Hữu tình Điệp Sơn

Điệp Sơn thu hút du khách trong nước và quốc tế không chỉ bởi 'con đường đi bộ trên biển' với dòng nước hai bên 'nóng - lạnh' khá độc đáo ở phía mũi Tu Hài của hòn Ó mà khách đến đây còn cảm nhận được cái tình của người dân, của những người làm du lịch.

Điệp Sơn (Vạn Ninh, Khánh Hòa) là tên gọi của thôn đảo Điệp Sơn gồm 8 hòn đảo lớn nhỏ nằm chơi vơi trong vùng biển thuộc vịnh Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa. Tại thôn đảo này có khoảng 80 hộ dân với vài trăm nhân khẩu, sống chủ yếu bằng nghề chài lưới. Việc sinh hoạt của người dân trên đảo còn gặp nhiều khó khăn vì chưa có điện chiếu sáng và thiếu nước sinh hoạt. Thế nhưng, cũng như ngư dân của những nơi khác trên khắp đất nước Việt, họ rất thân thiện, dễ gần và chan hòa.

Đảo Phật hút khách vì có con đường đi bộ trên biển độc đáo hòa với màu xanh của nước biển tạo thành một bức tranh thủy mặc hữu tình, thơ mộng.

Đảo Phật hút khách vì có con đường đi bộ trên biển độc đáo hòa với màu xanh của nước biển tạo thành một bức tranh thủy mặc hữu tình, thơ mộng.

Đảo Điệp Sơn mang dáng vẻ kiêu sa, kiều diễm với bãi cát dài trắng xóa, làn nước biển trong xanh như níu chân du khách. Ở đây còn khá hoang sơ, chưa có nhiều dịch vụ phục vụ khách du lịch ngoài chèo thuyền kayak và chụp ảnh với những chú chim đại bàng (chim được nhóm bạn trẻ thuần nuôi, đưa ra đảo cho khách thuê chụp hình). Dẫu vậy, mục đích của hầu hết khách du lịch khi tới Điệp Sơn là mong muốn được trải nghiệm và tận mắt chứng kiến “con đường đi bộ trên biển” nên dù dịch vụ “còn nghèo nàn” cũng không làm suy giảm nhiều cảm xúc của du khách.

Theo chia sẻ của bà Đào Thị Long, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Đầu tư Du lịch Nha Trang Đông Đô (Công ty Nha Trang Đông Đô), người gắn bó với Điệp Sơn từ những ngày đầu làm du lịch, toàn bộ cây xanh trên đảo được giữ nguyên, anh em chỉ cải tạo bờ biển ven đảo cho du khách tham quan. Những người làm du lịch ở đây luôn mong muốn cố gắng giữ được vẻ đẹp hoang sơ, môi trường trong sạch ở những hòn đảo để giữ mãi vẻ đẹp tự nhiên, níu chân du khách.

Những chiếc chòi được dựng từ tre, mái lá để khách nghỉ ngơi.

Du khách thích thú khi được trải nghiệm con đường đi bộ giữa biển.

Chở chúng tôi đi vòng quanh đảo Phật nằm trên chiếc cano cao tốc, bà Long bộc bạch, để có được màu xanh của đảo như ngày hôm nay là cả một sự nỗ lực. “Những ngày đầu (năm 2016) ra Điệp Sơn làm du lịch, nơi đây tràn ngập rác thải. Chúng tôi phải thuê trung bình 30 nhân công một ngày để dọn rác quanh đảo. Phải mất 3 tháng, rác thải mới được thu gom hết và chở bằng ghe về đất liền. Từ đó đến nay đã hơn 3 năm, mỗi ngày có ít nhất 3 nhân công thường xuyên đi quanh đảo thu gom rác thải trôi dạt vào để bảo đảm các hòn đảo luôn sạch đẹp”, bà Long chia sẻ.

Du khách trước khi lên cano để đi đảo đều được khuyến cáo không dùng chai nhựa đựng nước mang ra đảo. Chia sẻ với chúng tôi, ông Trịnh Minh Đại Anh, Công ty Nha Trang Đông Đô, cho biết: “Với phương châm nói không với rác thải nhựa, đơn vị đã chuẩn bị sẵn nước bình mang từ bờ ra đảo phục vụ miễn phí du khách. Để hạn chế rác thải nhựa, tạo môi trường trong sạch, đơn vị hạn chế bán nước ngọt bằng chai nhựa cho khách”.

Để đảm bảo hòn đảo luôn sạch, xanh, những người làm du lịch ở đây luôn phải dọn dẹp rác thải thường xuyên mỗi ngày.

Ngay trên đảo, du khách đi một quãng lại có một giỏ đựng rác bằng tre. Cùng với việc dọn rác giúp đảo luôn sạch, những người làm du lịch ở đảo Phật nằm còn tạo các chòi nhỏ cho khách nghỉ ngơi sau khi tắm biển. Bà Long luôn tâm niệm phải giữ được vẻ đẹp hoang sơ của thiên nhiên thì mới níu giữ được du khách. Vì vậy, ngay từ đầu, để dựng các chòi, không gian nghỉ ngơi cho khách, bà đã chọn những vật liệu thân thiện với môi trường là gỗ, tre, mái lá, hạn chế sử dụng vật liệu bê tông cốt thép.

Nghinh Phong

Nguồn CL&XH: http://conglyxahoi.net.vn/van-hoa/huu-tinh-diep-son-23370.html