Hút thuốc lá thụ động: Nguy cơ mắc bệnh cao

Các chất độc hại trong thuốc lá được xem là nguyên nhân gây ra 25 loại bệnh tật đối với cơ thể con người; đặc biệt nghiêm trọng tới bệnh tim mạch, dễ dẫn đến nguy cơ tử vong nhất. Chính vì vậy, Ngày Thế giới Không thuốc lá (31/5/2018) được Tổ chức Y tế Thế giới chọn chủ đề là 'Thuốc lá và bệnh tim mạch'.

Hút thuốc lá thụ động có nguy cơ mắc bệnh cao hơn người hút thuốc lá chủ động

Ông Lương Ngọc Khuê - Giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế) cho biết, tại Việt Nam có 33 triệu người không hút thuốc nhưng thường xuyên hít phải khói thuốc.

Theo phân tích của chuyên gia y tế, khi hút một điếu thuốc lá sẽ tạo ra 4 dòng khói: Khói do người hút thuốc lá hút trực tiếp vào cơ thể (dòng khói chính); khói cháy ở đầu điếu thuốc lá tỏa ra môi trường; luồng khói do người hút thuốc hút vào và thở ra môi trường và tàn dư của khói thuốc lá lơ lửng trong môi trường sau khi hút thuốc lá. Với 4 loại khói này, người hút thuốc lá chủ động sẽ hút vào dòng khói chính, còn người hút thuốc lá thụ động sẽ hít phải 3 loại còn lại (dòng khói phụ). Khói thuốc lá có thể lan khắp nhà, không bị giới hạn trong các khu vực nhất định, thậm chí cả khi mở cửa sổ.

Chính vì thế, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, hút thuốc thụ động có nguy cơ mắc các bệnh ung thư phổi, nhiễm trùng đường hô hấp, các bệnh về tim mạch… cao hơn người hút thuốc lá chủ động. Trong đó, nguy cơ mắc bệnh động mạch vành ở những người hút thuốc thụ động cao hơn 25 - 30% so với những người không hít phải khói thuốc.

Người hút thuốc lá thụ động cũng dễ mắc bệnh thiếu máu cục bộ tim, nhiễm trùng đường hô hấp dưới, hen suyễn và ung thư phổi là nguyên nhân phổ biến nhất của người chết liên quan đến khói thuốc lá.

Đặc biệt, trẻ em và phụ nữ có thai là đối tượng có nguy cơ tử vong cao nhất khi hít phải khói thuốc lá. Nguyên nhân là do phổi của trẻ chưa phát triển hoàn thiện và nhạy cảm hơn với các chất kích thích và chất độc trong khói thuốc. Nếu trẻ thường xuyên hít phải khói thuốc lá sẽ làm tăng tỷ lệ mắc các bệnh như hen suyễn, bệnh đường hô hấp dưới, viêm phế quản, viêm tai giữa, giảm sự phát triển chức năng phổi, tăng nguy cơ đột tử ở trẻ sơ sinh...

Cũng có những nghiên cứu cho thấy liên kết giữa việc tiếp xúc của trẻ với khói thuốc lá và khả năng học tập, triệu chứng tăng động giảm tập trung, hen suyễn, u lympho, bệnh bạch cầu và các bệnh dị ứng như viêm mũi, viêm da và dị ứng thực phẩm.

Nhiều bằng chứng khoa học còn chỉ ra, phụ nữ mang thai hít phải khói thuốc lá có thể gây biến đổi sự phát triển của bào thai, dễ sảy thai, đẻ non hoặc sinh con nhẹ cân. Phụ nữ có sức khỏe tốt nhưng nếu bị tác động tiêu cực của khói thuốc lá cũng làm tăng nguy cơ ung thư vú.

Đánh giá về những tác hại của việc hút thuốc lá, đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam cho hay, tổn thất do thuốc lá gây ra vượt xa phạm vi sức khỏe cộng đồng. Vì thế, các bạn trẻ hãy từ bỏ thuốc lá trước khi quá muộn; còn với những người đang hút thuốc hãy nói không với việc hút thuốc lá trong nhà, cơ quan làm việc và các địa điểm vui chơi giải trí cấm hút thuốc, để không gây hại tới sức khỏe cho những người khác.

Thống kê cho thấy, tỷ lệ hút thuốc lá thụ động của trẻ em chiếm gần 50%. Nếu cả bố và mẹ cùng hút thuốc thì nguy cơ đó còn tăng hơn nữa.

Thanh Tâm

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/hut-thuoc-la-thu-dong-nguy-co-mac-benh-cao-107031.html