Huy động nguồn vốn xã hội hóa để đầu tư phát triển

Xã hội hóa các dự án đầu tư trên nhiều lĩnh vực để huy động tổng lực nguồn vốn đã mang lại hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội bước đầu cho thành phố. Tuy nhiên, trước hàng loạt nhu cầu cấp bách về dân sinh, thành phố cần có thêm nhiều cơ chế, chính sách phù hợp để thu hút mạnh hơn và hiệu quả hơn nguồn vốn này.

Tháng 7-2017, cụm rạp chiếu phim hiện đại nằm trong khuôn viên Trung tâm Văn hóa quận 12 chính thức đi vào hoạt động. Đây được xem là mô hình đầu tiên của quận 12 và nhà đầu tư được thực hiện bằng hợp đồng BOT, theo hình thức PPP (đối tác công-tư) được UBND thành phố chấp thuận chủ trương với tổng mức đầu tư gần 45 tỷ đồng. Cụm rạp có quy mô sáu đến tám phòng chiếu với các trang thiết bị hiện đại và các công trình phụ trợ hoạt động bên cạnh cụm rạp chiếu phim. Theo hợp đồng BOT, sau 20 năm khai thác công trình sẽ được chủ đầu tư bàn giao lại cho quận sử dụng. Hằng tháng, ngoài nguồn thu nhà đầu tư phải đóng góp vào ngân sách, còn có những suất chiếu và vé xem phim miễn phí phục vụ các đối tượng chính sách, trẻ em nghèo và học sinh trên địa bàn quận. Phó Chủ tịch UBND quận 12 Trịnh Thị Mỹ Lan nhìn nhận: Với nguồn kinh phí có hạn từ ngân sách, thành phố chủ trương cho quận được huy động các nguồn lực khác để bổ sung nguồn vốn đầu tư như dự án xây dựng cụm rạp chiếu phim tại Trung tâm Văn hóa quận 12. Kết quả, từ khi hoàn thành đưa vào sử dụng đến nay, công trình đã phát huy hiệu quả, thu hút được đông đảo người xem trong và ngoài quận, góp phần làm phong phú nhu cầu vui chơi, giải trí cho cư dân một quận vùng ven có tốc độ đô thị hóa nhanh trong vài năm gần đây.

UBND quận đang tiếp tục kêu gọi các nhà đầu tư tham gia xã hội hóa vào các công trình giáo dục, y tế như xây dựng trường mầm non, bệnh viện (BV) trên địa bàn để giải quyết các nhu cầu về trường học, nơi khám chữa bệnh. Năm 2017, Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP Hồ Chí Minh (HFIC), BV quận 2 và Công ty cổ phần Đầu tư tư vấn dịch vụ y tế Y Đạo đã ký hợp tác xây dựng Khu khám và điều trị theo yêu cầu kỹ thuật cao theo hình thức PPP trong khuôn viên BV quận 2. Khu khám và điều trị theo yêu cầu kỹ thuật cao được xây dựng với tổng mức đầu tư 320 tỷ đồng, quy mô 100 giường bệnh cao cấp. Dự kiến công trình sẽ được triển khai xây dựng trong năm 2019. Theo Sở Y tế thành phố, đến thời điểm này, đây là bệnh viện quận đầu tiên thực hiện hợp tác công - tư xây dựng khu điều trị kỹ thuật cao.

Tổng Giám đốc HFIC Phạm Thị Hồng Hà nhận định: Trong bối cảnh hiện nay, công tác xã hội hóa trong lĩnh vực y tế rất cần thiết, nhất là đối với các tuyến y tế cơ sở. Việc huy động nguồn vốn xã hội hóa sẽ giúp các bệnh viện được trang bị thiết bị y tế hiện đại, thỏa mãn những yêu cầu cao của người dân trong khám, chữa bệnh, đồng thời giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên. Dẫn chứng về số lượng các dự án y tế và giáo dục đầu tư thực hiện xã hội hóa có sự tham gia huy động vốn của HFIC, bà Phạm Thị Hồng Hà cho biết: Thông qua nguồn vốn kích cầu của thành phố, trong vài năm gần đây, HFIC đã rót vốn để cải tạo trang thiết bị cho nhiều BV lớn và cơ sở giáo dục của thành phố như BV Ung bướu, BV Nguyễn Tri Phương, BV Bình Dân, BV đa khoa Củ Chi, BV quận 2, Trường đại học Tôn Đức Thắng, Trường đại học Giao thông vận tải, Trường đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh, các trường mầm non… với kinh phí đầu tư hàng nghìn tỷ đồng nhằm tạo điều kiện cao nhất cho các đơn vị hoạt động và nâng cao chất lượng dịch vụ. Thống kê của HFIC, trong 5 năm gần đây, HFIC đã tài trợ tín dụng cho 131 dự án hạ tầng trên địa bàn thành phố, với tổng mức đầu tư hơn 14 nghìn tỷ đồng và hạn mức tín dụng là 6.076 tỷ đồng. Trong đó, tập trung vào các lĩnh vực then chốt như: hạ tầng kỹ thuật (33%), y tế (22%), giáo dục (41%), các lĩnh vực khác (4%).

Theo UBND thành phố, chủ trương xã hội hóa được các đơn vị chức năng thành phố thực hiện rộng và sâu thuộc các lĩnh vực giáo dục, đào tạo, dạy nghề; y tế; văn hóa; thể dục thể thao; môi trường. Tuy nhiên, so với nhu cầu thực tế đặt ra thì nguồn vốn ngân sách vẫn như “muối bỏ bể” cho nên rất cần thu hút hơn nữa các nhà đầu tư, các tổ chức góp vốn đầu tư. Theo phản ánh của các nhà đầu tư, hiện nay dù Chính phủ đã ban hành Nghị định 63/2018/NĐ-CP, ngày 4-5-2018 về đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) nhưng thực tế triển khai đã gặp không ít vướng mắc do một số quy định, chính sách liên quan vẫn còn “đá” nhau khiến nhiều dự án hợp tác được ký về nguyên tắc nhưng khó thực hiện.

Về phía chính quyền địa phương, lãnh đạo UBND quận 12 chia sẻ: Hiện hình thức đầu tư BOT còn một số vướng mắc như việc tìm quỹ đất phù hợp để mời gọi đầu tư hay chi phí ban đầu để nghiên cứu dự án phục vụ việc mời gọi đầu tư cao trong khi nguồn ngân sách hạn chế... cho nên công tác xã hội cũng chưa thể triển khai rộng rãi.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Thanh Liêm cho biết: Thời gian qua, thành phố đã phát huy hiệu quả các nguồn lực trong xã hội để đầu tư phát triển các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội. Chính sách của Nhà nước cũng được hoàn thiện nhằm bảo đảm lợi ích hợp pháp cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, hạn chế mà thành phố nhìn nhận là vẫn còn gặp vướng khi áp dụng các nghị định liên quan của Chính phủ như Nghị định 59/2014/NĐ-CP và Nghị định 69/2008/NĐ-CP chưa có hướng dẫn trong trường hợp có một nhà đầu tư quan tâm thực hiện dự án theo hình thức xã hội hóa và không có quy định về công bố công khai các dự án xã hội hóa; Luật Đất đai không có quy trình lựa chọn nhà đầu tư mà chỉ quy định trình tự đấu giá đất trong trường hợp có hơn một nhà đầu tư quan tâm tham gia phát triển dự án trên đất... Như vậy, khung pháp lý về xã hội hóa hiện hành chưa có hướng dẫn cụ thể quy trình lựa chọn nhà đầu tư, cho nên khi các đơn vị chức năng triển khai đã gặp nhiều lúng túng không thể thực hiện dự án một cách nhanh chóng và đồng bộ.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/tphcm/item/38185402-huy-dong-nguon-von-xa-hoi-hoa-de-dau-tu-phat-trien.html