Hướng về cơ sở, gắn bó với nhân dân

Bà Phạm Thị Thanh Thủy - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa cho rằng: Cán bộ Mặt trận phải là những người kịp thời tham mưu, đề xuất những vấn đề mới nảy sinh, những bất cập cho cấp ủy, chính quyền, Ban thường trực Mặt trận các cấp giải quyết.

Bà Phạm Thị Thanh Thủy - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa chia sẻ đau thương với đồng bào Sa Ná bị thiệt hại nặng nề do lũ quét gây ra.

Bà Phạm Thị Thanh Thủy - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa chia sẻ đau thương với đồng bào Sa Ná bị thiệt hại nặng nề do lũ quét gây ra.

Bám sát địa bàn dân cư

Phát huy những kết quả đạt được, ngay từ những ngày đầu tiên của nhiệm kỳ 2019-2024, MTTQ các cấp tỉnh Thanh Hóa đang tập trung đổi mới mạnh mẽ nội dung và phương thức hoạt động nhằm nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân.

Bà Phạm Thị Thanh Thủy- cho biết: Căn cứ vào 12 chỉ tiêu đề ra, MTTQ tỉnh Thanh Hóa đã cụ thể hóa bằng 5 chương trình hành động trong suốt cả nhiệm kỳ. MTTQ các cấp thực hiện phương châm hành động, bám sát cơ sở, lắng nghe, nắm bắt tình hình nhân dân và dư luận xã hội định kỳ hàng quý và đột xuất nhằm kịp thời phát hiện những biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, những biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên để phản ánh với cấp ủy, chính quyền nhằm góp phần làm ổn định tình hình ngay từ cơ sở, không để phát sinh các vấn đề nổi cộm, phức tạp kéo dài.

Thực hiện Đề án “Tăng cường vận động, đoàn kết các tôn giáo ở nước ta hiện nay”, các kết luận của Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam về đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam trong công tác dân tộc, tôn giáo, MTTQ tỉnh Thanh Hóa đã và đang tập hợp, phát huy vai trò của người có uy tín, tiêu biểu, lực lượng cốt cán ở cộng đồng dân cư, tạo sự đoàn kết trong cộng đồng, đoàn kết tôn giáo.

Cũng theo bà Phạm Thị Thanh Thủy, MTTQ các cấp phối hợp với các tổ chức thành viên, triển khai những phong trào thi đua, cuộc vận động (CVĐ) lớn, nổi bật là CVĐ Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới (NTM), đô thị văn minh”. Đây là CVĐ được triển khai một cách sáng tạo, linh hoạt có sự phối hợp thống nhất hành động.

Về CVĐ này, MTTQ đóng vai trò là nhạc trưởng trong điều phối, vừa làm, vừa phát huy thế mạnh mang tính độc lập của các tổ chức thành viên thông qua những việc làm cụ thể, tích cực, có sự tham gia của các tầng lớp nhân dân.

Mặt trận xác định, đây là CVĐ mang tính nhân văn sâu sắc, trong đó nhân dân chủ động đóng góp nguồn lực, phát huy tinh thần làm chủ và thụ hưởng. Qua đó, giúp nhân dân hiểu được ý nghĩa của CVĐ và tự nguyện hiến đất, ngày công để xây dựng những con đường, cảnh quan, tham gia vào các chỉ tiêu trong tiêu chí xây dựng NTM.

“Chúng tôi đặt CVĐ xây dựng NTM, đô thị văn minh và sự đoàn kết, sáng tạo làm trục xoay để tác động tới cơ sở, làm nổi bật vai trò, chức năng của Mặt trận”- bà Thủy nói.

Bên cạnh đó, Mặt trận tham gia cùng với nhân dân, động viên nhân dân thay đổi hình thức tổ chức sản xuất trước đây sang hình thức liên kết để gia tăng chuỗi giá trị, nâng cao hiệu quả kinh tế, xây dựng các mô hình hợp tác xã do nông dân làm chủ mang lại hiệu quả rõ nét từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

Các chương trình giảm nghèo đã đi sâu vào những mô hình cụ thể, thiết thực, có tính lan tỏa bền vững giúp cho người dân vừa chủ động phát huy nguồn lực trên cơ sở hỗ trợ kích cầu của Đảng, Nhà nước thông qua các tổ liên kết, nhóm, hội giúp họ phát huy nguồn lực, giảm nghèo như mô hình hỗ trợ bò sinh sản...

Nhiệm kỳ 2014-2019, MTTQ đã lựa chọn các nội dung đáp ứng được tâm tư, nguyện vọng, những vấn đề đang đặt ra ở địa phương, chủ động giám sát và có những kiến nghị rất khách quan nhằm đóng góp vào việc xây dựng chính quyền, đưa cơ chính sách đi vào thực tiễn hiệu quả hơn.

Thông qua công tác giám sát, MTTQ đã kiến nghị HĐND đưa vào nội dung chất vấn các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh về việc xây nhà cho người nghèo theo Nghị định 22 của Thủ tướng Chính phủ. Đến nay, nội dung chất vấn này đang được các huyện, thị, thành phố triển khai đồng loạt, phấn đấu hoàn thành trong năm 2019.

Nâng cao chất lượng cán bộ

Đối với công tác cán bộ, bà Thủy cho rằng: Tới đây, MTTQ tỉnh Thanh Hóa sẽ tập trung rà soát, đánh giá trình độ đào tạo, năng lực thực tiễn của cán bộ, công chức, người lao động, tiến hành sắp xếp, bố trí, sử dụng đúng người, đúng việc. Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Mặt trận chuyên trách phù hợp với điều kiện cụ thể.

Để nâng cao hiệu quả trong công tác, MTTQ sẽ phối hợp với ngành tư pháp tổ chức bồi dưỡng kiến thức pháp luật, cho Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng ở cơ sở, tạo điều kiện, xây dựng cơ chế, tăng cường kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở để ban này hoạt động ngày càng thiết thực hơn.

Lấy việc biểu dương, khen thưởng những Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng năng động, trách nhiệm, hoàn thành tốt nhiệm vụ làm đòn bẩy thúc đẩy, nâng cao chất lượng trong công tác giám sát ở từng xóm, làng, địa phương.

“Chúng tôi xác định Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng là tai mắt, chân rết của Mặt trận ở các khu dân cư. Hơn ai hết, họ là người nắm rõ các vấn đề chúng ta còn quan tâm lo lắng ở cơ sở, đặc biệt là công tác xây dựng NTM”- bà Thủy khẳng định.

Song song với đó, MTTQ sẽ hướng mạnh về cơ sở, tiếp tục đẩy mạnh, sâu hơn nữa việc xây dựng, nâng cao trình độ cán bộ. Cán bộ làm công tác Mặt trận phải tâm huyết, nhiệt tình, trách nhiệm, gắn bó với nhân dân, lắng nghe nhân dân, kịp thời tham mưu, đề xuất những vấn đề nảy sinh bất cập, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền, Ban Thường trực Mặt trận các cấp giải quyết.

Nhiệm vụ của MTTQ là làm sao để góp phần vào việc nâng cao đời sống nhân dân thông qua những kết quả cụ thể.

“Trong từng chương trình đều hướng tới mục đích cuối cùng là kết quả đầu ra. Theo đó, MTTQ tỉnh đã phân cấp rõ ràng trách nhiệm từ tỉnh xuống huyện, xã để khi tổ chức thực hiện nhiệm vụ vừa đảm bảo sự lãnh đạo, thống nhất nhưng khuyến khích các tổ chức thành viên chủ động sáng tạo phù hợp với điều kiện của từng địa phương”- bà Thủy chia sẻ.

MTTQ phát huy vai trò của các ủy viên Ủy ban MTTQ tỉnh, hội đồng tư vấn, chuyên gia trên các lĩnh vực tham gia cùng Mặt trận để chủ động tham gia giám sát, phản biện những chương trình có trọng tâm, trọng điểm và chất lượng.

Công tác giám sát, chú trọng đến những vấn đề mang tính chất toàn diện, từ đó có được điều kiện, điểm nhấn cụ thể góp phần vào việc xây dựng chính quyền. Tập trung phản biện các nội dung liên quan đến việc đánh giá tình hình Mặt trận, nhân dân thông qua đường hướng, nhiệm vụ, giải pháp của cấp ủy trong thời gian tới, góp phần xây dựng, phát triển của địa phương.

MTTQ các cấp sẽ tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng các chương trình giám sát, phản biện xã hội, lắng nghe và tổ chức đối thoại. Mặt trận sẽ chủ trì để hướng dẫn các khu dân cư, ban công tác Mặt trận tổ chức đối thoại giữa người đứng đầu chính quyền, cấp ủy đối với các tầng lớp nhân dân. Qua đó mong muốn, kiến nghị, đề xuất sẽ được giải quyết ngay từ cơ sở.

“Nhiệm kỳ này, Đại hội đã đưa ra những nội dung, phương hướng rất rõ ràng. Tổ chức Mặt trận các cấp quyết tâm tập hợp khối đoàn kết trong các tầng lớp nhân dân, tạo sự đồng thuận, đổi mới nội dung phương thức hoạt động, hướng mạnh về cơ sở, thực hiện tốt công tác giám sát phản biện xã hội, góp phần sớm đưa Thanh Hóa trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, làm tiền đề xây dựng tỉnh kiểu mẫu”- bà Phạm Thị Thanh Thủy nhấn mạnh.

Anh Tuấn

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/mat-tran/huong-ve-co-so-gan-bo-voi-nhan-dan-tintuc447276