'Huy chương vàng Olympic không đánh giá trình độ Toán học quốc gia'

Theo PGS.TSKH Vũ Đình Hòa, trong lĩnh vực nghiên cứu về Toán, sản phẩm của các nhà khoa học luôn đóng góp cho quốc tế chứ không phải chỉ riêng quốc gia nào.

Theo thầy Trần Phương - Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Tài năng (Liên hiệp Các hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam) - khoảng 80% những người đoạt huy chương Olympic quốc tế đều đi du học và làm việc tại nước ngoài.

Ông cho rằng chúng ta nên có cách nhìn cởi mở hơn với du học sinh. Chỉ cần trái tim và khối óc của họ nghĩ đến Việt Nam là họ sẽ biết cách giúp ích cho đất nước mà không nhất thiết phải ở trong nước.

PGS.TSKH - người đoạt huy chương bạc Olympic quốc tế đầu tiên, nhiều năm đưa học sinh đi thi Olympic Toán học (IMO) - có bài viết đăng trên Zing.vn liên quan vấn đề này.

Mục tiêu của IMO là nâng cao sự say mê Toán học

Những ngày gần đây, nhiều người Việt Nam rất phấn khởi trước thành tích đội tuyển Olympic Toán xếp thứ ba thế giới với tổng điểm 155, 4 huy chương vàng, một thí sinh đạt 35 điểm (cùng với 2 thí sinh nước ngoài đạt điểm cao nhất).

Trước đây nhiều năm, chúng ta từng đạt thành tích này. Đội tuyển Toán Việt Nam cũng xếp thứ ba năm 1999 với tổng điểm 177, sau Trung Quốc và Nga (cùng đạt điểm 182). Em Lê Thái Hoàng đạt 38 điểm, cao nhất kỳ thi. Năm đó, em Hoàng được tổng thống Rumani trao huy chương vàng.

Năm 2007, đội tuyển Việt Nam cũng đạt 168 điểm như Hàn Quốc và cùng chia sẻ vị trí thứ ba (sau Nga 184 điểm và Trung Quốc 181 điểm).

Đội tuyển Việt Nam dự thi Olympic thi Toán quốc tế 2017. Ảnh: Hoàng Hiệp.

Tuy nhiên, mục tiêu của phong trào IMO chỉ là nâng cao sự say mê Toán học cho học sinh phổ thông, vì vai trò của tư duy Toán trong khoa học nói chung và các ngành khoa học mũi nhọn của thế kỷ là Sinh học và Công nghệ Thông tin nói riêng.

Cũng vì mục tiêu này, hội đồng IMO luôn trao giải cho 50% học sinh có điểm cao nhất. Do các nước đang phát triển tham gia IMO ngày càng nhiều, điểm chuẩn cho huy chương vàng xuống rất thấp trong những năm sau này. Năm nay, điểm huy chương vàng được biểu quyết xuống đến 25 điểm, mức thấp kỷ lục, khó còn có thể xuống thấp hơn nữa.

Chỉ số thành tích IMO là số đo cho sự say mê Toán học của học sinh, nhưng không thể coi là tiêu chuẩn đánh giá trình độ Toán học của quốc gia.

Trong năm nay, các cường quốc khoa học và Toán như Nga và Mỹ đều có thành tích IMO kém hơn đội tuyển Việt Nam. Thậm chí, một đất nước nhỏ nhưng cũng là quốc gia hàng đầu trong Toán học như Israel luôn “lẹt đẹt” với thứ hạng thấp cũng chỉ xếp thứ 32.

Nhưng cũng phải nói rõ, tất cả nước tham gia IMO đều “cay cú” và đầu tư cho đội tuyển quốc gia của mình, chứ không phải bàng quang bỏ mặc như một số người nói.

Mất những thầy giỏi là điều đáng tiếc

Mới đây, rất ngẫu nhiên, tôi gặp một học trò cũ trên máy bay từ Vinh về Hà Nội. Qua trò chuyện, tôi biết rất nhiều học sinh cũ đoạt giải quốc tế hiện ở lại nước ngoài làm việc. Tôi không thấy tiếc cho các em, cũng như không thấy tiếc cho đất nước.

PGS.TSKH Vũ Đình Hòa - một trong những người đoạt huy chương toán quốc tế đầu tiên năm 1974. Nhiều năm, thầy Hòa là trưởng đoàn Việt Nam dự Olympic Toán quốc tế. Ảnh: Quyên Quyên.

Trong lĩnh vực nghiên cứu về Toán, sản phẩm của các nhà toán học luôn đóng góp cho quốc tế chứ không phải riêng quốc gia nào. Đất nước Việt Nam chúng ta hưởng lợi từ những công trình nghiên cứu của các em ở nước ngoài cũng đúng như khi các em làm việc trong nước.

Bên cạnh đó, sản phẩm của các nhà giáo là sản phẩm trực tiếp và hết sức quan trọng phục vụ nước nhà. Nếu một nhà giáo giỏi bỏ đất nước ra đi thì đấy là mất mát đáng kể.

Tôi từng làm việc ở viện nghiên cứu và trường học. Tôi biết rất rõ các nhà giáo Việt Nam vất vả hơn các nhà nghiên cứu như thế nào để bảo đảm giảng dạy tốt. Vì thế, Nhà nước cần và phải có chính sách tốt đối với các giảng viên vì vai trò vô cùng lớn của họ đối với sự phát triển của đất nước.

Tôi từng được nghe rằng thế hệ những nhà toán học đầu tiên của Nhật Bản đã thống nhất với nhau tập trung giảng dạy và truyền bá kiến thức để thế hệ thứ hai và sau nữa đi vào nghiên cứu đạt tới những đỉnh cao Toán học.

Đất nước chúng ta mới chập chững bước đi trên con đường nghiên cứu khoa học, vẫn còn nhiều bất cập, chưa thống nhất được cách nhìn nhận và đánh giá sản phẩm khoa học, cũng như sử dụng chúng.

Nhưng những thành tích trong phong trào IMO cho chúng ta một niềm hy vọng là tiềm năng Toán học của đất nước Việt Nam có thật và chúng ta sẽ có trong tương lai những thành quả khoa học hàng đầu.

Thực sự, phong trào IMO nói riêng và phong trào học sinh giỏi Toán nói chung đã đào tạo cho đất nước một đội ngũ các nhà toán học mà đỉnh cao là giải thưởng Fields của Ngô Bảo Châu.

Tất nhiên, thành quả của Ngô Bảo Châu chưa phải hoàn toàn chỉ là công lao đào tạo trong nước, nhưng tôi tin tưởng là trong tương lai chúng ta sẽ đạt được những đỉnh cao mới thật sự “made in Vietnam”…

6 chàng trai đoạt giải Olympic Toán về đến Hà Nội Sáng 25/7, đội tuyển Việt Nam dự Olympic Toán quốc tế về đến sân bay Nội Bài. Năm nay, 6 học sinh đều giành huy chương, trong đó có 4 huy chương vàng.

PGS.TSKH Vũ Đình Hòa
Huy chương bạc Olympic Toán quốc tế năm 1974

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/huy-chuong-vang-olympic-khong-danh-gia-trinh-do-toan-hoc-quoc-gia-post766680.html