Huy động tổng lực cho chiến dịch tiêm vắc-xin lớn nhất

Việt Nam dự kiến thiết lập 8 kho bảo quản vắc-xin gồm 7 kho ở 7 quân khu và 1 kho ở Bộ Tư lệnh Quân khu Thủ đô. 'Việc cần làm ngay là phải làm nhanh, thiết lập nhanh những kho chứa vắc-xin như vậy', Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh tại cuộc họp chiều 15/6, chuẩn bị cho chiến dịch tiêm vắc-xin COVID-19.

Tiêm vắc-xin cho nhân viên y tế Ảnh: TL

Ứng dụng công nghệ thông tin

Bộ trưởng Bộ Y tế nhận định đây là chiến dịch tiêm chủng vắc-xin có quy mô lớn nhất, mức độ rộng nhất trong lịch sử ngành Y với tốc độ nhanh, số lượng nhiều trong thời gian ngắn. Ông đồng thời khẳng định việc triển khai chiến dịch tiêm vắc-xin lần này khác với những lần trước. Bộ Y tế đã có kinh nghiệm triển khai chiến dịch tiêm chủng, trong đó chiến dịch có quy mô lớn nhất là tiêm cho 23 triệu trẻ em trong chương trình tiêm vắc-xin sởi - rubella. Chiến dịch lần này số lượng liều vắc-xin cao hơn rất nhiều, đòi hỏi phải có sự tham gia của các bộ, ngành, địa phương, đơn vị. Toàn bộ lực lượng sẽ vào cuộc, trong công tác vận chuyển, bảo quản, phân phối vắc-xin làm sao đảm bảo chất lượng bảo quản vắc-xin.

Dự kiến, sẽ thiết lập 8 kho bảo quản vắc-xin gồm 7 kho ở 7 quân khu và 1 kho ở Bộ Tư lệnh Quân khu Thủ đô. Khi vắc-xin về sân bay, lập tức sẽ được chuyển về kho các quân khu đã đạt chuẩn GSP. Từ kho tại các quân khu, vắc-xin sẽ tỏa đi khắp 15.000 điểm tiêm chủng trên toàn quốc. Hiện Bộ Quốc phòng đã có khảo sát, trao đổi, xây dựng, thiết kế. Bộ Y tế sẽ cung cấp hệ thống dây chuyền lạnh, tập huấn cho lực lượng nhân sự quản trị kho lạnh và kiểm tra đánh giá đạt chuẩn GSP.

Bộ Y tế cho biết, số vắc-xin phòng COVID-19 nhận được của COVAX đã phân bổ đến 63 tỉnh thành phố và một số đơn vị của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an; phân bổ hơn 200.000 liều đến 2 tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh để tiêm chủng cho công nhân trong các khu công nghiệp. Hiện các địa phương đã và đang tích cực đẩy nhanh công tác tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19.

Bộ trưởng cho biết, toàn bộ các điểm tiêm chủng lần này sẽ đăng ký tiêm trực tuyến; công khai, minh bạch toàn bộ quá trình tiêm, gồm bao nhiêu liều được cấp, sử dụng và bao nhiêu người được tiêm. Bộ Y tế đã trao đổi với Bộ Thông tin và Truyền thông để phát triển, đẩy nhanh ứng dụng sổ sức khỏe điện tử cho mọi người dân, đăng ký tiêm qua các hình thức như app, tin nhắn. Mỗi người dân khi nhận được tin nhắn mời đăng ký tiêm phải có tin nhắn phản hồi, để làm sao khi vắc-xin về sẽ có tin nhắn mời người dân đi tiêm. Điều này có nghĩa là mọi thông tin về tiêm chủng phải thể hiện trên hệ thống điều hành tiêm chủng trực tuyến.

“Người dân sẽ biết mình đến điểm tiêm chủng nào để tiêm. Hệ thống sẽ gửi tin nhắn thông báo cho người đăng ký thời gian tiêm và điểm tiêm. Khi đến tiêm, sẽ kiểm tra mã QR code và qua khám sàng lọc sẽ điền thông tin vào trường ứng dụng có sẵn. Khi đạt yêu cầu về sức khỏe thì tiêm và điền vào mục đã tiêm chủng. Như vậy sẽ tiến đến quản lý hồ sơ “hộ chiếu vắc-xin” dễ dàng. Hệ thống sẽ nhắc 2 tiếng/lần theo dõi phản ứng sau tiêm để người tiêm biết. Đối với những người không dùng điện thoại thông minh, sẽ có đầu số tổng đài nhắn những thông tin cụ thể liên quan đến tiêm chủng”, ông Long cho biết.

Tiêm đến đâu an toàn đến đó

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, toàn bộ quy trình tiêm đã được rà soát lại để làm sao cắt ngắn, nhưng vẫn tuân thủ đảm bảo an toàn. “Quan điểm của Bộ Y tế là tiêm đến đâu an toàn đến đó”, ông Long nhấn mạnh.

Cùng với đó, Ban chỉ đạo An toàn tiêm chủng Quốc gia phải làm việc trực tuyến 24/7 để có thể chỉ đạo, giám sát tiêm chủng an toàn. Đồng thời, tăng cường tập huấn nhiều lần cho toàn tuyến hệ thống y tế, kể cả công lập và tư nhân, đặc biệt là y tế cơ sở. Đối với hệ thống y tế quốc phòng và công an, Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu tiếp tục tập huấn toàn tuyến về tiêm chủng và tiêm chủng an toàn. Riêng lực lượng quân đội tập huấn thêm về quy trình vận chuyển, bảo quản vắc-xin.

“Chúng ta phải đảm bảo toàn bộ quy trình chuyên môn từ vận chuyển, bảo quản đến tổ chức tiêm vắc-xin phòng COVID-19 và tiêm là phải an toàn”, Bộ trưởng nhắc lại, đồng thời tin tưởng: “Với cách thức triển khai như thế này và có sự phối hợp chặt chẽ, chúng ta sẽ triển khai thành công chiến dịch tiêm chủng lần này”.

Tiêm 2 mũi, số trường hợp tử vong giảm gần 100%

Ngày 15/6, GS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ T.Ư cho biết, đầu tháng 7, Việt Nam sẽ tiếp nhận thêm khoảng 1 triệu liều vắc-xin phòng COVID-19 của AstraZeneca qua nguồn COVAX. Toàn bộ số vắc-xin này sẽ được phân bổ cho các đối tượng ưu tiên theo Nghị quyết 21 và các địa phương có khu công nghiệp.

Từ nay đến hết quý 3, Việt Nam sẽ nhận thêm 2 triệu liều vắc-xin phòng COVID-19 của AstraZeneca do Bộ Y tế đặt mua thông qua công ty VNVC. Ngoài ra, GS.TS Đặng Đức Anh cho biết, theo thông báo của hãng Pfizer, trong quý 3 hãng này có thể chuyển về Việt Nam 3 triệu liều vắc-xin phòng COVID-19, số còn lại sẽ tập trung trong quý 4. Tuy nhiên, thời gian và số lượng cụ thể cung ứng vắc-xin phòng COVID-19 về Việt Nam có thể thay đổi do phụ thuộc tình hình thế giới, bởi các nhà sản xuất này cung ứng vắc-xin cho cả thế giới.

GS Đức Anh cho biết, vắc-xin COVID-19 có thời hạn sử dụng rất ngắn, chỉ khoảng 6 tháng, trong khi thời gian từ cơ sở sản xuất đến Việt Nam mất khoảng 2 tháng nên chỉ còn 3-4 tháng để triển khai tiêm. Đặc biệt với Pfizer, điều kiện bảo quản phải ở nhiệt độ âm sâu (-70 độ C), nếu ở nhiệt độ 2-8 độ C chỉ được dùng trong 1 tháng. Thời gian tới Bộ Y tế sẽ phối hợp với các đơn vị Bộ Quốc phòng trên cả nước bảo quản, vận chuyển vắc-xin đến các điểm tiêm trong thời gian ngắn nhất.

Theo thống kê của Bộ Y tế, đến nay, Việt Nam đã tiêm được 1,55 triệu liều cho các nhóm đối tượng ưu tiên và công nhân, trong đó, số người đã được tiêm đủ 2 mũi vắc-xin phòng COVID-19 là 59.608 người. Các địa phương đang tiếp tục triển khai, yêu cầu tiêm xong trong tháng 6.

GS.TS Đặng Đức Anh khẳng định, vẫn còn một tỷ lệ nhất định các trường hợp đã được tiêm vắc-xin phòng COVID-19 có thể bị mắc bệnh. Tuy nhiên vắc-xin giúp giảm các biến chứng, di chứng nặng và tử vong, làm giảm gánh nặng cho ngành Y tế. Cũng giống như các loại vắc-xin giúp ngăn ngừa các bệnh truyền nhiễm khác, vắc-xin COVID-19 giúp cơ thể phát triển khả năng miễn dịch chống lại virus gây bệnh mà không cần nhiễm bệnh. Nghĩa là khi tiêm vào cơ thể sinh ra kháng thể có thể chống lại virus.

Theo GS Đức Anh, có thể có trường hợp một người bị nhiễm SARS-CoV-2 ngay trước hoặc sau khi tiêm vắc-xin. Điều này là do vắc-xin chưa có đủ thời gian để tạo ra miễn dịch. Cụ thể, sau tiêm mũi 1, khoảng 2-3 tuần, cơ thể mới sinh ra kháng thể; sau khi tiêm mũi 2, kháng thể sinh ra đáp ứng tốt hơn so với mũi 1. Vị chuyên gia khuyến cáo phải tuân thủ đúng phác đồ tiêm đảm bảo đủ 2 mũi. Nếu tỷ lệ tiêm chủng cao, độ bao phủ trong cộng đồng 70% - 85% thì sẽ giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh và bảo vệ cộng đồng hiệu quả trước các tác nhân gây bệnh.

Đối với vắc-xin AstraZeneca, kết quả của một số nghiên cứu cho thấy sau khi tiêm 1 liều vắc-xin từ 22-90 ngày vẫn có một số trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 nhưng số trường hợp tử vong giảm đến 80% so với nhóm không tiêm chủng. Sau khi tiêm 2 mũi vắc-xin, số trường hợp tử vong giảm đến gần 100%. Điều này cho thấy tiêm chủng vắc-xin là biện pháp hiệu quả trong phòng bệnh, phòng các biến chứng và tử vong do bệnh gây ra.

Chính phủ đồng ý cho TPHCM nhập khẩu vắc-xin

Trước đó, UBND TPHCM có tờ trình Thủ tướng Chính phủ trong đó nêu rõ, hiện TPHCM có trên 7,2 triệu người từ 18 tuổi trở lên; có trên 1,6 triệu công nhân, người lao động làm việc tại các doanh nghiệp, tập đoàn trong các khu công nghiệp.

Tuy nhiên đến nay TPHCM mới nhận được 140.000 liều vắc-xin phòng COVID-19 và triển khai tiêm phòng mũi 1 cho hơn 64.000 người và hơn 10.000 người tiêm đủ 2 mũi. Để đạt được mục tiêu miễn dịch cộng đồng với trên 70% dân số TPHCM được tiêm vắc-xin phòng COVID-19 trong thời gian sớm nhất, việc mua vắc-xin phòng COVID-19 là vấn đề cấp bách.

UBND TPHCM đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép các doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố được chủ động đàm phán tìm nguồn vắc-xin từ các nhà sản xuất, phân phối có uy tín trên thế giới, được nhập khẩu hoặc thuê các doanh nghiệp có chức năng nhập khẩu vắc-xin để nhập khẩu vắc-xin phòng COVID-19 về Việt Nam.

Hà Minh

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/huy-dong-tong-luc-cho-chien-dich-tiem-vac-xin-lon-nhat-post1346425.tpo