Hướng về cơ sở để củng cố sức mạnh của tổ chức

Tại Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ VII, nhiệm kỳ 2020-2025, có 36 tham luận của đại biểu, đề cập toàn diện các lĩnh vực kinh tế, xã hội. Báo Bà Rịa-Vũng Tàu trân trọng lược trích một số tham luận liên quan đến công tác xây dựng Đảng, đoàn thể, trong đó nhấn mạnh đến vai trò của việc xây dựng mối quan hệ mật thiết với nhân dân, hướng về cơ sở.

Đoàn viên, thanh niên huyện Châu Đức gói bánh chưng tặng các gia đình khó khăn, dịp Tết 2019.

Đoàn viên, thanh niên huyện Châu Đức gói bánh chưng tặng các gia đình khó khăn, dịp Tết 2019.

ĐỒNG CHÍ NGUYỄN VĂN ĐỒNG, ỦY VIÊN BAN THƯỜNG VỤ, TRƯỞNG BAN DÂN VẬN TỈNH ỦY

Lắng nghe nguyện vọng và hành động vì lợi ích của nhân dân

Nhiệm kỳ qua, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã chủ động, tham mưu, đề xuất Tỉnh ủy ban hành 6 chỉ thị, 6 nghị quyết và 40 văn bản lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện công tác dân vận, trong đó tập trung hướng về cơ sở, kịp thời lắng nghe tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người dân và hành động vì lợi ích của nhân dân. Ban Dân vận Tỉnh ủy đã tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo UBND các cấp trên địa bàn tỉnh treo công khai khẩu hiệu hành động thực hiện công tác dân vận chính quyền với phương châm “Chính quyền thân thiện, vì nhân dân phục vụ”; ban hành Quy chế về tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, người đứng đầu chính quyền các cấp với nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Quá trình triển khai thực hiện cho thấy công tác quản lý, điều hành của các cấp chính quyền chuyển mạnh theo hướng cụ thể, gần dân, sát dân và vì dân phục vụ. Hầu hết các cấp, các ngành trong tỉnh đã vận dụng tốt công tác dân vận, quy chế dân chủ gắn với đẩy mạnh việc cải cách thủ tục hành chính phục vụ Nhân dân và DN, tăng cường công tác đối thoại, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, phản ánh, kiến nghị, đồng thời bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của Nhân dân. Đến nay, tất cả các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh đều dành 60 phút đầu giờ mỗi sáng để tiếp công dân, thiết lập đường dây nóng của lãnh đạo các cấp để tiếp nhận phản ánh của người dân. Từ đó, các vấn đề bức xúc trong nhân dân đã được cấp ủy, chính quyền địa phương giải quyết kịp thời. Tình hình khiếu kiện đông người cũng như các mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ nhân dân so với những năm trước đây đã giảm đáng kể.

Nhằm tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo hướng sâu sát với dân, hướng về cơ sở, Ban Dân vận Tỉnh ủy xác định một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để tham mưu Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo trong thời gian tới như sau:

Một là, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục, không ngừng nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, đoàn viên, hội viên; nhất là trách nhiệm của người đứng đầu, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức chính quyền về công tác dân vận của Đảng trong tình hình mới.

Hai là, tiếp tục nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý, điều hành của các cơ quan nhà nước, nghiên cứu ban hành các chính sách hợp lòng dân. Tiếp tục đẩy mạnh việc cải cách hành chính; tăng cường tiếp xúc, đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho nhân dân; hỗ trợ vốn, vật tư… để nhân dân phát triển sản xuất, kinh doanh, ổn định cuộc sống. Giải quyết hài hòa chính sách đối với các tầng lớp nhân dân, nhất là trong đền bù, thu hồi đất, giải phóng mặt bằng; thực hiện chính sách công bằng, bảo đảm lợi ích cho các tầng lớp Nhân dân khi tham gia các chương trình kinh tế - xã hội của địa phương. Đồng thời, nâng cao vai trò, ý thức và trách nhiệm của cán bộ, công chức; trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong công tác dân vận.

Ba là, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân; trách nhiệm của đoàn viên, hội viên, trách nhiệm của những người có uy tín trong đồng bào các dân tộc thiểu số và trong tín đồ các tôn giáo trên địa bàn. Tăng cường phối hợp hoạt động giữa các tổ chức trong hệ thống chính trị với các lực lượng trên địa bàn về công tác dân vận; phát huy quyền làm chủ của nhân dân, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở; nâng cao trách nhiệm của nhân dân trong giám sát, góp ý cho cán bộ, công chức, viên chức và tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh.

Bốn là, thực hiện rộng rãi và có hiệu quả các chủ trương, chính sách về đại đoàn kết toàn dân tộc, về công tác dân tộc, công tác tôn giáo, người Việt Nam ở nước ngoài. Tiếp tục cụ thể hóa phương châm “Dựa vào dân để xây dựng Đảng”; sớm xây dựng và ban hành các quy chế, quy định về giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội đối với các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trước khi ban hành.

Năm là, quan tâm xây dựng nguồn quy hoạch, tuyển chọn, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ vừa có trình độ, năng lực, vừa có kinh nghiệm, kỹ năng vận động quần chúng, gương mẫu, có uy tín để giới thiệu, bố trí làm công tác dân vận, mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp.

Người lao động Công ty TNHH Nhà thép PEB (KCN Đông Xuyên, TP. Vũng Tàu) làm việc tại xưởng. Ảnh: SONG BÌNH

ĐỒNG CHÍ CHÂU VĂN THẮNG, CHỦ TỊCH LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG TỈNH

Phát huy vai trò của Công đoàn trong việc bảo vệ quyền lợi người lao động

Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh hiện đang quản lý 1.523 công đoàn cơ sở (CĐCS) với 133.448 đoàn viên/142.841 công nhân viên chức lao động trực thuộc 8 LĐLĐ huyện, thị xã, thành phố và 7 công đoàn ngành và tương đương.

Những năm gần đây, hoạt động của các CĐCS có chuyển biến tích cực. CĐCS tập trung chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho đoàn viên, công nhân viên chức lao động (CNVCLĐ). Các CĐCS đã tập trung hướng dẫn người lao động ký kết hợp đồng lao động, thương lượng và ký kết thỏa ước lao động tập thể, phối hợp với người sử dụng lao động tiến hành hội nghị cán bộ công chức viên chức, hội nghị người lao động, tổ chức đối thoại định kỳ theo quy định. Bên cạnh đó, các cấp công đoàn tập trung tuyên truyền pháp luật cho CNVCLĐ và người sử dụng lao động bằng nhiều hình thức đa dạng và thiết thực; tổ chức tốt các hoạt động chăm lo đời sống vật chất tinh thần cho CNVCLĐ.

Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn một số doanh nghiệp chưa thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với người lao động, công tác đảm bảo điều kiện lao động tại nơi làm việc chưa đầy đủ, có nơi còn vi phạm pháp luật lao động. Người lao động làm việc theo ca, tăng ca nên không có thời gian tham gia các hoạt động do công đoàn tổ chức. Cán bộ công đoàn kiêm nhiệm tại một số đơn vị, DN còn hạn chế về năng lực, kỹ năng, kiến thức, trình độ hiểu biết về lý luận và thực tiễn, chưa đáp ứng yêu cầu trong tình hình hiện nay. Mặt khác, cán bộ CĐCS thường xuyên thay đổi; hoạt động công đoàn thậm chí đối diện nguy cơ mất việc, còn tâm lý ngại va chạm, không nhiệt tình trong giải quyết tâm tư, nguyện vọng, bức xúc của CNVCLĐ. Điều này làm cho hiệu quả hoạt động của CĐCS chưa cao.

Từ nhận định trên, nhiệm vụ đặt ra cho tổ chức công đoàn là phải xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn có bản lĩnh để bảo vệ công nhân, người lao động. Trong thời gian tới, công đoàn thực hiện một số giải pháp sau:

Tiếp tục phát huy hiệu quả cao nhất các chủ trương, cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước dành cho CNVCLĐ và tổ chức công đoàn, tạo nguồn lực mới để công đoàn thực sự là tổ chức đại diện tốt nhất của người lao động.

Triển khai thường xuyên, đồng bộ, chất lượng công tác tuyên truyền, giáo dục, góp phần nâng cao bản lĩnh chính trị giác ngộ giai cấp, trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động cho người lao động.

Phát triển đa dạng, hiệu quả các hoạt động chăm lo lợi ích cho đoàn viên công đoàn. Nâng cao năng lực đại diện bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người lao động, cán bộ công đoàn; chủ động tham gia xây dựng chính sách, pháp luật, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ.

Các cấp công đoàn chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền đồng cấp về những vấn đề mới, diễn biến mới trong phong trào công nhân, viên chức, lao động và tổ chức công đoàn. Tiếp tục đổi mới mô hình tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động công đoàn; chú trọng công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS gắn liền với việc nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức công đoàn; đẩy mạnh công tác đào tạo bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công đoàn.

Phát huy vai trò của công đoàn trong việc hỗ trợ, giúp người lao động ký kết hợp đồng lao động; đại diện lấy ý kiến, thương lượng và ký kết, giám sát việc thực hiện thỏa ước lao động tập thể. Quan tâm hỗ trợ người lao động có việc làm bền vững, thu nhập ngày càng cao, gắn bó với cơ quan, DN.

Đổi mới phương thức chỉ đạo của công đoàn cấp trên đối với CĐCS, từ phương thức chỉ đạo hành chính sang phương thức trực tiếp và thường xuyên hỗ trợ, giúp đỡ CĐCS. Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động công đoàn theo hướng sát thực tiễn, xuất phát từ người lao động, hướng mạnh về cơ sở, hỗ trợ cơ sở, có trọng tâm, trọng điểm, thiết thực, ứng dụng công nghệ thông tin vào mọi hoạt động.

Sắp xếp kiện toàn tổ chức bộ máy của cơ quan công đoàn cấp trên cơ sở trở lên theo hướng tinh gọn đầu mối; tham mưu sắp xếp, đổi mới tổ chức của công đoàn ngành địa phương sao cho phù hợp, khách quan với tình hình, nhiệm vụ mới.

Đảng bộ DIC Corp là Đảng bộ trực thuộc Đảng bộ Khối cơ quan và doanh nghiệp tỉnh, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Trong ảnh: Công nhân Công ty CP DIC số 2, trên công trường dự án khu phức hợp nghỉ dưỡng Cap Saint Jacques (TP. Vũng Tàu) Ảnh: SONG BÌNH

ĐỒNG CHÍ PHẠM THÀNH CHUNG, BÍ THƯ ĐẢNG ỦY KHỐI CƠ QUAN VÀ DOANH NGHIỆP TỈNH

Nâng cao sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên

Đảng bộ Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh có 125 tổ chức cơ sở đảng với trên 6.600 đảng viên. Những năm qua, Đảng bộ Khối luôn coi trọng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng và đảng viên trong Khối nên đã có nhiều chuyển biến tích cực, tạo sự thống nhất cao hơn về tư tưởng chính trị trong thực hiện đường lối của Đảng; nâng cao một bước ý thức về xây dựng Đảng của cán bộ, đảng viên và niềm tin của quần chúng, Nhân dân với Đảng.

Bên cạnh những kết quả đáng khích lệ, vẫn còn một số hạn chế khó khăn như: Việc nắm bắt tình hình, định hướng tư tưởng chính trị cho cán bộ, đảng viên ở một số tổ chức cơ sở đảng, nhất là trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước đôi lúc còn bị động, lúng túng. Việc cụ thể hóa, tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng của một số cấp ủy, tổ chức đảng chưa kịp thời, chưa sát thực tế. Một bộ phận đảng viên chưa tiên phong, gương mẫu. Một số tổ chức đảng chưa quan tâm tạo nguồn kết nạp Đảng. Chất lượng sinh hoạt của một số chi bộ chưa đảm bảo theo yêu cầu. Công tác kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên ở một số đơn vị còn hình thức, chưa thực chất, chưa bám sát tiêu chuẩn...

Để tiếp tục nâng cao sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng trong các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh, chúng tôi xin nêu một số giải pháp chủ yếu như sau:

Các tổ chức cơ sở đảng cần quán triệt sâu sắc đường lối của Đảng, chỉ thị, nghị quyết, chủ trương, kế hoạch công tác của cấp trên; nắm chắc đặc điểm, đánh giá đúng thực trạng của cơ quan, đơn vị và DN, tình hình tư tưởng của đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Trong tình hình hiện nay, công tác tư tưởng phải được đặc biệt coi trọng, đây là nhiệm vụ thường xuyên và cấp bách. Bí thư cấp ủy, thủ trưởng, cơ quan, đơn vị phải trực tiếp làm công tác tư tưởng, chịu trách nhiệm về chất lượng công tác tư tưởng của đảng bộ, chi bộ, cơ quan, đơn vị mình.

Đổi mới việc chuẩn bị và ban hành nghị quyết và phân công tổ chức, cán bộ phụ trách thực hiện nghị quyết. Nghị quyết phải thiết thực, ngắn gọn, khả thi; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện nghị quyết; đồng thời đổi mới cách thức quán triệt, sơ kết, tổng kết việc thực hiện nghị quyết, chỉ thị của Đảng.

Nâng cao chất lượng sinh hoạt của tổ chức cơ sở đảng, nhất là chi bộ. Chất lượng sinh hoạt chi bộ không chỉ quyết định sức sống, sự phát triển của chi bộ mà còn biểu hiện năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Cần phân công cấp ủy viên, cán bộ các ban của đảng ủy dự, theo dõi, hướng dẫn sinh hoạt của các chi bộ; định hướng nội dung sinh hoạt phù hợp yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị.

Cấp ủy và lãnh đạo cấp trên cần tăng cường lãnh đạo, kiểm tra việc kiểm điểm, đánh giá, phân loại tập thể và cá nhân đảm bảo khách quan, thực chất.

Tăng cường công tác phát triển đảng viên đi đôi với sàng lọc, đưa những người không đủ tư cách đảng viên ra khỏi Đảng, thực hiện đúng quy định, tiêu chuẩn, điều kiện, nguyên tắc thủ tục kết nạp đảng viên. Kiểm tra chặt chẽ việc thực hiện các quy trình kết nạp và chuyển đảng chính thức, khắc phục tình trạng chạy theo thành tích, số lượng, hạ thấp tiêu chuẩn. Thực hiện tốt công tác rà soát lịch sử chính trị và chính trị hiện hành phục vụ công tác đề bạt, bổ nhiệm cán bộ và phát triển đảng viên. Xử lý nghiêm minh, đưa ra khỏi Đảng những những phần tử xấu hoặc thoái hóa biến chất nhằm giáo dục cán bộ đảng viên tốt hơn.

Coi trọng công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng; nâng cao chất lượng cán bộ, đảng viên. Các cấp ủy và tổ chức đảng cần làm tốt công tác quy hoạch và tạo nguồn cán bộ, vừa đáp ứng yêu cầu trước mắt, vừa chuẩn bị đội ngũ cán bộ lâu dài. Hàng năm phải có đánh giá bổ sung và điều chỉnh quy hoạch.

Tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra của cấp trên đối với tổ chức cơ sở đảng. Phải đi sâu, đi sát, nắm chắc tình hình cơ sở theo hướng khắc phục bệnh quan liêu; tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc tổ chức thực hiện ở cơ sở; phân công các đồng chí thường trực, ban thường vụ, cấp ủy viên trực tiếp phụ trách cơ sở và có trách nhiệm cùng cấp ủy, chính quyền, đoàn thể ở cơ sở kịp thời tháo gỡ khó khăn, giải quyết dứt điểm những vấn đề phức tạp xảy ra.

Nguồn Bà Rịa - Vũng Tàu: http://www.baobariavungtau.com.vn/chinh-tri/202009/huong-ve-co-so-de-cung-co-suc-manh-cua-to-chuc-909573/