Huy động sức dân làm đường giao thông

Thùy Linh

BPO - Phong trào làm đường giao thông nông thôn được triển khai trên cả nước với nhiều cách làm khác nhau. Tại xã Bình Thắng, huyện Bù Gia Mập, phong trào này được người dân tích cực hưởng ứng, tự nguyện hiến đất làm đường, đóng góp tiền của, ngày công. Từ đó, nhiều tuyến đường ở vùng sâu, vùng xa đã được nâng cấp, xây dựng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, làm thay đổi diện mạo nông thôn ở địa phương.

Không ngại chặt cây, hiến đất

Nhiều năm qua, con đường tổ 5, thôn 7, xã Bình Thắng xuống cấp nghiêm trọng. Mỗi khi trời mưa lớn, nước chảy tràn qua đường gây xói mòn. Do đường giao thông xuống cấp nên người dân bị thương lái ép giá khi bán nông sản. Hằng năm, những hộ dân ven đường thường đổ đất lấp các ổ gà, nhưng sau mỗi cơn mưa đường lại lầy lội như cũ.

Tuyến đường tổ 5, thôn 7, xã Bình Thắng dài 1km đang được thi công

Tuyến đường tổ 5, thôn 7, xã Bình Thắng dài 1km đang được thi công

Hơn 30 năm sinh sống tại địa phương, bà Nguyễn Thị Vân luôn mong ước có con đường nhựa để vận chuyển nông sản, đi lại dễ dàng. Vì vậy, khi chính quyền triển khai làm đường, bà đã không ngần ngại hiến hơn 2.000m2 đất. Bà Vân cho hay: Vào mùa mưa, người dân đi lại vất vả lắm. Đoạn đường gần nhà tôi thường xuyên bị sạt lở, xói mòn. Tôi mua 2 cái cống đặt ở đó cho các phương tiện dễ dàng chạy qua, nhưng cứ mùa mưa đến là nó bị trôi xuống hố. Nay Nhà nước làm đường nhựa, người dân ở đây vui lắm. Gia đình tôi đã chặt 50 cây cao su, 4 cây điều để mở rộng đường, nếu giải tỏa thêm tôi cũng sẵn sàng hiến đất.

Bà Nguyễn Thị Vân (thứ hai từ trái qua) ở tổ 5, thôn 7, xã Bình Thắng hiến hơn 2.000m2 đất để làm đường

Bà Nguyễn Thị Vân (thứ hai từ trái qua) ở tổ 5, thôn 7, xã Bình Thắng hiến hơn 2.000m2 đất để làm đường

Trước đó 1 tháng, chị Phạm Thị The cũng đã cưa hạ 10 cây điều, giải tỏa mặt bằng cho đơn vị thi công triển khai làm đường. Như những hộ gia đình khác, chị The rất mong con đường sớm được thi công thảm nhựa. “Giá 1 ha đất rẫy khoảng 1,5 tỷ đồng. Vậy mà có hộ hiến hơn 2.000m2 đất, vì ai cũng mong làm đường nên không tính toán thiệt hơn” - chị The chia sẻ.

Khu vực tổ 5, thôn 7 cách trung tâm xã khoảng 10km. Dân cư sinh sống thưa thớt, khoảng 25 hộ ở rải rác dọc tuyến đường. Người dân chủ yếu làm nông nên đời sống còn nhiều khó khăn. Tuy vậy, phong trào hiến đất làm đường giao thông luôn được người dân nhiệt tình hưởng ứng. Nhờ các hộ dân đồng thuận hiến đất, đường từ 3m mở rộng thành 6m. Hiện con đường đang được thi công nền hạ sắp thảm nhựa, chiều dài 1km. Trong tổng vốn đầu tư 1,5 tỷ đồng, có 150 triệu đồng là vốn của người dân, số tiền này đã được đóng góp 5 tháng trước đó. Ông Nguyễn Hữu Bé, Trưởng thôn 7 cho biết: “Ban đầu công tác giải phóng mặt bằng gặp khó khăn. Sau khi ban ấp đi vận động, giải thích, người dân thấy được lợi ích lâu dài, giá trị đất đai tăng nếu đường mở rộng. Vì vậy, tất cả hộ dân đều đồng thuận hiến đất, đóng góp tiền làm đường. Đến nay, người dân đã bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công”.

Một tuyến đường bê tông ở tổ 2, thôn 7, xã Bình Thắng xây dựng từ nguồn vốn Nhà nước và huy động nhân dân đóng góp

Một tuyến đường bê tông ở tổ 2, thôn 7, xã Bình Thắng xây dựng từ nguồn vốn Nhà nước và huy động nhân dân đóng góp

Tinh thần hiến đất làm đường còn nhân rộng ở nhiều khu dân cư. Trước đây, con đường tổ 2, thôn 7 thường xuyên lầy lội. Mỗi cơn mưa, nước từ lô cao su đổ dồn về làm ngập cả đoạn đường gần 500m, gây khó khăn cho các phương tiện tham gia giao thông. Ông Nguyễn Văn Đức bức xúc: “Người dân ở vùng sâu chịu nhiều thiệt thòi, thu hoạch mủ cao su, điều, tiêu… chở về đến nhà rất khó khăn, nhiều khi đổ giữa đường. Do đường lầy lội, trơn trượt nên giá thu mua cũng thấp hơn so với khu vực trung tâm. Giá hạt điều ở trung tâm xã là 26.000 đồng thì ở đây thương lái mua 22.000-23.000 đồng/kg”.

Thay đổi diện mạo nông thôn

Thực hiện chủ trương xây dựng đường giao thông nông thôn theo cơ chế đặc thù, chính quyền đã vận động người dân đóng góp tiền, ngày công, hiến đất làm đường bê tông. Với phương châm “vướng đến đâu, giải tỏa đến đó”, nhiều hộ dân đã cưa hạ hàng chục cây cao su, cây điều để hiến đất làm đường. Với sự đồng thuận của người dân, chưa đầy 1 tháng, con đường bê tông đã hoàn thành. Từ khi có đường mới, người dân rất phấn khởi vì các phương tiện lưu thông qua lại dễ dàng, vận chuyển nông sản, phân bón thuận lợi, trẻ em đến trường không còn lấm lem quần áo.

Ông Nguyễn Vĩnh Điển ở thôn 7 bày tỏ niềm vui: “Con đường tổ 2 mới làm xong hơn 1 tháng, đi lại rất thuận tiện. Trước đây, nhiều người ngại ra đường vì lầy lội, còn nay thường xuyên đi bộ tập thể dục, nâng cao thể chất, tinh thần. Mỗi ngày đi làm về, tôi chạy xe vào nhà mà không phải rửa như trước”.

Tuyến đường liên ấp 6A, 7, 8 đang được thi công

Tuyến đường liên ấp 6A, 7, 8 đang được thi công

Những năm qua, xã Bình Thắng đã triển khai xây dựng nhiều tuyến đường giao thông nông thôn. Trong đó, vốn đối ứng giữa Nhà nước và nhân dân đóng góp đạt 100%, không có tình trạng nợ đọng vốn. Do đó, các công trình đều thi công hoàn thành đúng tiến độ. Trên mỗi tuyến đường, chính quyền địa phương còn vận động người dân trồng hoa, lắp đèn chiếu sáng, làm sạch đường thôn, ngõ xóm. Vì vậy, diện mạo nông thôn ngày càng đổi mới, nhiều công trình, nhà cửa, hàng rào mọc lên. Ông Hoàng Minh Thuận, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn 6A cho biết: “Những năm qua, thôn 6A đã được đầu tư nhiều tuyến đường. Mạng lưới giao thông dần nâng cấp, mở rộng, đi lại thuận tiện hơn. Từ đó, thúc đẩy phát triển kinh tế, diện mạo nông thôn ngày càng khang trang, đổi mới, môi trường cảnh quan xanh, sạch, đẹp”.

Tại xã Bình Thắng, việc triển khai làm đường giao thông theo cơ chế đặc thù thuận lợi hơn so các xã khác của huyện Bù Gia Mập. Do tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm khoảng 8% nên việc huy động vốn đối ứng giữa Nhà nước và nhân dân cùng làm rất thuận lợi. Trước khi làm đường, xã tổ chức họp dân để thống nhất phương án. Nơi nào người dân đồng thuận cao thì sẽ chọn tuyến đường ở đó để đầu tư. Nhờ sự hưởng ứng của người dân, việc triển khai thi công các công trình, tuyến đường trong thời gian qua luôn hoàn thành đúng thời gian quy định.

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Bình Thắng, huyện Bù Gia Mập
NGUYỄN TIẾN DŨNG

Từ năm 2019 đến nay, xã Bình Thắng được đầu tư xây dựng gần 20km đường nhựa, 12km đường bê tông theo cơ chế đặc thù. Tuy đã về đích nông thôn mới song nhu cầu nâng cấp các tuyến đường giao thông trên địa bàn vẫn còn nhiều.

Nghị quyết Đảng bộ xã Bình Thắng nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra mục tiêu tập trung nguồn lực đầu tư phát triển hệ thống giao thông nông thôn. Trong đó, tăng cường đầu tư các tuyến đường huyết mạch, trục đường chính phục vụ nhu cầu đi lại, vận chuyển nông sản của người dân. Dự kiến trong thời gian tới, xã sẽ tiếp tục đầu tư thêm 12km đường nhựa và bê tông.

Khác với những năm trước, hiện nay tỷ lệ đường thôn, ngõ xóm ở Bình Thắng được cứng hóa, thảm nhựa, bê tông đạt khoảng 80%. Cơ sở hạ tầng trường học, nhà văn hóa, đường giao thông đã được xây dựng mới khang trang, diện mạo nông thôn ngày càng đổi mới, điều kiện đi lại, sinh hoạt, giải trí của người dân đã được nâng lên mọi mặt.

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/32/148830/huy-dong-suc-dan-lam-duong-giao-thong