Hương ước làng là gì và hương ước ràng buộc dân làng thế nào

Hương ước làng là gì và hương ước ràng buộc dân làng thế nào vẫn là chủ đề nóng trong đời sống cộng đồng làng xã Việt Nam. Vai trò của Hương ước vẫn được tiếp tục phát huy như một biểu hiện quan trọng của văn hóa dân gian ở làng quê và mang đặc điểm riêng ý thức hệ của người dân trong mỗi ngôi làng.

Ảnh minh họa

Hương ước là thuật ngữ gốc Hán, khi du nhập vào Việt Nam nó vẫn giữ được nguyên nghĩa. Hương ước là những quy ước, điều lệ của một cộng đồng chung sống trong một khu vực. Đây chính là “văn bản pháp lý” đầu tiên của các làng xã nhằm góp phần điều hòa các mối quan hệ trong xã hội cộng đồng.

Hương ước là bản ghi chép các điều lệ (quy tắc xử sự chung) mang tính bắt buộc phải tuân thủ, liên quan đến đời sống cộng đồng dân cư sinh sống trong làng. Các điều lệ này hình thành dần trong lịch sử, được điều chỉnh và bổ sung mỗi khi cần thiết. Đến thời Trần (khoảng cuối thế kỷ XVII), Hương ước đã trở nên khá phổ biến trong hệ thống làng, xã Việt Nam. Hầu hết các Hương ước đều đề cập nội dung chính như: an ninh trật tự, quan hệ ứng xử, công ích công lợi, thưởng phạt, đến việc cụ thể bổn phận của con cái đối với cha mẹ, ông bà, vợ đối với chồng, anh đối với em,…

Trước đây, Hương ước chủ yếu do các vị các vai vế trong làng bàn bạc để xây dựng nên. Tuy nhiên, đến ngày nay, Hương ước cũng đã có thay đổi để phù hợp hơn.

Tại điểm 2 Chỉ thị số 24/1998/CT-TTg ngày 19/6/1998 của Chính phủ về xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của làng, bản, thôn, ấp, cụm dân cư thì: “Dự thảo hương ước, quy ước phải được nhân dân trên địa bàn thảo luận, được hội nghị cử tri hoặc hội nghị đại biểu hộ gia đình ở làng, bản, thôn, ấp, cụm dân cư thông qua và được Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt trước khi thi hành nhằm đảm bảo nội dung của hương ước, quy ước không trái với các quy định của pháp luật hiện hành, không chứa đựng các quy định xử phạt nặng nề, các khoản phí và lệ phí có thể gây thiệt hại hoặc làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân”.

Như vậy, Hương ước ngày nay và trước đây mặc dù đã có sự khác biệt trong thủ tục, quá trình tạo lập, ban hành, tuy nhiên, về nội dung và vai trò của Hương ước làng xã trong đời sống người dân Việt Nam về cơ bản vẫn không hề thay đổi.

Hương ước làng quy định về chế độ ruộng đất: Hương ước các làng đều khẳng định “việc nhà nông là cái gốc lớn” để bảo vệ, phát triển sản xuất và ra một số quy định khuyến khích mọi người, mọi nhà tận dụng đất đai để sản xuất và quy định về việc sử dụng ruộng đất.

Hương ước làng quy định về chế độ khuyến nông, bảo vệ môi trường, bảo vệ sản xuất, các danh lam thắng cảnh, đền chùa, miếu mạo; quy định về tổ chức xã hội, trách nhiệm của các chức định trong làng.

Trong đa số Hương ước của các làng đều có quy định thưởng phạt, ai làm việc tốt, việc có lợi cho dân làng, cho cộng đồng thì được thưởng, ngược lại ai làm điều sai trái sẽ bị phạt. Nhiều quy định trong các bản Hương ước cổ trước đây thường có các hình phạt khá nặng nề, chủ yếu đánh vào danh dự cá nhân, gia đình hay dòng họ của người được coi là phạm tội, tuy nhiên Hương ước ngày nay đã bãi bỏ những hủ tục đã lỗi thời.

Quang Trung

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/huong-uoc-lang-la-gi-va-huong-uoc-rang-buoc-dan-lang-the-nao-113808.html