Hương thuốc Nam dưới chân núi Tản

Chẳng phải lần đầu ghé thăm các vùng đất quanh Vườn quốc gia Ba Vì, nhưng cũng thực lạ khi mỗi dịp 'phượt' đến miền này là cảm xúc trong tôi lại thấy khác. Lần thì ngẩn ngơ bởi sự linh thiêng trong những điệu Tết nhảy, lúc thì say bởi vị măng rừng ngọt chát đầu lưỡi và lần này tôi 'phải lòng' hương thuốc Nam phả thơm quanh triền núi. Bên chân núi Tản, đến giờ vẫn có một làng chuyên nghề thuốc Nam, tại đây mùi đinh hương, dành dành, xạ hương, thục tiêu... lan tỏa khắp lối.

Những chuyện kỳ lạ

Nhắc đến thuốc Nam, đặc biệt là ở Hà Nội, nếu muốn tìm những vùng chuyên về trồng và bán loại này không phải dễ. Kỳ thực, có một điều khá “ngược” đó là mỗi khi nhắc đến thuốc Nam, người ta lại nghĩ đến phố… thuốc Bắc Lãn Ông. Không nghĩ đến cũng khó bởi một tuần 7 ngày thì cả thảy quãng đó, con phố đều nhộn nhịp người buôn kẻ bán. Theo rỉ tai từ những mối lái, nguồn thuốc từ khu phố đến từ chợ thuốc ở Ninh Hiệp cách Hà Nội 30km về phía đông. Dĩ nhiên, do là đổ buôn nên chỉ duy việc tìm ra được cửa hàng nào chuyên chỉ bán thuốc Nam là… cực khó.

Nói là khó nhưng hẳn vẫn có bởi chỉ cách Hà Nội hơn 70km về phía Bắc, có một vùng thuốc chỉ chuyên và nổi tiếng với thuốc Nam. Đó là đất Yên Sơn thuộc xã Ba Vì (huyện Ba Vì, Hà Nội) nằm yên bình bên khu quần thể Vườn Quốc gia. Thật may, người dân sống ở chân núi Tản phần lớn đều nhiệt tình và hiếu khách. Ông Lý Sinh Vượng, Phó Chủ tịch UBND xã Ba Vì là một ví dụ.

Một góc bản người Dao ở xã Ba Vì.

Một góc bản người Dao ở xã Ba Vì.

Nói lại, cái cơ duyên đưa đẩy tôi gặp ông Vượng cũng khá tình cờ. Số là trong một đận mải miết đi tìm Tết nhảy, lắng quắng thế nào tôi lại gặp được ông khi trời đã ngả quá trưa, cả xã vắng lặng vì đã hết giờ làm việc từ lâu. Nhiệt tình giới thiệu rồi chỉ dẫn những điểm đặc sắc và những lưu ý của phong tục độc đáo này, cuối buổi ông Vượng rỉ rả nói thêm về nghề thuốc Nam Yên Sơn. Hỏi sâu hơn thì biết, Phó Chủ tịch UBND xã Ba Vì cũng là người Dao Yên Sơn, ông quả quyết sẵn sàng dẫn chúng tôi đi một vòng quanh bản nếu muốn một lần trải nghiệm hương thuốc Nam.

Tìm hiểu tư liệu về vùng đất này tôi tình cờ được biết, hiện người Dao ở cả ba thôn của xã Ba Vì đều thuộc dòng Dao quần chẹt, ở phía Tây dãy Tản Viên Sơn. “Xa xưa người Dao cư trú trên lưng chừng núi, đốt rừng làm nương, thu hái sản vật trong rừng. Và nghề thuốc Nam của người Dao phụ thuộc nguyên liệu chủ yếu vào rừng Ba Vì. Sau cuộc vận động hạ sơn vào năm 1968, đặc biệt từ khi thành lập Khu bảo tồn Vườn Quốc gia Ba Vì năm 1991, đồng bào Dao sống rải rác trên các sườn núi cao được di chuyển xuống định cư dưới chân núi như hiện nay. Trong quá trình định canh, định cư dưới chân núi Ba Vì, nghề thuốc đã trở thành điểm tựa của hàng trăm hộ dân người Dao”- Phó Chủ tịch UBND xã Ba Vì khái lược.

Một điều may mắn với tôi là hiện giao thông đến “vựa thuốc” Yên Sơn bây giờ khá thuận tiện. Đường được bê tông hóa, nhà văn hóa và nhà trẻ mẫu giáo được xây dựng kiên cố, khang trang. Chạy xe trên con đường độc đạo qua thôn bản, thỉnh thoảng chúng tôi bắt gặp những ngôi nhà cao tầng nằm giữa núi rừng xanh ngát.

Dừng chân ở một quán nước ven đường, chủ quán là một lão nông ngoài lục tuần bảo, xưa họ - những người Dao trong vùng còn có tên khác là Mán sơn đầu. Gọi nôm như vậy bởi vì thói quen dùng sáp ong chải đầu... Nhưng họ có điểm đặc trưng nhất đó là thường mặc quần ống nhỏ, ôm chặt tới đầu gối còn bắp chân được quấn xà cạp trắng tới mắt cá chân. Ông già bên quán nước quả quyết rằng, nét đặc trưng đó chính là một trong những hình ảnh của tục bó chân, tạo dáng trong nghệ thuật làm đẹp dân gian từ xưa.

Bốc thuốc Nam dưới chân núi

Nhưng đó chẳng phải là nét lạ duy nhất, ở đất Yên Sơn còn có một sự khác biệt đó là người ta chỉ thấy toàn phụ nữ làm thầy thuốc, rất hiếm khi có người nào là nam giới theo nghề.

Hỏi ra mới biết, điều này có liên quan đến nét văn hóa, phong tục và không gian văn hóa của người Dao vùng Ba Vì. Theo lương y Triệu Thị Thanh, việc bốc thuốc ở Yên Sơn xưa nay là việc của phụ nữ. Cũng giống như ở một số vùng đồng bằng Bắc bộ phụ nữ chỉ làm những việc như dệt lụa, cấy lúa, còn đàn ông làm những việc mang tính phụ trợ như đi rừng lấy thuốc, khuân vác giúp vợ con trong nhà.

Lương y Thanh bảo, bản thân bà cũng được mẹ truyền nghề. Nghề cứ thế truyền nối như vậy, gia đình nào có bí kíp riêng của gia đình đó, miễn là chữa khỏi bệnh cho càng nhiều người càng tốt. Nói thêm về gốc gác cái tên Mán sơn đầu, nữ lương y cũng chia sẻ, thực ra đó là bài thuốc dưỡng tóc và làm đẹp của phụ nữ. Phụ nữ Dao làm đẹp “góc con người” bằng cách lấy sáp ong quét lên các lọn tóc, cho thật đều rồi quấn lên đầu. Tóc càng óng càng đẹp càng bền tóc. Cứ thế, một tháng người phụ nữ gội sạch tóc bằng lá thơm, rồi lại quét sáp ong lên như vậy.

Kho thuốc quý

Theo các cao niên trong vùng, trồng cây thuốc tưởng dễ mà khó. Bảo dễ dàng vì khi có được hệ động thực vật tự nhiên thì con người hầu như chỉ can thiệp rất ít vào quá trình sinh trưởng của cây, chủ yếu ở giai đoạn ươm cây. Nhưng nói khó cũng hoàn toàn chuẩn xác bởi nếu như chỉ biết khai thác, thay đổi hệ động thực vật tự nhiên, thì việc để cây thuốc sống được đã hết sức khó khăn. Nhiều loại cây phải có tuổi đời cao mới có tác dụng, hoặc phải mọc dưới hai tầng tán cây, nếu cứ khai thác mà không biết trồng mới thì có nghề cũng không có thuốc bán.

Lang thang ở Yên Sơn mới thấy, những người Dao Quần Chẹt đã và đang phát huy rất tốt kho báu do tổ tiên truyền lại. Bằng những loại lá rừng, họ đã đúc kết được những bài thuốc cổ truyền mà không dân tộc ít người nào có được. Thuốc quý, bài thuốc tốt và hiệu quả chữa bệnh đang ngày càng được chứng minh rõ nét nhưng đâu đó trong suy nghĩ của những người làm nghề thuốc Nam ở Yên Sơn vẫn hiển hiện nỗi băn khoăn. Nhắc chuyện này, lương y Triệu Thị Thanh thực thà bảo, nhiều năm nay, đối với các bài thuốc phổ biến, gia đình bà đều ghi số điện thoại trên các loại sản phẩm để người dùng sau khi sử dụng hiệu quả, nếu tin dùng, có thể gọi điện thoại mua tiếp.

“Dù khách hàng ngày một nhiều nhưng vẫn đa số đều là khách hàng nhỏ lẻ, mua về gia đình sử dụng hoặc biếu, tặng người thân. Bên cạnh đó, thuốc của đồng bào vẫn chủ yếu ở dạng nguyên liệu thô, sản phẩm đơn điệu. Nếu như cùng bài thuốc đó, được doanh nghiệp hỗ trợ về bao bì, nhãn mác, công bố rõ thành phần chất lượng và được cơ quan chức năng kiểm nghiệm đánh giá chất lượng sản phẩm thì sẽ có thêm nhiều người được chữa khỏi bệnh với giá rẻ và an toàn” - lương y Triệu Thị Thanh chia sẻ.

Nghề phát triển và được xa gần biết đến thì mừng nhưng chứng kiến những nỗi niềm băn khoăn của người làm nghề, cấp lãnh đạo địa phương cũng không khỏi trăn trở. Ông Lý Sinh Vượng bảo, từng có thời điểm người làng Yên Sơn lao đao trong cơn thiếu thốn dược liệu. Muốn tiếp tục phát triển thì họ buộc phải bảo vệ được vùng nguyên liệu… nếu không thì bỏ nghề.

Thiếu dược liệu đã đành nhưng giá thuốc ở trong vùng cũng thấp hơn các khu vực khác. Chẳng hạn, nếu như một cân hoàng đằng khô lẫn cả rễ, cả thân ở phố Lãn Ông bán giá 150.000 đồng thì lên những bản người Dao chỉ có giá 70.000 – 100.000 đồng.

Bên lề câu chuyện thiếu dược liệu, một vấn đề đặt ra hiện nay với xã Ba Vì là thu nhập của người dân phụ thuộc phần lớn vào nghề thuốc Nam. Người ta thường nói “cái khó ló cái khôn” có lẽ đúng với trường hợp này. Theo lãnh đạo xã Ba Vì, mừng nhất là hiện một số gia đình đã bắt đầu biến cả héc ta vườn nhà thành rừng rậm, tạo ra vườn ươm dược liệu và sau đó là nhân giống khắp núi Ba Vì.

Đề xuất hướng đi cho vựa thuốc thời gian tới, ông Lý Sinh Vượng chia sẻ, Ba Vì là xã nằm trên triền núi thuộc huyện Ba Vì, với 98% dân số là người đồng bào dân tộc Dao. Người Dao Ba Vì nổi tiếng với nghề thuốc Nam, tuy nhiên để người dân sinh sống và làm giàu từ nghề này là một điều trăn trở, rất cần sự hỗ trợ từ nhiều phía... Phó Chủ tịch UBND xã Ba Vì trăn trở: “Để hỗ trợ bà con làm nghề, Nhà nước cần có những chính sách bảo tồn các cây thuốc quý, trong đó đặc biệt quan tâm đến chế độ trồng, chăm sóc có sự tham gia của cộng đồng. Làm được như vậy, vừa bảo vệ rừng, vừa tạo kế sinh nhai cho đồng bào dân tộc thiểu số. Mặt khác, cần xây dựng thương hiệu và hỗ trợ quảng bá những bài thuốc tốt của đồng bào dân tộc Dao để nhiều người biết đến”.

Đinh Luyện

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/huong-thuoc-nam-duoi-chan-nui-tan-75437.html