Hướng tới khám, chữa bệnh BHYT tất cả các ngày trong tuần

Bộ Y tế chưa có chỉ đạo về vấn đề này là chưa đảm bảo quyền lợi của người dân.

Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 cho biết, từ kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV đến nay, cử tri nhiều địa phương đã phản ánh về tình trạng chậm đóng, trốn đóng, nợ đóng BHXH của các DN, xuất hiện nhiều hình thức trục lợi quỹ BHXH của các cá nhân, đơn vị ngày càng tinh vi, khó phát hiện gây thiệt hại lớn đến quyền lợi của người lao động. Cử tri kiến nghị cần tăng cường kiểm tra, xử lý tình trạng trốn, nợ đóng BHXH.

Tiếp thu kiến nghị, ngành BHXH đã tích cực áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp trong công tác quản lý, thực hiện thu hồi nợ để DN chủ động đóng tiền. Tuy nhiên, tính đến hết năm 2018 tổng số tiền nợ phải tính lãi chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN vẫn là 5,715 tỷ đồng (trong đó 2,750 tỷ đồng là số tiền nợ của các DN đã giải thể, phá sản, mất tích, khó có khả năng thu hồi).

 Cử tri kiến nghị được khám chữa bệnh BHYT vào tất cả các ngày trong tuần. Ảnh: P.Thảo

Cử tri kiến nghị được khám chữa bệnh BHYT vào tất cả các ngày trong tuần. Ảnh: P.Thảo

Bộ luật Hình sự năm 2015 đã bổ sung quy định đối với các tội về hành vi trục lợi, trốn đóng, nợ đọng, gian lận các loại BHXH và BHYT. Tuy nhiên, sau hơn 1 năm luật có hiệu lực vẫn chưa khởi tố vụ án nào, nguyên nhân là do còn thiếu một số văn bản hướng dẫn về áp dụng các quy định của Bộ luật Hình sự về tội phạm liên quan đến bảo hiểm; tư cách pháp lý của cơ quan BHXH trong việc tham gia tố tụng.

Đối với các tranh chấp dân sự liên quan đến lĩnh vực bảo hiểm, như việc khởi kiện dân sự ra tòa đối với các hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền lợi về BHXH của người lao động còn một số vướng mắc về quy trình, thủ tục cũng như tâm lý chung của người lao động còn e ngại trong việc tự mình hoặc ủy quyền cho tổ chức công đoàn khởi kiện ra tòa đối với chính người chủ DN nơi họ đang làm việc, do vậy số vụ việc khởi kiện ít nên quyền lợi người lao động vẫn tiếp tục bị ảnh hưởng.

Về BHYT, kết quả kiểm toán chuyên đề việc quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế năm 2017 tại các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương cho thấy BHXH còn cấp trùng thẻ BHYT cho các đối tượng chính sách. Các cơ sở y tế thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT năm 2017 chưa đúng quy định 168 tỷ đồng, còn nhiều tồn tại trong công tác đấu thầu thuốc, hóa chất và vật tư y tế tại các địa phương được kiểm toán.

“Ngành y tế chưa cập nhật giá trúng thầu của vật tư, hóa chất trên toàn quốc làm cơ sở dữ liệu cho việc xây dựng và phê duyệt kế hoạch đấu thầu. Bộ Y tế chưa ban hành đầy đủ gói dịch vụ y tế cơ bản do quỹ BHYT chi trả, chưa quy định đầy đủ giá dịch vụ khám, chữa bệnh BHYT thống nhất giữa các BV cùng hạng trên toàn quốc theo quy định”, Báo cáo nêu.

Đồng thời, ngành Y tế cũng chưa ban hành đầy đủ quy định chuyên môn kỹ thuật liên quan đến khám, chữa bệnh BHYT theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế để đảm bảo việc chỉ định điều trị hợp lý, hiệu quả, ngăn ngừa trục lợi Quỹ Bảo hiểm y tế. Chưa quy định đối với hoạt động đặt hoặc cho mượn máy móc, thiết bị y tế để bán hóa chất xét nghiệm tại các cơ sở y tế; quy định thanh toán dịch vụ khám, chữa bệnh không phù hợp với quy định của Luật Bảo hiểm y tế.

Tại nhiều nhiệm kỳ Quốc hội, cử tri nhiều tỉnh đã liên tục đề nghị Bộ Y tế cần có chủ trương, giải pháp để bố trí, sắp xếp khám, chữa bệnh cho người có thẻ BHYT vào tất cả các ngày trong tuần tại tất cả các cơ sở y tế có khám chữa bệnh BHYT để đảm bảo quyền lợi cho mọi người, nhất là đối với học sinh, sinh viên, công chức, viên chức, công nhân và người lao động (chỉ được nghỉ vào các ngày thứ bảy, chủ nhật).

Bộ Y tế cho rằng, để được hưởng khám chữa bệnh theo BHYT vào ngày nghỉ, ngày lễ thì người dân có thể tìm hiểu cơ sở có thực hiện khám chữa bệnh BHYT vào ngày nghỉ, ngày lễ để đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu (có nghĩa là không phải 100% các cơ sở có khám chữa bệnh BHYT tổ chức khám vào ngày nghỉ, ngày lễ mà người dân phải tự tìm hiểu).

“Bộ Y tế chưa chỉ đạo toàn bộ các cơ sở khám, chữa bệnh BHYT tổ chức khám chữa bệnh cho người có thẻ BHYT vào tất cả các ngày trong tuần là chưa đảm bảo quyền lợi của người dân đã được quy định tại khoản 4 Điều 36 của Luật Bảo hiểm y tế trong nhiều năm qua (từ năm 2008). Đây là kiến nghị chính đáng của cử tri cần được Bộ Y tế giải quyết”, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải nói.

Thông qua 1.408 cuộc tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp thứ 6, Ban Dân nguyện thuộc UBTVQH đã tập hợp được 2.293 kiến nghị và chuyển đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Đến nay đã có 2.290 kiến nghị được xem xét, giải quyết và trả lời theo quy định đạt 99,87% tổng số kiến nghị đã chuyển.

Phương Thảo

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/huong-toi-kham-chua-benh-bhyt-tat-ca-cac-ngay-trong-tuan-149064.html