Huy động nguồn lực xây dựng những miền quê đáng sống

Tại Hội nghị toàn quốc Tổng kết 10 năm Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2010 - 2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Nếu quan tâm tới người dân thì phải làm tốt chương trình xây dựng NTM vì số người hưởng lợi từ chương trình rất đông. Trong đó, đại đa số là người khó khăn, người nghèo, gia đình chính sách ở nông thôn, miền núi.

Đổi thay lớn nhờ sức dân

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2010 - 2020 triển khai trên toàn bộ vùng nông thôn Việt Nam, gồm 9.000 xã, 664 huyện của 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Lần đầu tiên xây dựng NTM được lượng hóa bằng 19 chỉ tiêu, nhóm chỉ tiêu. Đây vừa là mục tiêu phấn đấu, vừa là thước đo, vừa là cơ sở để giám sát kết quả thực hiện. Chỉ tiêu khái quát nhất là đến năm 2020, 50% số xã đạt chuẩn NTM. Nhìn lại 9 năm qua, theo Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, có thể thấy đây là chương trình rất trúng, rất đúng, đi vào lòng người, khai thác được sức mạnh tổng thể của cả hệ thống chính trị, kết hợp sức mạnh của từng người dân, tạo nên thành tích to lớn, toàn diện, lịch sử.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trò chuyện với nông dân Hà Tĩnh về những đổi thay khi xây dựng NTM

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trò chuyện với nông dân Hà Tĩnh về những đổi thay khi xây dựng NTM

Trong 9 năm, chúng ta đã huy động được nguồn lực lớn, đến 2,4 triệu tỷ đồng, trung bình mỗi năm huy động tương đương 10 tỷ đô-la Mỹ cho phát triển các thiết chế hạ tầng sản xuất, đời sống, văn hóa, xã hội. Chính vì thế, bộ mặt nông nghiệp, nông thôn Việt Nam thay đổi đáng kể, xanh hơn, sạch hơn, đẹp hơn, nhiều nơi thay đổi đến ngỡ ngàng. Sức dân là vô cùng to lớn trong thành công này. “Chúng ta làm hàng vạn ki-lô-mét đường giao thông nông thôn mà không mất một đồng tiền đền bù giải phóng nào, người dân sẵn sàng hiến đất, thậm chí hiến cả nhà, cả ngày công, tiền bạc” - Thủ tướng nói.

Cùng với quá trình xây dựng NTM, Việt Nam đã thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển, củng cố chắc chắn thế mạnh các ngành hàng trụ cột: Trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản với trên 10 mặt hàng có giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ đô-la Mỹ/năm. Nông nghiệp Việt Nam vào tốp đầu châu Á về kim ngạch xuất khẩu. Nếu so với mốc thực hiện Nghị quyết 26 (năm 2009), thu nhập lúc đó là 9,7 triệu đồng/người, cuối năm 2018 chúng ta đã đạt 35,9 triệu đồng/người - tăng 3,7 lần. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 19% năm 2009 xuống còn trên 4% hộ nghèo vào cuối năm nay.

Đặc biệt, quá trình xây dựng NTM đã tạo nên sự chuyển biến, thay đổi nhận thức sâu sắc của cán bộ đảng viên, toàn xã hội, của người dân về nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Qua đó khẳng định được rằng: Nông thôn, nông nghiệp Việt Nam, người nông dân Việt Nam ẩn chứa nhiều tiềm năng, thế mạnh và có một vị thế to lớn nếu biết khai thác, khơi dậy ở chính mỗi người dân và toàn xã hội.

Không có điểm kết thúc

“Các địa phương không được chủ quan, không được thỏa mãn với kết quả ban đầu này, phải luôn nhất quán quan điểm, xây dựng NTM chỉ có điểm đầu, chưa và không có điểm kết thúc. Trong 5 năm tới, các xã, huyện, tỉnh đã hoàn thành 19 chỉ tiêu giai đoạn 2010 - 2020 cần phải có mục tiêu cao hơn cả về sản xuất, đời sống, môi trường, đặc biệt là hoàn thiện hạ tầng”… là yêu cầu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với các địa phương khi triển khai xây dựng NTM thời gian tới.

Theo Thủ tướng, không có hợp tác xã kiểu mới, các tập đoàn lớn, không có những trang trại quy mô… khó có thể chuyển một nền nông nghiệp nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa. Muốn vậy, phải tổng huy động nguồn lực đầu tư bằng cơ chế, hình thức hợp tác công tư, xã hội hóa. Riêng ngân sách tập trung cần được tăng cường bằng 2 nhóm nguồn chính. Đó là đầu tư trung hạn 2021 - 2025 và chương trình mục tiêu quốc gia 2021 - 2025… Tất cả đều hướng tới mục tiêu nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, tạo diện mạo mới cho nông thôn, cải thiện hơn nữa chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn, miền núi… Làm sao để đến năm 2025, có 75% số xã đạt chuẩn NTM, 50% số huyện, thị xã đạt chuẩn hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, có ít nhất 9 tỉnh được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Đặc biệt, chất lượng cuộc sống của cư dân nông thôn được nâng cao, thu nhập bình quân tăng ít nhất 1,8 lần so với năm 2020.

Sau Hội nghị Tổng kết 10 năm xây dựng NTM, Thủ tướng yêu cầu, một chương trình tổng thể phải được chuẩn bị để đưa ra thông qua tại cấp ủy, chính quyền từng cấp, nhất là cấp tỉnh, huyện. Đặc biệt là ở những địa phương còn có nhiều huyện, xã chưa đạt danh hiệu NTM. Thành quả của chương trình sẽ là những miền quê xanh, sạch, đẹp và đáng sống; để mỗi người nông dân không chỉ yêu, gắn bó mà còn tự hào về quê hương mình.

T.H

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/huy-dong-nguon-luc-xay-dung-nhung-mien-que-dang-song-127406.html