Hướng nghiệp cho trẻ khuyết tật

Những năm gần đây, bên cạnh dạy học, Trung tâm Phục hồi chức năng - Giáo dục trẻ khuyết tật (PHCN-GDTKT) tỉnh Khánh Hòa còn phối hợp với một số tổ chức, mạnh thường quân tổ chức các lớp dạy nghề để hướng nghiệp cho học sinh (HS) khuyết tật của trung tâm. Hoạt động dạy nghề không chỉ giúp trẻ dễ hòa nhập cộng đồng sau khi ra trường mà còn mở ra tương lai cho các em.

Kết nối mở lớp học nghề

Cuối năm 2023, quán cà phê Thương - góc thực hành cho trẻ khuyết tật của Trung tâm PHCN-GDTKT tỉnh rộn ràng khi khóa thực hành kỹ năng pha chế phục vụ đồ uống dành cho HS khuyết tật đang theo học tại trung tâm khai giảng. Khóa học có 18 HS (từ 14 tuổi trở lên) tham gia, trong đó có 14 em khiếm thính, 4 em chậm phát triển. Dưới sự hướng dẫn của một số chuyên gia pha chế từ Khách sạn Yasaka, qua sự kết nối của Hội Những người ái mộ bác sĩ A.Yersin, các em được học và thực hành về xếp bàn ăn kiểu Âu, Á, cách đi đứng phục vụ, pha chế các loại thức uống. So với các lớp học khác, lớp học nghề này khá đặc biệt khi việc trao đổi kiến thức thực hành đều được giao tiếp bằng tay. Mỗi tuần, các em học 1 buổi, thực hành phục vụ trực tiếp vào sáng thứ Sáu tại quán cà phê Thương của trung tâm; thứ Bảy và Chủ nhật các em tự pha chế tại nhà, chụp và gửi ảnh cho giáo viên. Khóa học kéo dài tới tháng 5-2024, do Hội Những người ái mộ bác sĩ A.Yersin tỉnh hỗ trợ. Kết thúc khóa học, các em được khảo sát lại các kỹ năng và được cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình học.

Học sinh của trung tâm thực hành pha chế tại quán cà phê Thương.

Em Nguyễn Quang Thịnh (16 tuổi), HS khiếm thính lớp 4/B của trung tâm cho biết: “Ban đầu khi tham gia khóa học, em rất lo mình không làm được. Tuy nhiên, thầy cô dạy rất nhiệt tình nên em đã biết pha chế cà phê, nước trà đào, nước cam, làm được điểm tâm sáng là bánh mì ốp la. Về nhà, em thường làm các bữa ăn sáng cho gia đình nên ba mẹ vui lắm”. Em Đỗ Trân Quỳnh Anh, HS khiếm thính cùng lớp với Quang Thịnh chia sẻ, sau khóa học, em đã biết pha chế cà phê sữa, cà phê muối, nước cam. Em mong có thêm lớp dạy cắt tóc, làm đẹp để sau này ra trường có thể tự nuôi bản thân bằng nghề mình học được.

Được biết, năm 2022, với sự hỗ trợ của Hội Những người ái mộ bác sĩ A.Yersin tỉnh, mạnh thường quân, có 12 HS khiếm thính của trung tâm được học khóa đào tạo tại các khách sạn về cách thức xếp bàn ăn Âu, Á, cách đi đứng phục vụ, pha chế các loại thức uống và món ăn sáng. Tháng 9-2023, có 10 HS của trung tâm được Khách sạn InterContinental Nha Trang nhận dạy các kỹ năng buồng phòng và dọn phòng ăn. Lớp kỹ năng tại Khách sạn InterContinental đã tổng kết, trao giấy chứng nhận cho 10 HS vào ngày 16-4. Các HS này sẽ được khách sạn nhận làm bán thời gian trong thời gian tới.

Học sinh của trung tâm thực hành làm buồng phòng khách sạn.

Cần sự chung tay của xã hội

Bà Phan Thị Ngọc Sinh - Phó Giám đốc Trung tâm PHCN-GDTKT tỉnh cho biết, trung tâm có 147 HS khuyết tật về trí tuệ và nghe nói. Trong đó, 30 HS có thể hướng dẫn học nghề phù hợp. Nhận thấy các em khuyết tật khi trưởng thành thường khó tìm công việc phù hợp, gặp nhiều khó khăn để có cuộc sống độc lập, tự chủ, năm 2022, trung tâm tìm và kết nối với một số tổ chức, cá nhân hỗ trợ dạy nghề, hướng nghiệp cho các em. Để tạo góc thực hành cho các em, trung tâm đã mở quán cà phê Thương trong khuôn viên của trung tâm. Hàng tuần, quán mở bán vào thứ Sáu để các em thực hành pha chế, phục vụ khách; đây cũng là cách giúp các em hòa nhập cộng đồng. Riêng Khách sạn InterContinental Nha Trang, sau khóa đào tạo sẽ nhận các bạn hoàn thành khóa học làm công nhật tại đây.

Theo bà Sinh, khó khăn hiện nay trong việc định hướng, dạy nghề cho các em là một số phụ huynh có hoàn cảnh khó khăn, phải lo kiếm sống cho cả gia đình nên việc đồng hành cho con trong quá trình học nghề còn phụ thuộc rất nhiều vào giáo viên ở trung tâm. Ngoài ra, các em là trẻ khuyết tật khiếm thính, hạn chế trong giao tiếp, vì thế mỗi khi đến các nơi học nghề phải có từ 1-2 giáo viên của trung tâm đi kèm để phiên dịch, trong khi đó, đội ngũ giáo viên ở trung tâm còn thiếu. Hiện tại, các cơ sở chỉ nhận dạy một số nghề phù hợp với học sinh khiếm thính, với trẻ tự kỷ hay khuyết tật trí tuệ còn nhiều khó khăn. Đây là trăn trở không chỉ riêng phụ huynh mà của nhiều thầy cô giáo ở trung tâm.

Có thể thấy, hướng nghiệp cho trẻ khuyết tật là việc làm thiết thực, giúp các em hòa nhập cộng đồng, tự chủ hơn trong cuộc sống, tự nuôi sống được bản thân. Để công tác này thực sự hiệu quả, rất cần sự quan tâm hơn nữa của các cấp, ngành, sự chung tay của toàn xã hội, giúp trẻ em khuyết tật được sống trong một môi trường bình thường và đầy đủ như mọi trẻ em khác.

C.ĐAN

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202404/huong-nghiep-cho-tre-khuyet-tat-00a5b24/