Huy động nhiều nguồn lực thực hiện tốt công tác giảm nghèo

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, đến nay, hộ nghèo của tỉnh Long An giảm còn 0,99%, cận nghèo 2,29%, chất lượng cuộc sống người dân ngày càng được cải thiện, nâng cao.

Diện mạo xã Phước Vĩnh Đông, huyện Cần Giuộc ngày càng “thay da, đổi thịt”

Diện mạo xã Phước Vĩnh Đông, huyện Cần Giuộc ngày càng “thay da, đổi thịt”

Mục đích của Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững là trợ giúp người nghèo thoát nghèo cả dưới góc độ thu nhập và các chiều nghèo về xã hội, nâng cao phúc lợi cho người nghèo, tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội, góp phần thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo, bảo đảm công bằng xã hội. Xác định được vấn đề này, các cấp, các ngành tỉnh luôn có nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo giúp hộ nghèo, cận nghèo vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam tỉnh - Đỗ Thị Kim Thắm chia sẻ: “Với vai trò kết nối nguồn lực, Hội LHPN các cấp kết nối phụ nữ thuộc diện hộ nghèo với các dịch vụ hỗ trợ phù hợp, bảo đảm đáp ứng nhu cầu của các đối tượng. Cụ thể, hàng năm, Hội LHPN các cấp tổ chức đào tạo nghề cho trên 12.000 lao động nữ; tư vấn, giới thiệu việc làm tại các công ty trong và ngoài tỉnh cho trên 36.480 lượt lao động nữ, nhất là đào tạo nghề cho lao động nữ thuộc hộ nghèo, cận nghèo.

Với phương châm không để hộ nghèo, cận nghèo có đủ điều kiện, nhu cầu vay vốn nhưng chưa được vay vốn, Hội LHPN các cấp đã hỗ trợ các hộ này tiếp cận nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội trên 327 tỉ đồng để đầu tư sản xuất, kinh doanh; đồng thời, tư vấn, hướng dẫn người dân sử dụng đúng mục đích vay. Đặc biệt, Hội còn thực hiện mô hình Tiết kiệm tín dụng, góp vốn xoay vòng tại các chi, tổ hội trên 288 tỉ đồng, giúp trên 185.160 lượt hội viên, phụ nữ có thêm vốn để sản xuất, phát triển kinh tế gia đình”.

Tại huyện Bến Lức, nhằm giúp hộ nghèo, cận nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn được “an cư, lạc nghiệp”, năm 2022, UBMTTQ Việt Nam huyện huy động nhiều nguồn lực xây dựng, sửa chữa 20 căn nhà Đại đoàn kết, góp phần xóa hoàn toàn nhà tạm bợ cho hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn huyện.

Ông Nguyễn Văn Tỵ (thị trấn Bến Lức) bộc bạch: “Gia đình thuộc diện cận nghèo, thu nhập chủ yếu dựa vào công việc giúp việc nhà của vợ, trong khi đó tôi thì lớn tuổi, thường xuyên đau yếu và một người con bị bệnh nan y. Những năm qua, gia đình sống tạm bợ trong ngôi nhà xuống cấp nên khi vào mùa mưa, cả nhà “đứng ngồi không yên” vì nền thấp, nước tràn vào, nhà dột hết chỗ này đến chỗ kia. Chia sẻ với hoàn cảnh gia đình tôi, năm 2022, UBMTTQ Việt Nam huyện hỗ trợ gia đình 60 triệu đồng xây dựng căn nhà mới. Được sống trong ngôi nhà mới khang trang, gia đình chúng tôi biết ơn chính quyền nhiều lắm”.

Xã Phước Vĩnh Đông, huyện Cần Giuộc là xã bãi ngang duy nhất của tỉnh. Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, đến nay, xã được triển khai đầu tư kết cấu hạ tầng với 7 công trình, tổng kinh phí trên 9 tỉ đồng; duy tu, bảo dưỡng 2 công trình với kinh phí trên 560 triệu đồng; triển khai 1 mô hình đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo với kinh phí gần 150 triệu đồng;… Ngoài ra, từ năm 2012 đến nay, xã vận động xã hội hóa xây dựng, sửa chữa trên 180 căn nhà tình nghĩa, tình thương, Đại đoàn kết với tổng kinh phí trên 7 tỉ đồng. Nhờ vậy, đến nay, hộ nghèo xã còn 3,76%, cận nghèo 3,47%. Ông Nguyễn Xuân Lam (xã Phước Vĩnh Đông) chia sẻ: “Trước đây, đời sống người dân xã Phước Vĩnh Đông khó khăn trăm bề, điện, đường, trường, trạm,... chưa phát triển. Khi ấy, người dân chỉ mong làm đủ ăn, không bị đói, vậy mà, bây giờ đời sống người dân rất sung túc, nhiều ngôi nhà tường khang trang mọc lên, các con đường đất, đá đỏ ngày nào được thay thế bằng đường bêtông sạch, đẹp. Nhìn quê hương đổi mới từng ngày, người dân rất phấn khởi”.

Theo Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội - Nguyễn Hồng Mai, điểm nổi bật trong thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững của tỉnh chính là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, nhất là công tác xã hội hóa. Qua đó, hàng năm, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm vượt kế hoạch. Đến nay, hộ nghèo của tỉnh chỉ còn 0,99%, cận nghèo 2,29%./.

Kim Ngọc

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/huy-dong-nhieu-nguon-luc-thuc-hien-tot-cong-tac-giam-ngheo-a155420.html