Huy động vốn cho các dự án cao tốc qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp

Huy động vốn qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp hiện đã được luật định, đây là giải pháp hợp lý khi mở ra lối đi cho các nhà đầu tư có thể tham gia thực hiện các dự án cao tốc theo phương thức PPP.

Tập đoàn Đèo Cả khi triển các dự án có nhu cầu vốn lớn, khó khăn tín dụng và tranh chấp pháp lý... như các dự án hầm Đèo Cả, cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn và Trung Lương - Mỹ Thuận đều thành công do đa dạng các phương thức huy động vốn khác nhau. Ảnh: Quang Toàn/BNEWS/TTXVN

Tập đoàn Đèo Cả khi triển các dự án có nhu cầu vốn lớn, khó khăn tín dụng và tranh chấp pháp lý... như các dự án hầm Đèo Cả, cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn và Trung Lương - Mỹ Thuận đều thành công do đa dạng các phương thức huy động vốn khác nhau. Ảnh: Quang Toàn/BNEWS/TTXVN

Mục tiêu xây dựng thêm 3.800 km đường cao tốc trong gần 10 năm tới của Chính phủ trong bối cảnh nguồn vốn ngân sách nhà nước không dồi dào, nguồn tín dụng ngày càng khó khăn đặt ra bài toán phải tìm ra một giải pháp mới huy động vốn. Một trong các giải pháp có thể là phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Viết Huy, Vụ phó Vụ Hợp tác công tư, Bộ Giao thông Vận tải cho biết, huy động vốn qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp hiện đã được luật định, đây là giải pháp hợp lý khi mở ra lối đi cho các nhà đầu tư có thể tham gia thực hiện các dự án cao tốc theo phương thức đối tác công tư (PPP). Để có nguồn lực đầu tư các dự án ngoài vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ, vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư thì việc huy động nguồn vốn từ các tổ chức khác là rất cần thiết.

Dẫn chứng vấn đề này, ông Nguyễn Viết Huy cho hay, trong thời gian vừa qua các giải pháp tháo gỡ của Tập đoàn Đèo Cả khi triển các dự án có nhu cầu vốn lớn, khó khăn tín dụng và tranh chấp pháp lý... như các dự án hầm Đèo Cả, cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn và Trung Lương - Mỹ Thuận đều thành công, đa dạng các phương thức huy động vốn khác nhau.

Cũng theo ông Nguyễn Viết Huy, trước đây Nghị định 15/2015/NĐ-CP và Nghị định 63/2018/NĐ-CPcủa Chính phủ hướng dẫn đầu tư theo hình thức PPP và chỉ bó hẹp trong việc vay vốn các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, nguồn tín dụng ngày càng khó khăn thì việc mở ra các giải pháp huy động vốn khác là rất cần thiết.

“Cụ thể, theo Luật Đầu tư theo hình thức công tư (Luật PPP) mới ban hành, ngoài việc vay vốn tổ chức tín dụng thì huy động vốn qua các tổ chức hay cá nhân hợp pháp đều đảm bảo. Tôi cho rằng đây là hướng đi phù hợp với bối cảnh nguồn ngân sách không dồi dào ở Việt Nam, đặc biệt trong giai đoạn cần phát triển hạ tầng đi trước một bước; trong đó có hệ thống đường bộ cao tốc”, ông Nguyễn Viết Huy chia sẻ.

Theo Luật sư Lê Cao Cường, Giám đốc, Luật sư điều hành Công ty Luật An Viên (Đoàn Luật sư Hà Nội), để huy động nguồn vốn ngoài hình thức tín dụng thì Luật PPP và Nghị định 28/2021/NĐ-CP quy định cơ chế quản lý tài chính dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư đã ban hành hướng dẫn huy động vốn bằng trái phiếu doanh nghiệp; trong đó tại Điều 6 của Nghị định này đã hướng dẫn các thủ tục, các bước cần thiết để doanh nghiệp công tư (PPP) phát hành trái phiếu.

Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cho rằng việc điều chỉnh chính sách thuế chậm, hạch toán chi phí lãi vay tại các dự án BOT đã kéo dài nhiều năm chưa được giải quyết sẽ ảnh hưởng đến môi trường đầu tư. Vì vậy việc kinh doanh, huy động vốn của doanh nghiệp BOT càng lúc càng khó khăn hơn khi báo cáo tài chính hay phải phát hành trái phiếu sẽ làm giảm sự quan tâm của các nhà đầu tư cũng như sự hấp dẫn của trái phiếu trong ngắn hạn.

Đấy là chưa kể đến thực tế các dự án PPP (thông qua hình thức hợp vốn BOT) không giống như các dự án bất động sản hay những dự án phát triển khác. Trong những năm đầu hoàn vốn dự án BOT, dòng tiền đều khó khăn do lưu lượng xe chưa cao, đồng thời ưu tiên trả lãi và trả gốc cho ngân hàng

Ông Nguyễn Viết Huy, Vụ phó Vụ Hợp tác công tư cho rằng: "Để Luật PPP đi vào cuộc sống, cần xác định rõ doanh nghiệp BOT khác với doanh nghiệp kinh doanh bình thường khi làm dự án PPP. Phương án tài chính tại dự án PPP phải tính toán cơ cấu lãi vay theo vòng đời của dự án, làm sao thể hiện đúng bản chất là một doanh nghiệp kinh doanh có lợi nhuận đúng như thực tế từ một dự án tài chính hiệu quả. Tôi cho rằng cần tháo gỡ các bất cập chính sách thuế hiện nay ở khâu phân bổ lãi vay, để thể hiện đúng bản chất về hiệu quả kinh tế của dự án”.

Mục tiêu xây dựng thêm 3.800 km đường cao tốc trong gần 10 năm tới của Chính phủ trong bối cảnh nguồn vốn ngân sách nhà nước không dồi dào, nguồn tín dụng ngày càng khó khăn đặt ra bài toán phải tìm ra một giải pháp mới huy động vốn. Một trong các giải pháp có thể là phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Ảnh: Quang Toàn/BNEWS/TTXVN

PGS.TS Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI) cho hay, hiệp hội vừa nhận được văn bản của Tập đoàn Đèo Cả kiến nghị về bất cập trong hạch toán, phân bổ chi phí lãi vay các dự án PPP hiện nay. Trên cơ sở kiến nghị của Tập đoàn Đèo Cả và các nhà đầu tư BOT khác, VARSI sẽ báo cáo Chính phủ và kiến nghị đến Quốc hội trong thời gian tới nhằm tháo gỡ khó khăn cho các dự án hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT đang bị vướng mắc kéo dài chưa được giải quyết.

Theo PGS.TS Trần Chủng, khó khăn lớn nhất của các dự án PPP là vốn huy động nếu cứ mặc định là tín dụng từ các ngân hàng mà không khai thông được nguồn vốn khác là hoàn toàn không khả thi. Thực tế trong 5 năm qua, không có dự án PPP nào được triển khai. 5/8 dự án PPP của cao tốc Bắc -Nam không có nhà đầu tư đều là do không có ngân hàng nào cấp tín dụng. Và nếu cứ đưa điều kiện vốn huy động phải là tín dụng của ngân hàng thì cả 3 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam đầu tư theo hình thức PPP đã ký hợp đồng có thể bị vô hiệu vì khả năng ký được hợp đồng tín dụng sau 6 tháng là không nhiều hy vọng.

“Mô hình huy động vốn của Tập đoàn Đèo Cả đề xuất là phát hành trái phiếu doanh nghiệp tôi cho rằng là khả thi khi khơi thông được nguồn lực tài chính trong xã hội, từ chính các chủ thể có quan tâm tới dự án thông qua trái phiếu. Họ góp vốn để được thi công, hoặc đầu tư cho các dự án khác hình thành do chính con đường cao tốc tạo ra. Chúng ta cần nghiên cứu đề xuất này nếu khả thi thì cần ủng hộ để khơi thông nguồn vốn cho các dự án giao thông; trong đó có hệ thống đường cao tốc trong thời gian tới”, PGS. TS Trần Chủng nhìn nhận./.

Quang Toàn/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/huy-dong-von-cho-cac-du-an-cao-toc-qua-phat-hanh-trai-phieu-doanh-nghiep/203819.html