Hướng tới dinh dưỡng hợp lý cho cộng đồng

Sau mười năm thực hiện Chiến lược quốc gia về Dinh dưỡng giai đoạn 2001 - 2011, nước ta đạt được nhiều kết quả trong việc cải thiện tình trạng dinh dưỡng của người dân. Tuy nhiên, bên cạnh tỷ lệ suy dinh dưỡng còn cao, thì chúng ta lại tiếp tục đương đầu với những thách thức khác về dinh dưỡng, nhất là tình trạng gia tăng trẻ bị thừa cân, béo phì, một số bệnh mạn tính liên quan đến dinh dưỡng (được gọi là gánh nặng kép về dinh dưỡng).

Chính vì vậy cần có những giải pháp cụ thể và nhất là hướng tới chế độ dinh dưỡng hợp lý cho cộng đồng.

Theo kết quả của cuộc Tổng điều tra về dinh dưỡng năm 2010, do Viện Dinh dưỡng quốc gia (Bộ Y tế) thực hiện tại 63 tỉnh, thành phố cho thấy: Tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân (cân nặng/tuổi) ở trẻ em dưới năm tuổi ở nước ta giảm từ 25,2% (năm 2005) xuống còn 17,5% (năm 2010); tỷ lệ dinh dưỡng thể thấp còi (chiều cao/tuổi), từ 43,3% (năm 2000) xuống còn 29,3% (năm 2010). Tình trạng thiếu năng lượng trường diễn có liên quan đến tỷ lệ suy dinh dưỡng của bào thai đối với phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đã từng bước được khắc phục, hiện nay giảm xuống còn 19,6%. Bên cạnh đó, từng bước giải quyết được tình trạng thiếu vi-ta-min A, thiếu i-ốt và thiếu máu dinh dưỡng ở phụ nữ có thai.

Để có được những kết quả đó là do các ngành, các tổ chức xã hội triển khai đồng bộ nhiều giải pháp can thiệp và sự tham gia tích cực của cộng đồng. Hiện nay, ngành y tế đã xây dựng được mạng lưới các cơ sở chuyên ngành để triển khai các hoạt động dinh dưỡng trong toàn quốc. Tại trung tâm y tế dự phòng của 63 tỉnh, thành phố đều đã có khoa Dinh dưỡng - Vệ sinh an toàn thực phẩm. Mạng lưới chăm sóc sức khỏe sinh sản đều có cán bộ chuyên trách phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em triển khai xuống tận tuyến xã; 100% số xã, phường có cán bộ chuyên trách về dinh dưỡng và đội ngũ công tác viên dinh dưỡng đã bao phủ tới tận thôn, bản. Công tác truyền thông, vận động, giáo dục thực hành dinh dưỡng hợp lý được triển khai thường xuyên đến nhiều nhóm đối tượng khác nhau, bằng nhiều hình thức, nội dung phong phú, đa dạng, nhất là từng bước tiếp cận được với người dân ở các vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Nhận thức của các cấp ủy, chính quyền về tầm quan trọng của dinh dưỡng đã có nhiều chuyển biến rõ rệt, việc giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng đã được đưa vào các chỉ tiêu phát triển kinh tế- xã hội hằng năm của nhiều địa phương.

Tuy vậy, trong quá trình triển khai Chiến lược về dinh dưỡng vẫn còn gặp một số khó khăn, thách thức. Đó là mặc dù được đầu tư một cách khá đồng bộ về nguồn lực, nhân lực, nhưng mạng lưới triển khai các hoạt động về dinh dưỡng vẫn thiếu ổn định, do một số nguyên nhân như thiếu cán bộ làm công tác dinh dưỡng, trình độ cán bộ chưa đồng đều, nhiều nơi còn rất yếu, trong khi đó vẫn còn tình trạng tại nhiều địa phương cán bộ làm dinh dưỡng xin chuyển công tác sang lĩnh vực khác, trong khi đó cán bộ được bổ sung thay thế lại chưa được đào tạo có hệ thống về lĩnh vực này. Ở một vài nơi, chính quyền địa phương thiếu sự quan tâm, đầu tư một cách đồng bộ, cho nên nhận thức về dinh dưỡng hợp lý của cộng đồng còn nhiều hạn chế. Tuy tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em đã giảm, nhưng lại có sự khác biệt lớn giữa các vùng miền, những khu vực miền núi phía bắc, khu vực Tây Nguyên, tỷ lệ này còn khá cao so với mức trung bình của cả nước. Hiện nay, nước ta vẫn nằm trong danh sách có tỷ lệ suy dinh dưỡng cao của khu vực và thế giới. Song song với nỗ lực giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng, chúng ta đang phải đối mặt với tình trạng thừa cân, béo phì ở trẻ em ngày một gia tăng. Đó là những thách thức rất lớn trong thời gian tới.

Chiến lược quốc gia về Dinh dưỡng giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nêu rõ: Phấn đấu đến năm 2020, bữa ăn của người dân được cải thiện về số lượng, cân đối hơn về chất lượng, bảo đảm về vệ sinh, suy dinh dưỡng trẻ em, nhất là thể thấp, thấp còi giảm mạnh, góp phần nâng cao tầm vóc và thể lực của người Việt Nam. Đồng thời kiểm soát có hiệu quả tình trạng thừa cân, béo phì, góp phần hạn chế các bệnh mãn tính liên quan đến dinh dưỡng và hướng tới dinh dưỡng hợp lý cho cộng đồng. Phấn đấu đến năm 2020: Giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em dưới năm tuổi xuống còn 23%; giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể cân nhẹ ở trẻ dưới năm tuổi xuống 12,5%; chiều cao trẻ em dưới năm tuổi tăng từ 1,5 cm đến 2 cm; khống chế tỷ lệ béo phì ở trẻ em dưới năm tuổi ở mức 5% đối với khu vực nông thôn và 10% đối với khu vực thành phố.

Để thực hiện mục tiêu đã đề ra, thời gian tới, chúng ta cần tập trung thực hiện đồng bộ giải pháp: Sớm đưa chỉ tiêu suy dinh dưỡng thể thấp còi trở thành chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia và của các địa phương; xây dựng và hoàn thiện các chính sách, quy định về dinh dưỡng và thực phẩm. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư sản xuất và cung ứng các sản phẩm dinh dưỡng đặc thù hỗ trợ cho các vùng nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời đẩy mạnh công tác truyền thông, vận động, nâng cao kiến thức về tầm quan trọng của công tác dinh dưỡng đối với tầm vóc, thể chất, trí tuệ; nhất là phòng, chống suy dinh dưỡng thể thấp còi, khống chế thừa cân, béo phì và các bệnh mãn tính liên quan đến dinh dưỡng cho mọi tầng lớp nhân dân.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/cmlink/nhandandientu/thoisu/doi-song/i-s-ng-tin-chung/h-ng-t-i-dinh-d-ng-h-p-l-cho-c-ng-ng-1.353520