Huy động 60 tỷ USD trong dân bằng cách nào?

Chưa có cơ sở khẳng định con số 60 tỷ USD nhưng nguồn lực trong dân còn tương đối lớn, để huy động được cần có cơ chế, chính sách cụ thể.

Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam vừa qua, chuyên gia Ngân hàng Thế giới rằng, Việt Nam có tới 60 tỷ USD nằm trong dân và cần phải nghiên cứu cách huy động được nguồn vốn nhàn rỗi này của người dân.

Bình luận về thông tin này, TS Bùi Đức Thụ, Phó trưởng ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, yêu cầu phát triển kinh tế của Việt Nam rất lớn và để thực hiện được mục tiêu phát triển kinh tế, một trong những vấn đề đặt ra là phải huy động được các nguồn lực trong và ngoài nước, thu hút đầu tư.

Về nguồn lực trong nước, với GDP hơn 220 tỷ USD (năm 2017), tỷ trọng tiêu dùng cuối cùng chiếm trên 70%, vì thế phần còn lại để tiết kiệm nội địa, đầu tư tích lũy còn hết sức hạn chế. Dù vậy, TS Bùi Đức Thụ khẳng định, nguồn lực tích lũy nội địa của nền kinh tế Việt Nam chưa được huy động hết.

Minh chứng cho điều này, TS Bùi Đức Thụ chỉ rõ, lượng vàng và ngoại tệ trong dân, kể cả tiền đồng Việt Nam còn tương đối lớn. Sở dĩ có tình trạng này là do nhiều nguyên nhân.

Nguyên nhân thứ nhất và quan trọng nhất là để chống USD hóa, chống vàng hóa, trong quản lý điều hành chính sách tiền tệ những năm gần đây Việt Nam chủ trương các tổ chức tín dụng không được phép huy động vàng, chỉ được giữ hộ vàng và khách hàng phải trả phí cho hoạt động gửi vàng giữ hộ, còn đối với USD dù có nhận tiền gửi nhưng trần lãi suất bằng 0%.

Vì lẽ đó, nhiều tổ chức, cá nhân có ngoại tệ và vàng nhưng không gửi trong ngân hàng và lượng tiền này nằm trong dân tương đối lớn.

Nguyên nhân thứ hai, việc điều chỉnh lãi suất tiền gửi đối với VND chưa thật phù hợp. Trong 6 tháng đầu năm 2018, chỉ số lạm phát của Việt Nam là 3,29% và con số này đến cuối năm có khả năng trên dưới 4%, trong khi đó lãi suất tiền gửi tương đối thấp. Nếu trừ tỷ lệ lạm phát đi thì lãi suất thực đối với tiền gửi thấp, điều này ảnh hưởng đến việc huy động các nguồn lực, nguồn tiền nhàn rỗi bằng VND vào hệ thống ngân hàng.

"Các chuyên gia Ngân hàng Thế giới dự tính có khoảng 60 tỷ USD nằm trong dân nhưng đến giờ chưa có cơ sở nào để khẳng định con số đó vì quá trình quản lý nhà nước, kiểm soát của Việt Nam theo dòng tiền chưa quản lý được toàn bộ.

Chắc chắn nguồn lực tài chính trong dân vẫn còn tương đối lớn và mức độ bao nhiêu thì phải thông qua cơ chế, chính sách cụ thể mới thu hút được", ông Thụ nhấn mạnh.

Nguồn tiền nhàn rỗi trong dân còn tương đối lớn

Nguồn tiền nhàn rỗi trong dân còn tương đối lớn

Từ những phân tích trên, Phó trưởng ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận định, việc chống vàng hóa, chống USD hóa đối với quản lý tiền tệ là cần thiết để đảm bảo ổn định sức mua của VND để từ đó ổn định sản xuất, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ xuất khẩu. Tuy nhiên, lựa chọn phương pháp nào thì phải tính toán phù hợp.

Bên cạnh đó, việc quy định lãi suất thấp, lãi suất bằng 0% đối với 2 loại hàng hóa đặc biệt nói trên tuy tác động vào mục tiêu chống vàng hóa, chống USD hóa nhưng lại dẫn đến tình trạng một nguồn lực đáng kể trong dân không huy động được. Đó là điều cần suy nghĩ.

"Việc chống vàng hóa, chống USD hóa cần sử dụng tổng hợp nhiều biện pháp. Cần phải cân nhắc, đặc biệt trong điều kiện sự phát triển kinh tế của Việt Nam là nhiệm vụ chính trị số 1.

GDP Việt Nam nhỏ, bình quân trên đầu người thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới, nếu không tăng trưởng GDP thì không thể nào phát triển kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân.

Các yếu tố về chất lượng của nền kinh tế Việt Nam dù có chuyển biến nhưng còn chậm, tăng trưởng kinh tế vẫn phụ thuộc vào vốn là chính, nợ công của Việt Nam cao, nợ nước ngoài của quốc gia lớn...

Trong những điều kiện đó, huy động triệt để nguồn lực trong nước để đầu tư là cần thiết, trong đó có việc huy động triệt để lượng VND nhàn rỗi, huy động vàng, ngoại tệ trong dân, để tăng tổng đầu tư xã hội, phát triển kinh tế - xã hội ổn định, bền vững", TS Bùi Đức Thụ chỉ rõ.

Ông ghi nhận, những năm trước, do chất lượng nền kinh tế thấp kém, rủi ro lớn dẫn đến chất lượng hoạt động ngân hàng còn hạn chế, nhiều ngân hàng yếu kém, vốn nhỏ, nợ xấu tăng. Tuy nhiên, những năm gần đây, Chính phủ, Quốc hội đã ban hành nhiều nghị quyết, chính sách, giải pháp để xử lý vấn đề này và cho đến nay, tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng đã giảm xuống dưới 3%, an ninh tiền tệ đảm bảo.

Sự quản lý của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng chặt chẽ, đặc biệt đối với những ngân hàng yếu kém, nhằm thực hiện kiểm soát hoạt động ngân hàng, tránh khó khăn dẫn đến đổ vỡ, ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/tai-chinh/huy-dong-60-ty-usd-trong-dan-bang-cach-nao-3364230/