Hương ước là một định chế xã hội

Hương ước theo nghĩa hẹp, chỉ là hương ước thành văn, trong tương quan với phép nước, nhưng trong sự đặc thù của văn hóa làng xã, nó bao hàm cả lệ làng bất thành văn, trở thành quy định, chuẩn mực đạo đức lối sống về luân lý lẫn pháp lý, được cộng đồng vinh danh và tôn trọng thực hiện.

Như vậy, dù đứng ở khía cạnh nào, hương ước đều đảm trách sứ mạng vừa là công cụ, vừa là định chế đối với mỗi một thành viên trong cộng đồng làng xã. Riêng với khu vực miền trung, có một thực tế là làng Việt ở miền trung không có nhiều hương ước thành văn. Điều đó không có nghĩa là hương ước thành văn bị mất mát do thiên tai, địch họa... mà thật sự không có, bởi làng xã không có nhu cầu hương ước thành văn, nhờ vào đời sống văn hóa làng xã không đến nỗi quá bức xúc, căng thẳng kiểu “đất chật người đông”, “đâm bị thóc chọc bị gạo”, như ở Bắc Bộ.

Cơ sở xã hội và tính hiện thực hóa cao

Hương ước lệ làng là sự cụ thể hóa luật pháp cho phù hợp với đời sống làng xã. Có thể coi hương ước thành văn là văn bản nhà nước, được cấp hành chính cơ sở ban hành, cấp trên phê chuẩn, bởi đứng ký điểm chỉ đều là chức sắc hàng xã, có ấn triện hẳn hoi, còn được lưu giữ tại huyện, tỉnh. Nhờ vậy, nhiều hương ước vẫn được bảo lưu ở các lưu trữ nhà nước.

Khoán định Xuân Hòa (Thừa Thiên - Huế) ra đời trong bối cảnh “một cuộc nhiễu nhương. Vậy khiến nên thị độ tán lưu, lại thêm cơ hoang tiến chí”. Còn ở làng Thủ Lễ thì phải chấn chỉnh nếp cũ do “lòng người phiền phức, chia gì cũng muốn cho riêng mình, không đếm xỉa đến công lao dựng nghiệp của cha ông, giành nhau lợi nhuận, bỏ bê việc chung, đến nỗi đất đai nghiêng ngả, cây cối xác xơ”, v.v.

Điểm đáng chú ý ở đây là một vấn đề rất thời sự, theo thủ tục hành chính (có hương bộ soạn thảo ký điểm chỉ, có chữ ký và ấn triện lý trưởng) và phương thức tiến hành lại rất dân chủ. Vai trò “dự thảo” của các bậc văn nho trong Hội Tư văn của làng là rất lớn, để rồi tất cả, được mang ra bàn luận, bổ sung góp ý trước toàn thể dân làng, nhất là các bậc cao niên theo đúng nguyên tắc Trọng lão. Từ đó, hương ước mới trở thành “nghị quyết” của làng, có cơ sở xã hội và tính hiện thực hóa cao.

Cần được nghiên cứu sâu hơn

Hương ước đặc biệt chú trọng đến “việc lễ” của làng: đời sống tín ngưỡng lễ nghi, để nghiêm cấm, răn đe một số việc không được làm, một số nơi không được phá phách, thậm chí là sản xuất; khuyến khích, khen thưởng những tấm gương tốt. Cái tốt, hay cái xấu ở đây, ít được xem xét dưới góc độ cá nhân mà quan trọng hơn, bao trùm lên tất cả, luôn là ở tập thể cộng đồng lớn nhất, như đại diện gắn liền với vinh danh hoặc làm ô danh, với sự thịnh suy, hưng vong của làng. Đuổi ra khỏi làng, khỏi nhà là tai họa khủng khiếp nhất đối với mỗi một thành viên làng xã - kể cả trong luật pháp của nhà nước.

Sự rộng khắp trong nội dung hương ước là nó quy định cả các vấn đề về hành chính nhà nước lẫn các mối quan hệ tự quản: từ việc làng cho đến lễ nghi tế tự, nếp sống nếp nghĩ... Qua hương ước, có thể thấy rõ quy định chức năng nhiệm vụ, nguyên tắc và phương thức bầu cử chức sắc hàng xã, các đơn vị phe giáp, xóm ấp. Tất cả đều được dựng xây trên cơ sở phong tục tập quán của làng và hầu như ít có sự mâu thuẫn trong nội dung với pháp luật. Mở đầu của hương ước luôn có “phàm lệ” nói rõ giới hạn của nó trong quan hệ với luật pháp: tập trung giải quyết những vấn đề cụ thể, như là “hướng dẫn thi hành luật”. Có hai mối quan hệ được chú ý ở đây: dư luận xã hội trên cơ sở yếu tố gia tộc, quan hệ láng giềng, rồi mới tới sự phân xử của luật pháp. Phải giải quyết sự vụ theo lệ làng - lấy mâm cau rượu làm chuẩn kể cả thưởng lẫn phạt, nhưng không được, hoặc không biết hối hận, tái phạm, v.v. hạ sách, thì làng mới “bắt giải lên quan”: chỉ có roi, nộp tiền phạt và “ở tù”.

“Phép vua thua lệ làng” là nguyên tắc thường được viện dẫn khi nói về mối quan hệ làng - nước, cần được nhìn nhận lại đầy đủ, khách quan hơn: không phải ở sự mâu thuẫn đối kháng lệ làng - phép nước mà là sự phong phú đa dạng của sắc thái văn hóa làng, đòi hỏi luật nước phải sát thực, phù hợp, với tính khả thi cao. Hương ước trong vai trò là một định chế xã hội, cần được nhìn nhận lại đầy đủ, chính xác và toàn diện, để có thể góp phần hiệu quả cho việc tìm hiểu văn hóa làng và phát huy vai trò tham gia điều tiết, quản lý xã hội trong thời đại mới.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/cuoituan/thoi-su-chinh-tri/item/32030202-huong-uoc-la-mot-dinh-che-xa-hoi.html