Hương ước đảm bảo mọi người xử sự theo những quy tắc nhất định

Hương ước, lệ làng là bộ tổng luật của làng xã. Người tuân thủ đầy đủ các quy định của hương ước được coi là tuân thủ nghiêm kỷ cương phép nước cho dù họ ít hiểu biết về pháp luật nhà nước.

Hương ước, lệ làng của Việt Nam cũng có nguồn gốc từ phong tục nhưng nó đã được chính quyền xem xét và cho phép thi hành. Ai không tuân theo thì bị xử phạt. Hương ước, lệ làng không còn là phong tục truyền miệng mà là luật thành văn với các chương, điều mang tính hệ thống, có cả chế tài đối với trường hợp vi phạm. Hương ước, lệ làng là loại luật pháp do dân, nó song hành và hỗ trợ cho luật pháp nhà nước. Hương ước các làng khác nhau thì có tên gọi khác nhau như: hương ước, hương đoan, hương khoán, tục lệ, khoán lệ, lệ làng...

Ảnh minh họa

Tùy theo đặc điểm của từng làng xã, số lượng chương, điều trong các hương ước nhiều, ít khác nhau, nhưng nhìn chung đều có các chương điều chỉnh quan hệ trong nhiều lĩnh vực. Trong các hương ước đều có các chương như: về tổ chức bộ máy hành chính và tổ chức dân sự làng xã (dòng, họ, phe, giáp, hội, phường, các hạng đinh); về đảm bảo an ninh làng xã; về đảm bảo vệ sinh, môi trường; về thực hiện nghĩa vụ với làng xã, với nhà nước; về bảo vệ, nuôi dưỡng thuần phong mỹ tục, bài trừ hủ tục, mê tín, dị đoan (các quy định về lễ, hội, cưới hỏi, ma, chay); về bảo vệ môi trường, chống dịch bệnh, bảo vệ nguồn nước, bảo vệ rừng…

Trong cuộc sống thường nhật, người dân ở nông thôn đều tìm thấy các hướng dẫn xử sự của hương ước, lệ làng. Hương ước, lệ làng là bộ tổng luật của làng xã. Người tuân thủ đầy đủ các quy định của hương ước được coi là tuân thủ nghiêm kỷ cương phép nước cho dù họ ít hiểu biết về pháp luật nhà nước. Văn phong của hương ước giản dị, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thi hành, dễ tuân theo. Hàng năm, trong các dịp lễ hội, hương ước được đem ra đọc cho cả dân làng nghe. Người dân ít học vẫn có thể thuộc lòng hương ước của làng xã họ.

Hương ước, lệ làng là công cụ đảm bảo để mọi thành viên trong cộng đồng xử sự theo những quy tắc nhất định. Hành xử theo những quy tắc xử sự nhất định là yếu tố quyết định của lối sống cộng đồng. Sống cô độc thì không cần có quy tắc nào cả. Hương ước, lệ làng tập họp những cá nhân đơn lẻ thành những cộng đồng có tổ chức chặt chẽ, có sức mạnh vô địch trong đấu tranh với thiên nhiên, đấu tranh xã hội. Điều này giải thích tại sao những đội quân xâm lược với quân số đông áp đảo, với vũ khí tối tân vẫn không thể đột nhập vào các làng chiến đấu. Các cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam luôn là chiến tranh toàn dân và toàn diện. Điều này cũng giải thích tại sao các dân tộc Việt không bị đồng hóa bởi họa xâm lăng của phương Bắc trong nhiều thế kỷ. Việt Nam có thời kỳ mất nước nhưng làng xã Việt Nam không bao giờ mất là do vậy.

Hương ước, lệ làng đã giúp hình thành những phong cách sống của người Việt Nam. Người Việt coi lợi ích giống nòi, lợi ích quốc gia, dân tộc, làng xã, dòng họ, lên trên hết. Với người Việt Nam, vai trò của tập thể luôn được đề cao hơn vai trò của cá nhân. Hương ước, lệ làng trở thành công cụ rèn luyện, hun đúc nên những đức tính quý báu của con người Việt Nam như lòng dũng cảm trong chiến đấu, tính cần cù trong lao động, tính hòa nhã, thân thiện, mến khách trong giao tiếp…

Tổng quát lại, hương ước, lệ làng của các dân tộc Việt Nam, như một kết quả tất yếu, là sản phẩm của nền văn hóa lúa nước, của tinh thần đấu tranh chống ngoại xâm của các cộng đồng cư dân Việt. Hương ước, lệ làng chính là công cụ, vũ khí để bảo vệ sự trường tồn của các dân tộc Việt Nam và tôi luyện nên những đặc điểm phẩm chất nhân văn cao đẹp của con người Việt Nam.

Quang Trung

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/huong-uoc-dam-bao-moi-nguoi-xu-su-theo-nhung-quy-tac-nhat-dinh-121098.html