Huy động nhiều nguồn lực để phát triển TP HCM nhanh và bền vững

Khi đánh giá 7 chương trình đột phá để phát triển kinh tế - xã hội của thành phố sau nửa chặng đường thực hiện, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị - Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh chỉ rõ khó khăn về nguồn vốn đầu tư. Trong đó, 2 chương trình đang tiếp tục gặp khó khăn rất lớn về vốn là đầu tư hạ tầng để kéo giảm ùn tắc và tai nạn giao thông cùng chương trình giảm ngập nước.

Tính toán của thành phố cho thấy, chỉ riêng vốn đầu tư cho các công trình để kéo giảm ùn tắc, giảm tai nạn giao thông đã cần đến 156.000 tỉ đồng. Trong số này, khoản ngân sách thành phố tự cân đối chiếm tỉ lệ 35% đã khó khăn, phần huy động xã hội hóa từ hợp tác công - tư ở mức 39% lại càng khó khăn. Do đó, để có thể duy trì tăng trưởng ở mức cao một cách bền vững trong những năm tới, TP Hồ Chí Minh đang quyết liệt huy động mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển.

Và nguồn lực có thể giúp thành phố tạo bước đột phá trong đầu tư hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội là việc Chính phủ đồng ý cho TP Hồ Chí Minh được chuyển 26.000ha đất nông nghiệp thành đất công nghiệp, dịch vụ. Theo Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân, thì đây là nguồn lực rất to lớn, tạo nguồn vốn rất lớn cho thành phố với giá trị ước khoảng 1,5 triệu tỉ đồng nếu toàn bộ diện tích đất chuyển đổi này được đưa ra đấu giá.

Quá trình chuyển đổi quỹ đất nông nghiệp trên sẽ được thực hiện nhanh khi phần lớn diện tích đã nằm trong ranh giới các khu đô thị được thành phố xác định trong quy hoạch phát triển đô thị từ năm 2010 như khu đô thị cảng Hiệp Phước, Tây Bắc Củ Chi, Bình Quới - Thanh Đa… phần còn lại trong quỹ đất nông nghiệp được Chính phủ đồng ý cho chuyển đổi mục đích đang nằm xen kẽ tại các quận 2, quận 9, quận Thủ Đức và huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, là đất trồng lúa và đất trồng cây lâu năm cho hiệu quả sản xuất không cao hoặc đã nhiều năm không thể canh tác do tác động của đô thị hóa, ô nhiễm nguồn nước.

Nói về kế hoạch chuyển đổi cụ thể, ông Huỳnh Thế Ngọc, Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính, Sở TN - MTTP Hồ Chí Minh cho hay, diện tích đất nông nghiệp được chuyển đổi thành các loại đất phi nông nghiệp tập trung vào 2 nhóm là đất khu công nghiệp và đất ở. Những năm tới tổng diện tích đất ở tại thành phố sẽ tăng thêm 7.321ha, gấp đôi so với giai đoạn trước. Trong đó diện tích đất ở đô thị chiếm khoảng 4.500ha, còn lại là đất ở nông thôn.

Theo ông Ngọc, việc chuyển đổi diện tích đất nông nghiệp rất lớn thành đất ở trong vài năm tới sẽ đáp ứng được nhiều mục tiêu, nhất là về đảm bảo cơ hội có nhà ở cho người dân. Với quỹ đất dành cho phát triển các KCN, ông Ngọc thông tin từ nay đến cuối năm 2020 thành phố sẽ được phép tăng lên khoảng 6.000ha. Trừ đi phần diện tích các KCN hiện có, thành phố còn quỹ đất 2.500ha để phát triển các cụm, KCN tập trung tại những KCN mới hình thành.

TP Hồ Chí Minh phát triển các đô thị vệ tinh để khai thác hiệu quả nguồn lực từ đất đai.

Để hỗ trợ DN có thể tiếp cận được đất sản xuất kinh doanh khi đã có quỹ đất sản xuất công nghiệp dồi dào, theo ông Ngọc tới đây các cụm, KCN sẽ có những nhà xưởng diện tích 500, 750 hoặc 1.000m2 để đáp ứng nhu cầu của DN vừa và nhỏ, DN khởi nghiệp sáng tạo.

Đóng góp 22% vào kinh tế cả nước, giữ được vai trò trung tâm kinh tế và trung tâm dịch vụ của cả nước, song theo xếp hạng về chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh, TP Hồ Chí Minh chỉ xếp thứ 58/63, trên có 5 tỉnh. Từ đó, yêu cầu cải thiện môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư và tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển được TP Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm những năm gần đây.

Cùng với lộ trình đẩy nhanh việc xây dựng thành phố thông minh, để tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, TP Hồ Chí Minh cũng đang khởi động việc quy hoạch khu đô thị sáng tạo phía Đông thành phố gồm các quận 9, quận 2 và Thủ Đức nhằm xây dựng thành tâm điểm phát triển về khoa học công nghệ với hàm lượng giá trị gia tăng cao.

Nhằm thiết thực hỗ trợ người dân, DN phát triển sản xuất kinh doanh, thành phố đặt mục tiêu phấn đấu đến cuối năm nay sẽ có ít nhất 70% hồ sơ đăng ký doanh nghiệp được giải quyết thông qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Trong đó có ít nhất 10% lượng hồ sơ được tiếp nhận qua dịch vụ bưu chính, 15% lượng hồ sơ được trả kết quả qua dịch vụ bưu chính.

Ngoài ra, thành phố cũng sẽ đẩy nhanh tiến độ ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính, thực hiện dịch vụ công trực tuyến; phấn đấu đến hết năm nay sẽ có từ 30 đến 40% các thủ tục hành chính phổ biến, liên quan đến người dân, doanh nghiệp được đưa vào triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4.

Theo Cục trưởng Cục Hải quan thành phố Đinh Ngọc Thắng, Hải quan thành phố là đơn vị lớn nhất của ngành hải quan với số thu và kim ngạch XNK chiếm 40% toàn ngành. Do đó ngay trong tháng 9 này, Hải quan thành phố sẽ triển khai hệ thống quản lý hải quan tự động tại tất cả các cảng, kho bãi, địa điểm quản lý hải quan trên địa bàn thành phố.

Để vận hành tốt hệ thống quản lý phục vụ phát triển, yếu tố con người được TP Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm. Cùng với việc vận dụng cơ chế đặc thù để chi trả thu nhập tăng thêm cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đề án thu hút người tài vào làm việc ở những lĩnh vực thành phố đang có nhu cầu giai đoạn 2018-2022 cũng được Sở Nội vụ trình UBND thành phố với chính sách đãi ngộ đặc biệt. Theo Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Văn Lắm, hiện đã có 11 cơ quan, đơn vị của thành phố đề xuất thu hút người tài vào 57 vị trí.

Để guồng máy nhân sự hoạt động hiệu quả, cùng với các chính sách đãi ngộ, TP Hồ Chí Minh cũng đã xây dựng bộ tiêu chí đo lường sự hài lòng của người dân, DN về sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước trên địa bàn giai đoạn 2018 - 2020. Bộ tiêu chí này gồm 26 tiêu chí liên quan đến 5 yếu tố là tiếp cận dịch vụ hành chính công của cơ quan hành chính Nhà nước; thủ tục hành chính; công chức trực tiếp giải quyết công việc; kết quả cung ứng dịch vụ hành chính công và tiếp nhận, giải quyết góp ý, phản ánh, kiến nghị của người dân, DN. Đây cũng chính là yêu cầu của thành phố về hiệu quả làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức để phục vụ cho phát triển nhanh của thành phố.

Khai thác hiệu quả những nguồn lực trên và giải quyết triệt để những vấn đề còn tồn tại, thành phố mang tên Bác sẽ tạo được động lực mạnh mẽ để phát triển nhanh hơn, bền vững hơn trong những năm sắp tới.

Đức Thắng

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/huy-dong-nhieu-nguon-luc-de-phat-trien-tp-hcm-nhanh-va-ben-vung-508624/