Hướng tới 'tuyển sinh là tuyển dụng'

Việt Nam đã và đang tham gia sâu vào quá trình hội nhập khu vực và quốc tế. Do đó, việc tăng cường liên kết tạo sự đột phá với thị trường lao động, đặc biệt là tạo ra mối liên hệ gắn kết đào tạo với doanh nghiệp, được coi là một trong những giải pháp trọng tâm.

Đã có nhiều đổi mới.

Tại Hội nghị Gắn kết giáo dục nghề nghiệp (GDNN) với thị trường lao động năm 2019 vừa được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Hà Nội tổ chức, thầy giáo Phạm Xuân Khánh - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội - cho biết: Trước tác động của cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0 sẽ mang lại lợi ích quan trọng và thiết thực với nhiều cơ hội lớn như: Tiếp cận vốn, khoa học - công nghệ, xuất nhập khẩu với đa dạng mặt hàng, thu hút đầu tư, doanh nghiệp cải thiện năng lực sản xuất và cạnh tranh trong chuỗi sản phẩm, tạo ra sự thay đổi lớn về hình thái kinh doanh dịch vụ, giảm đáng kể chi phí giao dịch, vận chuyển…

Trình diễn kỹ năng nghề trong khuôn khổ Hội nghị “Gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động năm 2019”. (Ảnh: P.T)

Trình diễn kỹ năng nghề trong khuôn khổ Hội nghị “Gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động năm 2019”. (Ảnh: P.T)

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, cũng mang đến thách thức rất lớn trong vấn đề dư thừa lao động có kỹ năng và trình độ thấp do “tiến bộ công nghệ lấy mất việc làm của người lao động”, gây phá vỡ thị trường lao động truyền thống, thiếu hụt nhân lực trình độ cao do lao động có tay nghề trong khu vực Asean sẽ được tự do lưu chuyển, đất nước đang dần mất đi lợi thế về chi phí lao động thấp, ảnh hưởng tới tình hình kinh tế- xã hội.

Bối cảnh này đòi hỏi phải nhanh chóng đổi mới và nâng cao chất lượng dạy và học, tập trung đào tạo chất lượng cao, đào tạo theo hướng mở, linh hoạt, chuyển từ hướng “cung” sang hướng “cầu”, đào tạo gắn kết với nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp đòi hỏi lao động trực tiếp tay nghề cao ở các lĩnh vực công nghệ tiên tiến là yêu cầu bắt buộc của các cơ sở GDNN cả nước nói chung và của ngành GDNN Hà Nội nói riêng.

Theo bà Nguyễn Thanh Nhàn - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội, những năm qua, GDNN đã từng bước đổi mới và phát triển, đạt được nhiều thành tựu nổi bật cả về quy mô, số lượng, chất lượng, loại hình đào tạo, cơ cấu ngành nghề.

GDNN tạo ra nguồn nhân lực có chất lượng cao, có tay nghề, trình độ kỹ năng, tác phong công nghiệp là yếu tố then chốt đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế xã hội; là động lực thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, là điều kiện phát huy nguồn nhân lực con người, yếu tố cơ bản để phát triển xã hội, tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững.

Sau khi Luật GDNN chính thức được triển khai thực hiện, hoàn tất công tác chuyển giao GDNN về ngành LĐ-TB&XH quản lý, vai trò của GDNN càng trở nên quan trọng, nhất là trong thời điểm cả nước nói chung cũng như Thủ đô Hà Nội nói riêng đang tham gia sâu rộng vào quá trình hội nhập cùng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng như góp phần nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh trong công cuộc phát triển kinh tế, xã hội.

Do vậy, việc xây dựng và thực hiện các giải pháp đẩy mạnh phát triển GDNN nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đang được các cấp lãnh đạo quan tâm và chỉ đạo phải tích cực triển khai thực hiện.

Hướng tới “tuyển sinh là tuyển dụng”

Theo Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội Nguyễn Thanh Nhàn, nhằm phát triển nguồn lao động có trình độ chuyên môn, năng lực nghề nghiệp, thành thạo kỹ năng đáp ứng ngay quá trình sản xuất, kinh doanh của đơn vị sử dụng lao động; những năm qua, Sở LĐ-TB&XH Hà Nội đã triển khai xây dựng và phát triển mô hình gắn kết giữa doanh nghiệp với cơ sở GDNN, đào tạo theo địa chỉ sử dụng nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Trong năm 2018, các cơ sở GDNN trên địa bàn thành phố đã hợp tác với 753 doanh nghiệp với nhiều nội dung, hình thức phối hợp đa dạng. Cụ thể: Trong tổng số 113.945 học sinh, sinh viên tốt nghiệp có việc làm năm 2018 thì có 12.212 học sinh, sinh viên được doanh nghiệp đặt hàng đào tạo từ khi vào học và được tuyển dụng ngay vào làm việc sau khi tốt nghiệp.

Đồng thời doanh nghiệp cũng phối hợp tham gia xây dựng được 302 bộ chương trình, giáo trình đào tạo; tham gia vào giảng dạy được 510 ngành/nghề; tiếp nhận 17.199 học sinh, sinh viên đến thực tập. Bên cạnh đó, hỗ trợ trang thiết bị, nguyên nhiên vật liệu đào tạo cho các cơ sở GDNN được 249 ngành/nghề, hỗ trợ kinh phí cho các cơ sở GDNN được 11.161.432.000 đồng.

Trong công tác hợp tác với các doanh nghiệp của các cơ sở GDNN trên địa bàn thành phố, có nhiều đơn vị thực hiện có hiệu quả và cách thức gắn kết với các đối tác bền vững như: Trường Cao đẳng Nghề Công nghệ cao Hà Nội, Trường Cao đẳng Nghề công nghiệp Hà Nội, Trường Trung cấp Kinh tế - Du lịch Hoa Sữa, Trường Trung cấp Nghề nấu ăn – nghiệp vụ du lịch thời trang Hà Nội, Trường Trung cấp Xây dựng Hà Nội…

Đặc biệt, trong 4 tháng đầu năm 2019, đã có 512 doanh nghiệp ký kết hợp tác tuyển sinh, đào tạo với các cơ sở GDNN với chỉ tiêu đặt hàng đào tạo và tuyển dụng là trên 15.300 người.

Thầy giáo Phạm Xuân Khánh - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Công nghệ cao Hà Nội - cho biết: Trường Cao đẳng Nghề Công nghệ cao Hà Nội cùng với hệ thống GDNN của thành phố luôn quan tâm xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với doanh nghiệp trong và ngoài nước để tiếp nhận sinh viên tốt nghiệp ra trường; sinh viên thực hành, thực tập; hợp tác nghiên cứu, sản xuất sản phẩm, chuyển giao công nghệ; khai thác đội ngũ chuyên gia giảng dạy từ doanh nghiệp. Nhờ vậy, tỷ lệ sinh viên có việc làm trước khi ra trường luôn đạt trên 85% và sau 6 tháng đạt tỷ lệ trên 96%. Một số như: Điện, điện tử, hàn, cắt gọt kim loại, chăm sóc sắc đẹp… 100% sinh viên có việc làm trước khi tốt nghiệp, không đủ cung cấp cho các doanh nghiệp.

“Bắt đầu từ năm học 2018 - 2019, nhà trường tự tin thực hiện chủ trương “Tuyển sinh là tuyển dụng”, ký hợp đồng đào tạo với từng sinh viên đảm bảo 100% sinh viên ra trường có việc làm với thu nhập từ 5 – 15 triệu đồng/tháng. Có thể nói, chính các mối quan hệ này đã đóng góp rất lớn cho nhà trường trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của nhà trường trong và ngoài nước” - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Công nghệ cao Hà Nội khẳng định.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực tế vẫn còn một số vướng mắc, bất cập, đòi hỏi sự chung tay góp sức nhiều hơn nữa của các Bộ, ngành, địa phương nhằm tháo gỡ những nút thắt gây cản trở sự phát triển của GDNN. Theo bà Trần Thị Lan Anh - Phó Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, để tăng cường gắn kết GDNN với thị trường lao động, khuyến khích doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề, các cơ quan chức năng cần mở rộng tuyên truyền Luật GDNN cho doanh nghiệp và người sử dụng lao động; có văn bản hướng dẫn chi tiết việc thực hiện các nội dung của luật này đến các đơn vị liên quan.

Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Công nghệ cao Hà Nội Phạm Xuân Khánh đề xuất thành lập Hội đồng kỹ năng ngành, nghề (Industrial Skills Board) bởi theo thầy Khánh, hiện nay, ở Việt Nam chưa có các Hội đồng kỹ năng nghề làm nhiệm vụ nghiên cứu, điều tra, khảo sát, phân tích, dự báo nhu cầu sử dụng lao động của các ngành công nghiệp để làm căn cứ cho các cơ sở đào tạo xây dựng chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp.

Đồng thời, đổi mới công tác quản lý GDNN trên cơ sở áp dụng công nghệ để xây dựng hệ thống thông tin quản lý hiện đại, kết nối cung và cầu đào tạo trong toàn hệ thống. Trong đó, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về GDNN, hình thành cơ sở dữ liệu về người học để kết nối với thị trường lao động, đổi mới chương trình và công tác tổ chức, quản lý đào tạo trên cơ sở chuẩn đầu ra; đảm bảo liên thông thuận lợi giữa các cấp trình độ đào tạo trong cùng ngành, nghề hoặc với các ngành, nghề khác hoặc liên thông lên trình độ cao hơn trong hệ thống giáo dục quốc dân…

Phạm Thảo

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/huong-toi-tuyen-sinh-la-tuyen-dung-91279.html