Hướng về cơ sở, đồng hành cùng nạn nhân

Thực hiện phương châm 'đổi mới, hướng về cơ sở, hướng về nạn nhân', năm 2019, Hội Nạn nhân chất độc da cam (NNCÐDC) các cấp đã chủ động, tích cực đổi mới nội dung, hình thức hoạt động và đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần tích cực vào việc thực hiện chủ trương của Ðảng, Nhà nước về khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam.

Lãnh đạo Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam thăm hỏi các gia đình nạn nhân ở tỉnh Hưng Yên.

Lãnh đạo Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam thăm hỏi các gia đình nạn nhân ở tỉnh Hưng Yên.

Chuyển biến rõ nhất là Hội NNCÐDC các cấp đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TW, ngày 14-5-2015 của Ban Bí thư T.Ư Ðảng “Về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam”; từ đó, tạo chuyển biến tích cực về nhận thức, trách nhiệm trong việc nâng cao hiệu quả thực hiện chế độ, chính sách đối với NNCÐDC và củng cố, xây dựng Hội NNCÐDC/đi-ô-xin. Các tỉnh, thành phố thực hiện tốt, nổi bật là: Hà Giang, Tuyên Quang, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Hà Nam, Thái Bình, Thanh Hóa, Quảng Bình, Ðà Nẵng, Quảng Ngãi, Tây Ninh, Gia Lai, Lâm Ðồng, Ðồng Nai, Cần Thơ,... Hiện nay, tổ chức Hội NNCÐDC/đi-ô-xin được thành lập ở 63 tỉnh, thành phố; 615 huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; 6.539 xã, phường, thị trấn. Trong sáu tháng đầu năm 2019, đã phát triển được hai tổ chức hội cấp huyện, 22 tổ chức hội cấp xã (phường) và 2.578 hội viên.

Sáu tháng đầu năm 2019, cấp ủy, chính quyền các địa phương, nhiều tổ chức, doanh nghiệp, nhiều nhà hảo tâm trong nước và kiều bào ta ở nước ngoài tiếp tục chung tay giúp đỡ, đồng hành cùng NNCÐDC cả về vật chất và tinh thần. Trên cơ sở đó, Hội NNCÐDC các cấp đã hỗ trợ gia đình nạn nhân làm và sửa chữa 155 nhà với số tiền hơn bảy tỷ đồng; chi hỗ trợ các trung tâm nuôi dưỡng NNCÐDC: hai tỷ đồng; hỗ trợ Tết cho nạn nhân: 565 triệu đồng; trao học bổng: 540 triệu đồng; vốn sản xuất là: 5,3 tỷ đồng; hỗ trợ nuôi dưỡng: bảy tỷ đồng…

Cùng với đó, các cấp hội đã thực hiện quyền giám sát, phản biện trong thực hiện chính sách đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học theo quy định tại các văn bản mới nhất, qua đó phát hiện những vấn đề bất cập, vướng mắc để phản ánh với cơ quan chức năng. Trong sáu tháng đầu năm 2019, các địa phương đã giải quyết được 545 trường hợp; nổi bật là: Tuyên Quang: 190; Bắc Giang: 47, Bạc Liêu: 84, Ðác Lắc: 66,…

Công tác tuyên truyền tiếp tục đổi mới với nhiều hình thức phong phú như: thi tuyên truyền viên giỏi; hội nghị tri ân các tổ chức, nhà hảo tâm có nhiều đóng góp, hỗ trợ cho NNCÐDC; tổ chức gặp mặt biểu dương nạn nhân và gia đình nạn nhân vượt khó,… Ðáng chú ý, phong trào “Hành động vì NNCÐDC ở Việt Nam” do Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam phát động tiếp tục phát huy hiệu quả, được nhân dân đồng tình hưởng ứng, thu hút sự quan tâm của bạn bè quốc tế.

Tuy nhiên, thực tế vẫn còn một số cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, tổ chức chưa nhận thức đầy đủ về Chỉ thị số 43-CT/TW của Ban Bí thư T.Ư Ðảng, dẫn đến thiếu quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. Công tác giải quyết chế độ, chính sách còn những bất cập; tỷ lệ người được hưởng chế độ so với số nạn nhân còn thấp; vẫn chưa có chính sách đối với nạn nhân là thế hệ thứ ba của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học. Bên cạnh đó, việc sắp xếp tổ chức Hội theo Nghị quyết 18-NQ/TW (năm 2017) ở một số địa phương chưa thật phù hợp, làm ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của Hội.

Để khắc phục những hạn chế nêu trên, thời gian tới, cấp ủy, chính quyền và Hội NNCÐDC/đi-ô-xin các cấp cần tiếp tục quán triệt sâu sắc Chỉ thị 43-CT/TW của Ban Bí thư T.Ư Ðảng. Trong đó, cần xác định rõ: công tác khắc phục hậu quả chất độc hóa học trong chiến tranh là vấn đề vừa cấp bách, vừa lâu dài, là trách nhiệm của mỗi cấp ủy, chính quyền, của cán bộ, đảng viên và các tổ chức trong hệ thống chính trị.

Hội NNCÐDC/đi-ô-xin các cấp phải chủ động phối hợp các cơ quan chức năng tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cùng cấp về xây dựng tổ chức Hội; đồng thời, tích cực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động để nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ; qua đó, khẳng định vai trò, vị trí quan trọng của Hội trong việc tuyên truyền, vận động, giúp đỡ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của NNCÐDC.

Tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Hành động vì NNCÐDC”, kêu gọi các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân, đồng bào cả nước, người Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái, chung tay xoa dịu nỗi đau da cam bằng những hành động và việc làm cụ thể, thiết thực, tạo điều kiện để nạn nhân và gia đình họ vơi bớt sự vất vả, khó khăn trong cuộc sống.

Tiếp tục vận động, đấu tranh đòi công lý cho NNCÐDC Việt Nam phù hợp với đường lối, chủ trương đối ngoại của Ðảng. Ðẩy mạnh tuyên truyền về thảm họa da cam, tạo dư luận yêu cầu phía Mỹ có trách nhiệm tham gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học ở Việt Nam.

Thượng tướng NGUYỄN VĂN RINH

Chủ tịch Hội NNCÐDC/đi-ô-xin Việt Nam

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/dang-va-cuoc-song/item/41164702-huong-ve-co-so-dong-hanh-cung-nan-nhan.html