Hướng về cơ sở, đề cao trách nhiệm người đứng đầu

Ðáp ứng nhiệm vụ phát triển công nghiệp, dịch vụ, đô thị gắn với nâng cao đời sống văn hóa, xã hội, Huyện ủy Mê Linh xác định khâu căn bản phụ thuộc vào đội ngũ cán bộ, công chức từ huyện tới cơ sở. Thay đổi tác phong làm việc, hướng về cơ sở là một trong những điểm nhấn thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị. Hiệu quả thực thi công vụ và mức độ hoàn thành công việc của các cơ quan, đơn vị và cá nhân được đánh giá bằng chỉ số hài lòng của người dân và doanh nghiệp.

Hệ thống đường giao thông tại huyện Mê Linh, Hà Nội được đầu tư xây dựng hiện đại. Ảnh: ÐĂNG ANH

Chọn việc "nóng", khâu yếu

Hướng về cơ sở, tập trung giải quyết những vấn đề dân sinh bức xúc, các vụ việc phức tạp, nhạy cảm dễ gây mất trật tự an toàn xã hội là cách làm được các cấp ủy ở Mê Linh thực hiện, nhằm tạo thay đổi về chất trong hoạt động công vụ. Theo đó, cán bộ chủ chốt từ huyện tới cơ sở, các đồng chí trong ban thường vụ, ban chấp hành có trách nhiệm nắm bắt tình hình địa bàn mình phụ trách, chọn việc "nóng", khâu yếu tập trung chỉ đạo giải quyết.

Liên quan một số hộ gia đình không đồng ý phương án đền bù dự án tuyến đường 35, đoạn qua xã Ðại Thịnh, UBND huyện đã kiểm tra làm rõ nguồn gốc đất liên quan các hộ và trả lời người dân. Tuy nhiên, gia đình ông Nguyễn Văn Ðóa và bà Phan Thị Hằng ở thôn Thường Lệ không đồng ý với kết luận của UBND huyện và tiếp tục kiến nghị nhiều lần. Ðể giải quyết dứt điểm kiến nghị của người dân, Chủ tịch UBND huyện đã tổ chức gặp gỡ, đối thoại, trên tinh thần lắng nghe, đồng thời chỉ đạo các phòng chuyên môn liên quan, cấp ủy, chính quyền xã Ðại Thịnh phương án giải quyết hợp lý, hợp tình, vừa bảo đảm đúng quy định vừa bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân. Sau nhiều lần giải thích, thuyết phục, gia đình đã đồng ý và hứa sẽ bàn giao mặt bằng đúng cam kết.

Theo Chủ tịch UBND huyện Ðoàn Văn Trọng, là địa bàn được Chính phủ phê duyệt quy hoạch đô thị, với hơn 6.300 ha, trong đó hơn 1.700 ha quy hoạch khu đô thị, gần 600 ha phục vụ khu công nghiệp…, lượng công việc liên quan công tác giải phóng mặt bằng, quản lý đất đai rất lớn. Qua giám sát địa bàn, tuy không có diễn biến phức tạp, không có khiếu kiện vượt cấp, khiếu nại đông người, nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ phát sinh một số vụ việc phức tạp, nếu không được giải quyết kịp thời sẽ dễ trở thành điểm "nóng". Do đó, không né tránh việc khó, tăng cường tiếp xúc, đối thoại, tập trung xử lý ngay những bức xúc của người dân là nhiệm vụ thường xuyên của cả hệ thống chính trị, nhất là cán bộ chủ chốt.

Lắng nghe cơ sở, kịp thời tháo gỡ khó khăn, tại Ðảng ủy xã Thạch Ðà, mới đây, đoàn công tác của Huyện ủy Mê Linh do đồng chí Ðỗ Ðình Hồng, Bí thư Huyện ủy làm Trưởng đoàn đã chỉ ra những bất cập trong quản lý đất đai, vi phạm trật tự xây dựng; chậm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; một số đơn thư khiếu nại, tố cáo kéo dài, chưa được giải quyết dứt điểm. Qua đó, Huyện ủy cùng Ðảng ủy xã Thạch Ðà tập trung bàn thảo các giải pháp nhằm tháo gỡ những hạn chế tồn đọng về đất đai, sớm phê duyệt quy hoạch sản xuất nông nghiệp; đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng và tổ chức đấu giá các khu đất đã có mặt bằng sạch trên địa bàn xã; đầu tư xây dựng chợ Thạch Ðà, hai điểm thu gom, tập kết rác thải… Về quy hoạch sản xuất, đồng chí Bí thư Huyện ủy giao UBND huyện khẩn trương phê duyệt để xã Thạch Ðà triển khai thực hiện.

Với mục tiêu nâng cao chất lượng kỷ cương hành chính và tác phong của đội ngũ, năm vừa qua, Huyện ủy đã chỉ đạo thành lập 11 đoàn kiểm tra, giám sát 43 tổ chức đảng về lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân; tình hình thực hiện Nghị quyết T.Ư 4, khóa XII về xây dựng Ðảng; thực hiện cải cách hành chính, nâng cao tinh thần, ý thức, chất lượng phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.... Qua đó, nhiều vấn đề phức tạp tại cơ sở đã từng bước được tháo gỡ; kịp thời chấn chỉnh những hạn chế, sai sót của đội ngũ, nâng cao chất lượng thực thi công vụ.

Nêu cao trách nhiệm người đứng đầu

Bài học từ Ðảng bộ xã Chu Phan cho thấy, người đứng đầu có vai trò quan trọng, có ý nghĩa quyết định đối với chất lượng hoạt động của cả bộ máy. Theo Ban Thường vụ Huyện ủy Mê Linh, xã Chu Phan từng là điểm "nóng" về cán bộ, bốn năm liền (2014 - 2017) chỉ được đánh giá hoàn thành nhiệm vụ, do nội bộ có biểu hiện mất đoàn kết, vai trò lãnh đạo của cấp ủy mờ nhạt, cán bộ bị kỷ luật vì mua và sử dụng bằng giả..., ảnh hưởng nghiêm trọng tâm lý cán bộ, đảng viên cũng như kéo chậm kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương. Khắc phục tình trạng đó, Huyện ủy đã điều động đồng chí Lê Duy Hưng, Huyện ủy viên, Phó Chủ nhiệm UBKT Huyện ủy về làm Bí thư Ðảng ủy xã, luân chuyển, tăng cường thêm một cán bộ huyện để giới thiệu bầu Phó Chủ tịch UBND xã, đồng thời kiện toàn lại hệ thống chính trị.

Với trách nhiệm người đứng đầu, đồng chí Lê Duy Hưng đã tập hợp đoàn kết trong cấp ủy, chủ trì xây dựng quy chế làm việc, giao trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra... từng bước tạo chuyển biến trong chỉ đạo, điều hành. Với phương châm dân chủ, công khai bàn bạc, mọi vấn đề liên quan đến người dân đều được thông báo về thôn, xóm lấy ý kiến trong 15 ngày. Theo đó, nhiều phong trào xây dựng nông thôn mới, làm đường làng, ngõ xóm xanh, đẹp được cán bộ thống nhất cao, người dân hưởng ứng. Xã Chu Phan đã đạt 18 tiêu chí, phấn đấu cuối năm được công nhận xã nông thôn mới.

Thực hiện Năm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị 2018, tiến tới xây dựng chính quyền điện tử, phục vụ chuyên nghiệp, hiện đại, lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm thước đo đánh giá chất lượng hoạt động của hệ thống từ huyện tới cơ sở, mới đây, UBND huyện quy định rõ trách nhiệm người đứng đầu các phòng, ban, ngành của huyện, chủ tịch UBND xã, thị trấn.

Theo Chủ tịch UBND huyện Ðoàn Văn Trọng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải chịu trách nhiệm cá nhân trước UBND huyện, chủ tịch UBND huyện về toàn bộ công việc thuộc trách nhiệm và thẩm quyền của mình, ngay cả khi đã phân công hoặc ủy nhiệm cho cấp phó. Ðịnh kỳ, người đứng đầu trực tiếp tiếp công dân theo quy định, xử lý, chỉ đạo nhanh, đúng thẩm quyền các khiếu nại, tố cáo thuộc lĩnh vực, trách nhiệm; phúc đáp các kiến nghị của tổ chức, công dân đúng hạn; thường xuyên báo cáo UBND huyện theo quý, sáu tháng, một năm. Huyện tiếp tục áp dụng việc đánh giá hiệu quả và chất lượng công việc của trưởng phòng và chủ tịch cấp xã theo quý và cuối năm. Bên cạnh đó, tăng cường công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra chấp hành công vụ, kỷ cương hành chính và thực hiện Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; chú trọng thanh tra, kiểm tra đột xuất, xử lý nghiêm trường hợp sai phạm, nhất là các lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh sai phạm như quản lý đất đai, xây dựng cơ bản, quản lý tài chính...

Bám, nắm cơ sở và lựa chọn nhiệm vụ ưu tiên, gắn với phân công trách nhiệm cụ thể, tổ chức giao ban thường xuyên, có định hạn thời gian với trách nhiệm cao nhất thuộc về người đứng đầu đã tạo sự chuyển động tích cực trong cả hệ thống chính trị. Ðến nay, đã có 12 trong tổng số 16 xã của Mê Linh được công nhận nông thôn mới, các xã còn lại đều đạt từ 15 đến 18 tiêu chí.

TIỂU PHƯƠNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/36187902-huong-ve-co-so-de-cao-trach-nhiem-nguoi-dung-dau.html