Huy động các nguồn lực cho phát triển giao thông nông thôn

Phát triển giao thông được xác định là nền tảng quan trọng để phát triển kinh tế-xã hội vùng nông thôn. Vì vậy, Đảng, Nhà nước đã dành nhiều nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực này.

Tuy nhiên, hệ thống giao thông nông thôn ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo vẫn còn nhiều khó khăn đòi hỏi các cấp, các ngành cần quan tâm đầu tư các nguồn lực nhiều hơn nữa.

Đường giao thông nông thôn ở xã Tân Hiệp A, huyện Tân Hiệp (Kiên Giang). Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN

Đường giao thông nông thôn ở xã Tân Hiệp A, huyện Tân Hiệp (Kiên Giang). Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Anh Tuấn đánh giá, khu vực nông thôn chiếm vị trí đặc biệt quan trọng trong quá trình xây dựng, phát triển và bảo vệ chủ quyền đất nước. Thực hiện Nghị quyết số 26-NQTW ngày 5/8/2008 của Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020. Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện, phát triển giao thông nông thôn trên cả nước đạt kết quả toàn diện. Kết cấu hạ tầng giao thông phát triển mạnh, nhiều công trình giao thông nông thôn được xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp và được thực hiện bảo trì thường xuyên.

Theo số liệu của Bộ Giao thông Vận tải, nếu giai đoạn trước năm 2010, hệ thống đường giao thông nông thôn (bao gồm đường huyện trở xuống) chưa được quan tâm đúng mức. Một số loại đường như ngõ, xóm, nội đồng... chưa được xem xét, đánh giá, chiều dài cũng như tỷ lệ cứng hóa còn rất thấp chỉ đạt 37,6%. Có 143 xã chưa có đường ô tô đến trung tâm xã, 331 xã đã có đường ô tô nhưng chưa được kiên cố hóa, chưa đi lại được bốn mùa, còn bị gián đoạn khi có thiên tai, mưa lũ.

Tuy nhiên, chỉ sau 10 năm triển khai các nghị quyết của Đảng và Chính phủ cả nước đã xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp và bảo trì sửa chữa gần 345.900 km đường, trên 31.360 cầu, gần 125.640 cống; giảm sâu số xã chưa có đường ô tô đến trung tâm xã còn 13 xã năm 2019; tăng tỷ lệ cứng hóa các loại đường giao thông nông thôn từ lên 68,69% vào năm 2019. Số xã đạt tiêu chí về đường giao thông nông thôn đạt 63,2%, vượt kế hoạch trước 1,5 năm so với mục tiêu đặt ra trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trong đó, tiêu chí giao thông nông thôn về đích trước hạn 1,5 năm.

Thứ trưởng Lê Anh Tuấn cho biết, để đạt được kết quả về phát triển giao thông nông thôn trong bối cảnh điều kiện kinh tế-xã hội còn nhiều khó khăn nhưng với nhiều cơ chế chính sách ưu tiên nên trong 10 năm qua tổng các nguồn vốn được huy động dành cho giao thông nông thôn lên tới 366.246 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn Bộ Giao thông Vận tải huy động để triển khai các chương trình đề án, dự án về giao thông nông thôn là 12.707 tỷ đồng từ nguồn vốn ODA, đối ứng của Chính phủ và đóng góp tự nguyện của tổ chức, cá nhân bằng hình thức xã hội hóa.

Nguồn vốn do các địa phương huy động là 353.539 tỷ đồng; trong đó, có 324.006 tỷ đồng vốn đầu tư xây dựng từ các nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ trực tiếp các địa phương, vốn ngân sách địa phương, vốn ODA của các địa phương, vốn xã hội hóa qua sự đóng góp của các tổ chức, doanh nghiệp, huy động từ nhân dân và hơn 29.530 tỷ đồng vốn bảo trì, từ nguồn của các địa phương cân đối bố trí, Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương…

Nhận xét về các nguồn lực dành cho phát triển giao thông nông thôn, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam đánh giá, việc phát triển giao thông nông thôn giúp kết nối các vùng miền từ trung ương đến vùng miền xa xôi của tổ quốc, tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế xã hội. Nếu quốc lộ, đường cao tốc là mạch máu kinh tế, kết nối trung tâm kinh tế, chính trị thì giao thông nông thôn có chức năng liên kết các vùng, khóm, ấp, thôn, tạo thành mạch máu giao thông từ Trung ương đến địa phương. Đây chính là lý do mà nhiều nguồn lực đã được Đảng, Nhà nước ưu tiên dành cho phát triển giao thông nông thôn thời gian vừa qua.

Mặc dù vậy, Thứ trưởng Lê Anh Tuấn cũng thừa nhận, hệ thống giao thông ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo vẫn còn nhiều khó khăn; cả nước hiện vẫn còn 13 xã chưa có đường ô tô đi đến trụ sở UBND; 101 xã có đường ô tô đến trụ sở UBND xã nhưng không đi lại được 4 mùa; rất nhiều xã đường chưa được cứng hóa lớp mặt, nên việc đi lại còn khó khăn, nhất là trong mùa mưa, lũ.

“Do đó, để xây dựng và phát triển nông thôn mới trong giai đoạn tiếp theo, cần tiếp tục có những định hướng rõ ràng, các giải pháp đồng bộ và sự quan tâm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc của tất cả các cấp, các ngành, đặc biệt là sự tham gia tích cực của chính những người dân vùng nông thôn”, Thứ trưởng Lê Anh Tuấn cho hay.

Theo đánh giá của các chuyên gia giao thông, sự phát triển của hệ thống giao thông nông thôn thời gian qua đã đóng góp không nhỏ cho sự phát triển kinh tế-xã hội của cả nước, đặc biệt là những vùng kinh tế khó khăn. Tuy nhiên sự phát triển này vẫn chưa theo kịp với tốc độ phát triển và tiềm lực của các vùng kinh tế sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp; chưa được phủ kín và chưa có sự kết nối liên hoàn với quốc lộ, tỉnh lộ, nhất là vùng sâu, vùng xa, miền núi, biên giới, hải đảo.

Đường nông thôn nhiều nơi chỉ có một làn xe, tiêu chuẩn kỹ thuật còn thấp, bảo đảm an toàn giao thông còn nhiều bất cập. Nhìn chung, chất lượng đường giao thông nông thôn ở nhiều địa phương chưa cao, chưa tạo thuận tiện cho đi lại, vận chuyển hàng hóa, ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân.

Chia sẻ về khó khăn trong phát triển giao thông nông thôn tại địa phương, ông Trần Văn Công, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Nam Định cho hay, cũng như nhiều địa phương khác, khi bắt đầu triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Nam Định cũng gặp những khó khăn chung; trong đó phải kể đến hệ thống đường giao thông hư hỏng, xuống cấp, nguồn vốn đầu tư cho hạ tầng giao thông hạn chế.

Tuy nhiên, xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, xuyên suốt của toàn Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh, vì vậy nhiều giải pháp đã được đề ra để thực hiện; trong đó có tiêu chí xây dựng phát triển hệ thống đường giao thông nông thôn. Qua dồn điền đổi thửa đã tạo được phong trào “Hiến đất, góp đất, đóng góp kinh phí làm đường giao thông nông thôn” sâu rộng đến thôn, làng, khu phố, hộ gia đình”.

Là tỉnh thường xuyên chịu ảnh hưởng của lũ thượng nguồn gây ảnh hưởng nghiệm trọng đến đời sống nhân dân, đặc biệt là hệ thống giao thông thường xuyên sạt lở, tuy nhiên, tỉnh Đồng Tháp đã có nhiều giải pháp phát triển giao thông nông thôn. Cụ thể, ông Lê Hoàng Bảo, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Đồng Tháp chia sẻ, 10 năm qua, hệ thống giao thông trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đã được đầu tư đồng bộ, tất cả 119 xã trong tỉnh đều có đường ô tô đến tới trung tâm xã đáp ứng nhu cầu đi lại phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Trong 10 năm qua tỉnh đã xây dựng mới 990 cầu nông thôn, xây dựng đường giao thông nông thôn với tổng chiều dài 515 km…

Cũng là tỉnh gặp nhiều khó khăn trong phát triển giao thông nông thôn, đại diện Sở Giao thông Vận tải tỉnh Gia Lai cho hay, nhà nước cần có cơ chế giảm sự đóng góp của người dân, tăng hỗ trợ từ ngân sách cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã có tỷ lệ người đồng bảo dân tộc thiểu số cao, những xã không có doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn để đảm bảo nguồn vốn thực hiện chương trình.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, nhiệm vụ trong thời gian tới phát triển giao thông nông thôn còn rất nặng nề; trong đó chỉ tiêu phấn đấu trong năm 2020 đạt 55% xã trên cả nước đạt chuẩn giao thông và năm 2025 tỷ lệ này sẽ là 75% và năm 2030 là 95%. Để đạt được các mục tiêu này, cần sự nỗ lực chung của toàn bộ hệ thống chính trị.

“Ngành giao thông vận tải sẽ quyết tâm thực hiện tốt nhất các chỉ đạo của Trung ương, sẽ huy động các nguồn lực không chỉ nguồn vốn ODA, vốn ngân sách mà cả ngân sách địa phương, huy động nguồn lực từ nhân dân để phát triển tốt giao thông nông thôn”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh.

Về giải pháp thực hiện trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đề nghị các Bộ, ngành kiến nghị Chính phủ, Quốc hội cùng các nhà tài trợ quốc tế hình thành Chương trình Phát triển giao thông nông thôn để qua đó đóng góp tích cực vào mục tiêu Thiên niên kỷ là xóa đói, giảm nghèo, cải thiện đời sống cho người dân. Bên cạnh đó, các bộ, ngành liên quan cần nghiên cứu cụ thể hóa các tiêu chí giao thông trong các tiêu chí nông thôn mới…

Quang Toàn (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/kinh-te/huy-dong-cac-nguon-luc-cho-phat-trien-giao-thong-nong-thon-20200124082915709.htm