá bán cao gấp 1,5- 2 lần so với sản phẩm CCTT nên lợi nhuận cao hơn từ 7- 10 triệu đồng/ha.

Thạc sĩ Hồ Viết Mễ, cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Triệu Phong cho biết: “Sản xuất lúa CTTN hiện tại tuy có năng suất thấp hơn sản xuất lúa CTTT nhưng đã mở ra một hướng đi mới đầy triển vọng trong sản xuất nông nghiệp ở Triệu Phong. Nguyên nhân năng suất có thấp hơn là do đặc điểm sản xuất lúa CTTN chỉ sử dụng các chế phẩm sinh học tự nhiên, tuyệt đối không sử dụng phân bón hóa học và thuốc BVTV nên cây lúa không tốt bằng cây lúa sản xuất CTTT. Hơn nữa, việc sử dụng các chế phẩm sinh học thì quá trình chuyển hóa, hấp thụ của cây lúa chậm hơn nên có chậm đáp ứng quá trình sinh trưởng của cây lúa. Mặc dù có lợi thế về sản lượng, tuy nhiên phương pháp sản xuất lúa CTTT nếu xét về lâu dài, việc lạm dụng phân hóa học, thuốc BVTV sẽ làm cho đất bị thoái hóa dẫn đến giảm năng suất cây trồng và chất lượng lúa, gây nguy hại đến sức khỏe con người. Sản xuất lúa theo mô hình CTTN là dùng các dưỡng chất truyền thống của các hạt, vi sinh vật bản địa để cho cây lúa phát triển tự nhiên, dựa theo đặc điểm và tính chất khí hậu của vùng và những gì con người can thiệp vào hệ sinh thái chỉ mang tính chất hỗ trợ để đạt sản lượng lúa tốt nhất. Sản xuất lúa CTTN có những nguyên tắc cơ bản như tuân thủ quy luật tự nhiên, tối đa hóa tiềm năng vốn có của đất, sử dụng các dưỡng chất truyền thống, gia tăng vi sinh vật có lợi, lên men không làm nghèo đất, tăng che phủ bề mặt đất, hạn chế cày xới, không dùng phân bón hóa học, không dùng thuốc diệt cỏ… Một số chế phẩm sử dụng trong sản xuất lúa CTTN như IMO 1 đến 5 được làm từ vi sinh vật bản địa có trong đất, chế phẩm KPJ được làm từ nước cây lên men, chế phẩm FAA được làm từ axít amin cá, ốc, chế phẩm OHN được làm từ Nitrate thảo mộc, chế phẩm LABS được làm từ axit lactic huyết thanh vi sinh, các loại canxi photphat được làm từ xương động vật, vỏ trứng. Ngoài ra còn sử dựng các vật liệu có sẵn như vỏ trấu hoặc mùn cưa, đất (đất đỏ hoặc đất kiến), đường nâu hoặc mật mía, dấm, phân động vật, bột đậu nành, bột cùi dừa, bột cá, cám gạo, bột ngô. Để sản xuất lúa CTTN cần chọn hạt giống xác nhận cấp 1 có nguồn gốc rõ ràng. Triệu Phong là huyện thuần nông, diện tích đất nông nghiệp lớn, đất đai màu mỡ, hệ thống thủy lợi rất thuận tiện, người dân cần cù chịu khó, có kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp lâu đời, có nhiều yếu tố thuận lợi để phát triển sản xuất lúa theo phương pháp CTTN. Hiện nay, trên địa bàn huyện đã triển khai mô hình sản xuất theo phương pháp CTTN như chăn nuôi gà, lợn, trồng rau màu và lúa”.

Để tăng giá trị cho sản phẩm, tháng 10/2017, Hợp tác xã Nông sản sạch CTTN Triệu Phong được thành lập. HTX có nhiệm vụ thúc đẩy sản xuất an toàn, mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao thu nhập cho nông dân. Hiện nay, HTX đã ký hợp đồng bán sản phẩm cho hệ thống siêu thị Coop mart, hệ thống cửa hàng và các kênh phân phối khác ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Quy trình CTTN của HTX đã được Tổng cục đo lường chất lượng, Bộ Khoa học và công nghệ cấp chứng nhận TQC- Quy trình CTTN. Đặc biệt, sản phẩm gạo hữu cơ của HTX Nông sản CTTN Triệu Phong đạt giải Nhất tại Hội chợ triển lãm sản phẩm nông nghiệp CTTN thân thiện với môi trường tại Seoul- Hàn Quốc năm 2017. Năm 2019, gạo sạch của HTX Nông sản CTTN Triệu Phong được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận OCOP cấp tỉnh đạt hạng sản phẩm 4 sao. Đến nay, diện tích lúa CTTN ở Triệu Phong được mở rộng lên 45 ha và năng suất cũng đã được nâng dần ngang bằng với năng suất CTTT nhưng giá trị kinh tế thì cao hơn gấp đôi gạo bình thường. Dự kiến đến năm 2025, huyện Triệu Phong sẽ mở rộng diện tích lúa CTTN lên 250 ha.

Giải pháp để nâng cao hiệu quả sản xuất lúa CTTN, theo thạc sĩ Hồ Viết Mễ thì có nhiều, như về quy hoạch, mở rộng vùng sản xuất, đầu tư vốn, cơ chế, chính sách, thị trường nhưng trong đó giải pháp về kỹ thuật vẫn đóng vai trò quan trọng nhất. Theo đó, cần đưa các giống lúa chất lượng cao vào sản xuất, khuyến cáo nông dân áp dụng đồng bộ các giải pháp canh tác mới, áp dụng công nghệ sơ chế bảo quản, đồng thời tăng cường vai trò quản lý nhà nước và vai trò người lao động thông qua hệ thống kiểm tra chất lượng lúa tại nơi sản xuất, nơi sơ chế. Tăng cường công tác khuyến nông, công tác quản lý, kinh doanh, xúc tiến thương mại để HTX nắm bắt chủ động thực hiện. Chú trọng đầu tư hệ thống thủy lợi để đảm bảo phục vụ cho sản xuất lúa CTTN. Các công đoạn thu hoạch, đóng gói, bảo quản lúa, người nông dân cần tuân thủ nghiêm các quy trình kỹ thuật.

Xuân Vinh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=156020&title=huong-mo-de-phat-trien-lua-theo-canh-tac-tu-nhien-o-trieu-phong