Hút khách du lịch từ sự hấp dẫn của di sản

Chúng tôi đến Làng văn hóa-du lịch các dân tộc (VHDLCDT) Việt Nam vào một ngày của Tuần 'Đại đoàn kết các dân tộc-Di sản văn hóa Việt Nam' năm 2018.

Trong nếp nhà sàn, bên ché rượu cần cùng hương cà phê Buôn Mê quyến luyến, bà con Tây Nguyên say sưa với những điệu cồng, bài hát của dân tộc mình; tiếng nhạc, tiếng hát, điệu múa dường như cứ kéo dài mãi, níu chân những vị khách ham vui, thích hiểu biết...

Nơi tái hiện di sản

Nghệ nhân Đinh Ply, dân tộc Ba Na đến từ Tơ Tung, KBang (Gia Lai) là người được tín nhiệm ở quê hương anh hùng Núp. Với ông, tiếng cồng chiêng là thứ tiếng tâm hồn của người Tây Nguyên. Không chỉ nghe gần, với cách khoảng 5-10km, âm thanh cồng chiêng còn có khả năng khiến con người trở nên gần gũi, đồng điệu với nhau hơn. Vì thế, hiện nay làng của ông có 4 đội cồng chiêng ở các lứa tuổi, mỗi đội khoảng 30 người. Ông cùng đồng bào mình ra Làng VHDLCDT để giao lưu, học hỏi về văn hóa các dân tộc anh em và thực hiện phục dựng một số phong tục của người Ba Na. Qua giao lưu, ông nhận thấy, các dân tộc Việt Nam có nhiều nét gần gũi, tương đồng. Dân tộc nào cũng có những nghi lễ quan trọng trong cuộc đời con người, tưởng nhớ tổ tiên, trân trọng quá khứ, tiền nhân…

Dẫn chúng tôi dạo quanh một vòng quanh Làng VHDLCDT, chị Lê Thị Mận, hướng dẫn viên của làng cho biết, không gian trưng bày nhà ở của 18 dân tộc Trường Sơn Tây Nguyên nổi bật là những ngôi nhà rông cao vút, những ngôi nhà sàn dài, những bức tượng gỗ đặc trưng tái hiện cuộc sống của bà con Tây Nguyên. Không gian này nằm trong Làng VHDLCDT có tổng diện tích khoảng 1.544ha, chia làm 7 khu chức năng, trong đó khu các làng dân tộc là linh hồn, trái tim của toàn bộ dự án. Ở đây, ngoài các hoạt động biểu diễn, làng còn chú ý những chi tiết để bà con các dân tộc cảm nhận được không gian sống của họ với môi trường, cảnh quan tự nhiên mà họ cảm thấy gần gũi, chân thành giữa các dân tộc anh em. Làng VHDLCDT không chỉ bảo tồn những dân ca, dân vũ mà còn bảo tồn các phong tục, tập quán, tri thức dân gian trong cộng đồng, tại cộng đồng một cách bền vững, nhắc nhớ bà con về lịch sử, giáo dục những thế hệ mai sau về việc gìn giữ những phong tục tập quán…

Bà con Tây Nguyên biểu diễn tại Làng Văn hóa - du lịch các dân tộc Việt Nam.

Những người lưu giữ bản sắc văn hóa dân tộc

Ban đầu, để xây dựng Làng VHDLCDT, khâu đầu tiên khó nhất là thuyết phục người dân lên sống ở làng. Ban lãnh đạo phải thuyết phục cả bà con, những người có uy tín trong cộng đồng rồi đến chính quyền địa phương. Về sau, chính những người đã lên làng sinh sống trở thành hạt nhân văn hóa, tuyên truyền cho những người ở địa phương luân phiên đến ở tại làng. Đặc biệt, Làng VHDLCDT khuyến khích các nghệ nhân, già làng, trưởng bản, những người có uy tín ở các vùng, miền tham gia xây dựng “ngôi nhà thứ hai”, để họ thổi lửa tình yêu bằng chính những giá trị mà họ đang lưu giữ, đặc biệt cho những người trẻ. Nhiều bạn trẻ đến Làng VHDLCDT đã hào hứng tập luyện, sưu tầm các nghi thức dân gian, các nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Em Y Thoa, 17 tuổi, người làng Tê Rông, xã Văn Lem, huyện Đắk Tô (Kon Tum), mời khách thưởng thức ly cà phê Ban Mê thơm nức, ánh mắt biết cười, em cho biết đã đến Làng VHDLCDT ở được 3 tháng. Không gian, con người quen thuộc, lại được đi cùng hai người bạn thân khi ở quê nhà nên Y Thoa nhanh chóng hòa nhập cuộc sống ở “làng mới”.

Trong Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc-Di sản văn hóa Việt Nam” năm 2018, ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Ban quản lý Khu các làng dân tộc, Làng VHDLCDT, có lẽ là người bận rộn nhất. Ông đi từ khu làng này sang khu làng khác để nói chuyện với bà con. Lúc ông nói chuyện với đồng bào người Ba Na, Cơ Tu về những giá trị cốt lõi cần phát huy của đồng bào Tây Nguyên, về những di sản ngày càng trở nên quý báu của họ. Lúc sau ông đã ở nhà của người dân tộc Khơ Mú để bàn bạc với nghệ nhân Quàng Văn Cá (bản Tọ Cuông, xã Ẳng Tở, huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên) để chuẩn bị cho những lễ hội giới thiệu không gian chung của Tây Bắc… Chia sẻ với chúng tôi, ông Nguyễn Thanh Sơn cho biết: “Làng VHDLCDT mong bảo tồn di sản văn hóa tại làng. Nhưng quan trọng hơn cả là chủ thể các dân tộc có ý thức tự gìn giữ, bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa của dân tộc mình hay không. Điều này phụ thuộc vào từng nhóm cộng đồng, từng địa phương và cần được chính quyền địa phương quan tâm. Thực sự khi được quan tâm đầy đủ như thế, thì đó là cơ hội tốt để đồng bào bảo tồn, phát huy các giá trị dân tộc, không chỉ ở địa phương mà mang các giá trị đó để giao lưu với các dân tộc anh em; đồng thời quảng bá văn hóa Việt Nam với du khách quốc tế. Đặc biệt, chúng tôi có chính sách ưu tiên với bà con vùng biên giới, vùng căn cứ cách mạng. Việc quan tâm, củng cố niềm tin của đồng bào dân tộc thiểu số vùng biên giới, vùng căn cứ cách mạng, vừa như tấm lòng tri ân với đồng bào, vừa củng cố niềm tin, tự hào của họ về giá trị văn hóa dân tộc mà mình lưu giữ. Đó là sức mạnh nội sinh quan trọng để bà con chủ động vươn lên bảo vệ bản làng, bảo vệ phên giậu Tổ quốc”.

Bài và ảnh: HUY AN

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/xa-hoi/du-lich/hut-khach-du-lich-tu-su-hap-dan-cua-di-san-555432