Hướng về dân, lo cho dân

'Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt', những năm qua, Bộ đội Biên phòng Lào Cai luôn hướng về cơ sở, chăm lo cho bà con có cuộc sống vật chất và tinh thần tốt hơn, góp phần xây dựng thế trận biên phòng toàn dân vững chắc, biên giới hòa bình và phát triển.

Cán bộ Đồn Biên phòng Bát Xát (Lào Cai) dạy lớp chống tái mù chữ cho đồng bào trên địa bàn.

Giúp dân xóa nghèo bền vững

Vượt con đường dốc cao, quanh co dưới tán rừng trồng xanh mát, chúng tôi đến ngôi nhà của anh Sùng A Cá, dân tộc Mông, ở thôn Bản Pho, xã biên giới A Mú Sung, huyện Bát Xát (Lào Cai). Khác với mấy năm trước tôi đã từng đến, ngôi nhà hôm nay được làm vững chãi, có chuồng trại chăn nuôi tách riêng, hợp vệ sinh. Anh Cá là một trong những hộ gia đình nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, đông con, bố mẹ già yếu thường xuyên đau ốm đã được cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng A Mú Sung góp tiền mua tặng đôi lợn giống và làm giúp chuồng trại để chăn nuôi, thoát nghèo. Anh Cá hồ hởi khoe, nhờ có lợn giống của Bộ đội Biên phòng tặng để nuôi lớn, Tết Nguyên đán vừa rồi vợ chồng anh bán lợn thịt được hơn mười triệu đồng, bớt lại tiền mua đôi lợn giống tiếp tục chăn nuôi, còn lại dùng để trang trải, ăn Tết và cho hai con đến trường học, cuộc sống đã ổn định và đang khá lên. Thượng tá Trần Văn Khoa, Chính trị viên Đồn Biên phòng A Mú Sung cho biết, trong năm 2017, cán bộ và chiến sĩ của Đồn đã quyên góp và trích quỹ tăng gia của đơn vị được hơn 40 triệu đồng để tặng lợn giống cho 10 hộ đồng bào nghèo ở địa phương, tạo nguồn thu nhập ổn định, cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống, không phải đi làm thuê bấp bênh, nhiều rủi ro. Đơn vị đã hỗ trợ hơn 130 ngày công giúp dân sửa chữa nhà ở, làm đường giao thông, kênh mương thủy lợi, khai hoang phục hóa đất canh tác…

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng 257 Bát Xát quyên góp, vận động doanh nghiệp, nhà hảo tâm tặng trâu sinh sản cho hộ gia đình anh Vàng A Đoàn, dân tộc Giáy, ở thôn Tân Hồng, xã Bản Qua. Nhờ có con trâu của Bộ đội Biên phòng, có sức kéo, gia đình anh Đoàn tích cực làm ruộng, nương, trồng lúa, ngô, khoai sọ và cho thuê trâu kéo gỗ rừng trồng cho nên đã thoát nghèo, cuộc sống ngày càng khá lên. Cán bộ, chiến sĩ Đội vận động quần chúng và Trạm Biên phòng Lũng Pô của Đồn A Mú Sung thường xuyên bám bản, xuống nhà đồng bào Mông định cư ở thôn Lũng Pô 2 giúp công sức vỡ đất, hướng dẫn kỹ thuật trồng và thu hoạch dứa, chuối xuất khẩu. Hơn 20 hộ đồng bào dân tộc Mông ở đây, mỗi nhà có từ 2 đến 3 ha đất đồi nương để trồng chuối, dứa bán cho thị trường Trung Quốc, có nguồn thu nhập ổn định, nhiều hộ đã giàu lên, như các gia đình Ma Seo Páo, Hầu Seo Chu, Sùng Thị Mai, thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Nhờ có Bộ đội Biên phòng giúp sức, cả thôn Lũng Pô 2 giờ đây không có hộ đói, chỉ còn một hộ nghèo, do hoàn cảnh éo le. Thực hiện chương trình giúp dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững, năm 2017, Bộ đội Biên phòng tỉnh Lào Cai đã trao 76 con lợn giống, hai con trâu sinh sản, một con ngựa giống, hơn 50 nghìn cây giống các loại (quýt, chuối, dứa…); giúp hơn 1.500 ngày công tu sửa nhà, làm đường, khai hoang phục hóa đất canh tác, chăm sóc cây trồng và vật nuôi và gần 500 triệu đồng tiền mặt, giúp các gia đình khó khăn phát triển kinh tế, tổng trị giá hàng tỷ đồng.

Nâng bước chân em đến trường

Trong bữa cơm trưa tại nhà ăn của Đồn Biên phòng A Mú Sung, ngồi bên cạnh chúng tôi là ba “chiến sĩ nhí”, người dân tộc Mông đang “cùng ăn, cùng ở” với cán bộ, chiến sĩ của đơn vị. Đây là ba cháu được nuôi, dạy học và sinh hoạt tại Đồn. Đơn vị còn nhận đỡ đầu ba học sinh khác, chu cấp mỗi cháu 500 nghìn đồng/tháng, theo chương trình “Nâng bước chân em đến trường” của Bộ đội Biên phòng tỉnh. Trung tá Bùi Văn Sơn thuộc Đội vận động quần chúng, hằng ngày đưa các cháu đến lớp học, cách Đồn 12 km. Đồng chí Bùi Văn Nguyên kèm cặp, dạy thêm cho các cháu học vào buổi tối. Nhờ vậy, các cháu đều học khá, ngoan ngoãn, kỹ năng sống tốt hơn. Ở Đồn Biên phòng 257, ngoài nhận đỡ đầu cho năm học sinh nghèo có hoàn cảnh khó khăn, đơn vị còn mở lớp chống tái mù chữ dành cho 28 học viên là các mẹ, các chị người Mông, Dao ở thôn San Bang. Sau hai năm học, các mẹ và các chị đã đọc thông, viết thạo trở lại, góp phần tích cực phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa ở địa phương.

Không chỉ có các đơn vị nêu trên mà tất cả các Đồn Biên phòng ở Lào Cai đều thực hiện chương trình “Nâng bước chân em đến trường”. Đến nay, Bộ đội Biên phòng Lào Cai đã nhận đỡ đầu 69 cháu học sinh nghèo có hoàn cảnh khó khăn để bảo đảm cho các cháu có cuộc sống ổn định, được đến trường học. Các đồn, trạm biên phòng trong tỉnh có nhiều cách làm sáng tạo, kinh nghiệm hay để đỡ đầu, hỗ trợ các học sinh có hoàn cảnh khó khăn, như: “Hũ gạo tình thương nâng bước em tới trường”, “Lớp học buổi tối”… Đáng chú ý với mô hình “ Nhận nuôi dưỡng”, đến nay có 11 cháu học sinh hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn được các Đồn biên phòng nhận nuôi dưỡng tại đơn vị, tiêu biểu như các Đồn Biên phòng: A Mú Sung, Si Ma Cai, Y Tý… Bên cạnh đó, các đơn vị Biên phòng đã phối hợp Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thành phố mở 44 lớp xóa mù chữ cho 830 học sinh; giúp các nhà trường gần hai nghìn ngày công tu sửa lớp học; ủng hộ Quỹ khuyến học các cấp gần 400 triệu đồng. Còn rất nhiều việc làm của Bộ đội Biên phòng Lào Cai hướng về dân, chăm lo, hết lòng vì dân để có cuộc sống tốt hơn.

Đáp lại tình cảm gắn bó, tấm lòng tận tụy vì dân của những người lính mang quân hàm xanh, đồng bào các dân tộc Mông, Dao, Phù Lá, Hà Nhì, Xa Phó, Nùng… trên suốt rẻo cao biên giới Lào Cai đã nỗ lực sản xuất, tham gia hàng nghìn ngày tuần tra cùng Bộ đội Biên phòng, đóng góp hàng nghìn ngày công phát quang đường biên, bảo vệ cột mốc, cung cấp nhiều nguồn tin có giá trị cho Bộ đội Biên phòng để xây dựng và bảo vệ biên giới hòa bình, vững chắc và phát triển.

Bài và ảnh: QUỐC HỒNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/36429402-huong-ve-dan-lo-cho-dan.html