Hương ước, quy ước: Những 'quy tắc mềm' giúp vận hành làng xã

Lịch sử hình thành, tồn tại của một cộng đồng có tên là 'làng', đặc biệt là những làng cổ thuần Việt, luôn gắn chặt với hệ thống các quy tắc xử sự, được thiết lập trên tinh thần tự nguyện thỏa thuận. Đó là những hương ước làng, có khả năng điều chỉnh các quan hệ xã hội mang tính tự quản của cộng đồng dân cư. Ngày nay, các hương ước, quy ước (HƯQƯ) vẫn được xem là những 'quy tắc mềm', giúp vận hành bộ máy làng xã trở nên trơn tru và hiệu quả hơn.

Thực hiện tốt hương ước, quy ước sẽ góp phần bảo vệ và phát huy giá trị các di sản văn hóa. Trong ảnh: Di tích chùa Hàn Sơn (xã Nga Điền, huyện Nga Sơn).

Từ một điểm sáng...

Đông Cao là một làng cổ của xã Trung Chính (Nông Cống). Vốn là một làng thuần nông nằm dưới chân núi Nưa, dân cư nhuần nhị và cuộc sống cộng đồng ít khi xáo trộn. Khi kinh tế - xã hội thay đổi, phát triển, nhiều giá trị truyền thống tốt đẹp của làng có nguy cơ bị xô đổ. Để gìn giữ thuần phong mỹ tục và nếp văn hóa bao đời của làng, Đông Cao đã được chọn là một trong những làng đầu tiên của cả nước thí điểm xây dựng làng văn hóa. Một trong những nhiệm vụ được thực hiện trước nhất, khi bắt tay xây dựng làng văn hóa Đông Cao là thiết lập “Quy ước Đông Cao” gồm 4 mục/24 điều là văn hóa – xã hội (7 điều), xây dựng kinh tế (5 điều), an ninh, trật tự (4 điều) và các quy định chung (8 điều). Mọi người dân trong làng được tham gia thảo luận, hoàn thiện QƯ và báo cáo với chính quyền để triển khai thực hiện.

Có thể nói, việc xây dựng QƯ làng và đưa vào vận hành một cách linh hoạt, là sự khởi đầu cho việc tạo dựng nếp sống văn hóa, lành mạnh và ngày càng tốt đẹp cho làng Đông Cao. Cũng nhờ đó mà năm 1997, làng Đông Cao đã được công nhận là làng văn hóa cấp tỉnh. Và rồi, từ Đông Cao, đã có hàng chục, hàng trăm, rồi hàng nghìn làng khắp các vùng miền trong tỉnh, đã xây dựng và củng cố lại các HƯQƯ. Trong số đó, có không ít HƯQƯ đã chứng tỏ được vai trò của nó, góp phần mang lại cuộc sống có trật tự, có đạo đức và chống lại nhiều biểu hiện suy thoái trong làng.

Huyện Nga Sơn là một trong những địa phương tích cực xây dựng và triển khai thực hiện HƯ. Tính đến nay, 100% số thôn, xóm trên địa bàn có HƯ và được Chủ tịch UBND huyện phê duyệt. Trong đó, từng nội dung cụ thể của HƯ được tập thể bàn bạc, thông qua như việc học hành, hiếu, hỉ, trật tự trị an thôn xóm, hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, xây dựng quỹ đền ơn đáp nghĩa, quỹ khuyến học... Việc xây dựng và thực hiện các HƯ, được địa phương đánh giá là khá nghiêm túc, đã và đang mang lại nhiều kết quả thiết thực. Còn theo đánh giá của ngành văn hóa, thể thao và du lịch, khi tổng kết 18 năm (2000-2018) thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (TDĐKXDĐSVH), thì các làng, thôn, bản, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh đều xây dựng các HƯQƯ dựa trên nguyên tắc “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.

Các HƯQƯ được xây dựng dựa trên sự kế thừa, chọn lọc các giá trị thuần phong mỹ tục, xóa bỏ hủ tục, phát triển các hoạt động văn hóa lành mạnh... Cũng nhờ triển khai tốt các HƯQƯ này mà tại nhiều địa phương, người dân đã tích cực hưởng ứng và tạo được sự chuyển biến tích cực trong xây dựng nếp sống văn minh, đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo và thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Từ cơ sở đó, sau gần 2 thập kỷ thực hiện phong trào TDĐKXDĐSVH, toàn tỉnh đã có 4.396/6.031 làng, thôn, bản, tổ dân phố được công nhận danh hiệu văn hóa, đạt tỷ lệ 72,9% và tăng 60,7% so với năm 2000 (số liệu tính đến cuối năm 2018).

... đến bức tranh toàn cảnh

Tục ngữ Việt Nam có câu “Phép vua thua lệ làng”. Điều này là hoàn toàn đúng với hình thức làng, xã thời phong kiến, mà theo như nhận định của Nhà Dân tộc học Nguyễn Văn Huyên, tác giả của cuốn sách nổi tiếng “Văn minh Việt Nam”, thì câu nói ấy đã “cung cấp một ý niệm chính xác về quyền tự trị làng xã”. Khi bàn về tổ chức làng của người Việt thời xưa, học giả này cũng cho rằng, làng là một tổ chức hành chính tự trị nằm trong quốc gia. Làng có nghĩa vụ đóng thuế và đi sưu cho Nhà nước và ngược lại, làng sẽ được giải quyết tất cả các công việc nội bộ. Còn theo nhà nghiên cứu Trần Quốc Vượng, khi nói về văn hóa làng và làng văn hóa, là nói đến ý thức cộng đồng làng, ý thức tự quản – quyền quản lý làng xã được thể hiện trong HƯ làng – và tính đặc thù độc đáo rất riêng của mỗi làng trong tập quán, nếp sống, tín ngưỡng, tôn giáo, thậm chí giọng nói và cả cách ứng xử.

Như vậy là, các HƯQƯ làng không phải là điều gì mới mẻ, hay được con người hiện nay “sáng tạo” ra. Bởi, nhiều trong số đó đã ra đời và gắn chặt cùng sự tồn tại, phát triển, thậm chí là diệt vong của một cộng đồng làng. Để vận hành được hệ thống hành chính tự trị này, cha ông ta đã đề ra những nguyên tắc và quy định cụ thể để quản trị làng. Trong đó có các nguyên tắc quan trọng nhất là việc quản lý và sử dụng đất làng hay công điền, công thổ; việc quy định ngôi thứ các giai tầng trong làng; kiểm soát an ninh, trấn áp và giải quyết các sự vụ vi phạm quy định của làng... Có thể nói, chính những quy định thành văn (HƯ) và cả bất thành văn (tập quán, phong tục, tín ngưỡng, quan niệm...), đã tồn tại và kết thành “thành lũy” để bảo vệ các làng cổ truyền người Việt khỏi mọi sự xâm hại bên ngoài.

Ngày nay, cùng với quá trình bung ra làm ăn, phát triển kinh tế, đời sống văn hóa - xã hội cũng có sự biến đổi sâu sắc. Trong đó, những mặt tích cực là không thể phủ nhận, song những biểu hiện tiêu cực cũng không hề hiếm, thậm chí đã và luôn được bàn nhiều, phân tích, mổ xẻ nhiều để tìm ra giải pháp khắc phục. Đó là môi trường tự nhiên đang phải gánh hậu quả từ rác thải sinh hoạt, hay tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật bừa bãi của con người. Rồi môi trường xã hội cũng trở nên phức tạp hơn, bất ổn hơn do sự gia tăng của các tai, tệ nạn; hay do sự thay đổi trong lối sống, tư tưởng, cách ứng xử, hành vi của một bộ phận người dân. Tất cả đang khiến cho tình làng, nghĩa xóm tắt lửa tối đèn trở nên nhạt dần và thay cho làng khép kín sau lũy tre trước đây, là nhà khép kín sau cánh cổng đóng im ỉm.

Trước những biến chuyển liên tục của làng quê hiện đại, đã có nhiều chương trình lớn, mang tầm quốc gia được xây dựng và triển khai thực hiện. Đó là phong trào TDĐKXDĐSVH và chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, gần đây nhất, việc xây dựng HƯQƯ làng, xã lại tiếp tục được đưa ra bàn thảo. Theo đó, ngày 8-5-2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 22/2018/QĐ-TTg về xây dựng, thực hiện HƯQƯ. Trong đó, phát huy vai trò tự quản của cộng đồng dân cư, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường gắn với thực hiện dân chủ ở cơ sở, tiếp tục được nhấn mạnh là một mục tiêu cơ bản và quan trọng nhất. Bên cạnh đó, quyết định cũng đặc biệt chú trọng đến nhiệm vụ bảo vệ, giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán tốt đẹp; đồng thời, hạn chế và từng bước loại bỏ tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong cộng đồng dân cư.

Không thể xây dựng theo kiểu “Phép vua thua lệ làng”, các HƯQƯ ngày nay phải phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Đồng thời, phải tuân thủ đạo đức xã hội, phong tục, tập quán tốt đẹp của cộng đồng dân cư. Bên cạnh đó, các HƯQƯ phải bảo đảm sự tự nguyện, trên cơ sở thỏa thuận, thống nhất của cộng đồng dân cư; phát huy đầy đủ quyền làm chủ của nhân dân và dựa trên nhu cầu tự quản của cộng đồng dân cư. Đặc biệt, các HƯQƯ không vi phạm quyền con người, quyền công dân, bảo đảm bình đẳng giới và không được đặt ra các khoản phí, lệ phí, phạt tiền, phạt vật chất...

Như vậy là, khác với tính răn đe của luật pháp, các HƯQƯ có sự mềm dẻo, linh hoạt và thiên về ràng buộc đạo đức hơn là pháp lý. Nếu các HƯQƯ được điều chỉnh và xây dựng phù hợp với thực tiễn, thì đây sẽ là những chuẩn mực ứng xử chung trong đời sống xã hội, được cộng đồng thừa nhận, tôn trọng và nghiêm chỉnh chấp hành. Hay nói đúng hơn, đây thực sự là những “quy tắc mềm”, có khả năng hỗ trợ đắc lực cho quá trình vận hành bộ máy hành chính làng xã, bên cạnh chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Bài và ảnh: Khôi Nguyên

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/van-hoa-giai-tri/huong-uoc-quy-uoc-nbsp-nhung-quy-tac-mem-giup-van-hanh-lang-xa/100124.htm