Hủy quyết định sa thải, bồi thường hơn 200 triệu đồng cho nữ giám đốc mang thai

Hội đồng Xét xử (HĐXX) Tòa án nhân dân quận 7, TP. HCM đã tuyên, buộc công ty ở quận này có trách nhiệm thanh toán cho nữ giám đốc là bà Đ.T.T.T đang mang thai bị sa thải 226 triệu đồng và hủy quyết định sa thải.

Nguyên đơn tại tòa. Ảnh: NL

Phiên tòa xét xử vụ tranh chấp hợp đồng lao động giữa bà T. (nguyên đơn) với một công ty có trụ sở tại quận 7 đã được diễn ra từ ngày 12/6, nhưng yêu cầu khởi kiện thay đổi nên HĐXX đã quyết định tạm ngừng phiên tòa. Ngày 15/6, vụ việc được tiếp tục được đưa ra xét xử.

Sa thải phụ nữ mang đang thai là trái pháp luật

Theo đơn khởi kiện của bà T, bà làm giám đốc một chi nhánh của công ty theo hợp đồng lao động có thời hạn 12 tháng (từ tháng 4/2017 tới tháng 4/2018). Lúc bà đang mang thai tháng thứ năm thì công ty thông báo tạm đình chỉ công việc của bà một tháng, kể từ ngày 2/10/2017 để tiến hành xử lý kỷ luật lao động.

Ngày 16/10/2017, lãnh đạo công ty ra quyết định sa thải bà vì các lý do: Bà T. đi trễ về sớm, nghỉ liên tục thường xuyên từ năm ngày/tháng, nghỉ không xin phép theo quy định của công ty, ngủ trong giờ làm việc, có hành vi nhắn tin đe dọa đồng nghiệp, gây mất đoàn kết trong công ty, làm việc không đạt chất lượng thử việc theo yêu cầu.

Công ty đã họp, xử lý kỷ luật vào ngày 12/10/2017 và ra quyết định sa thải bà T.

Cho rằng công ty sa thải mình trái pháp luật, bà T. khởi kiện yêu cầu TAND quận 7 hủy bỏ quyết định sa thải, buộc công ty nhận bà vào làm việc lại, buộc công ty đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bồi thường tổn thất tinh thần.

Ngoài ra, bà T. còn yêu cầu công ty bồi thường hai tháng tiền lương do sa thải bà trái pháp luật, bồi thường bốn tháng tiền lương cho những ngày bà không được làm việc, tổng cộng khoảng 300 triệu đồng.

Trước khi mở phiên tòa ngày 15/6, bà T đã nộp đơn thay đổi yêu cầu khởi kiện xin rút các yêu cầu buộc công ty nhận lại làm việc, buộc công ty đóng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế, bồi thường tổn thất tinh thần, đồng thời giữ nguyên các yêu cầu còn lại. Tổng số tiền mà bà T. yêu cầu công ty bồi thường là 240 triệu đồng.

Tuy nhiên, tại phiên tòa, đại diện công ty không chấp nhận các yêu cầu của bà T. và cho rằng những lý do sa thải trên của công ty là đúng.

Đại diện công ty thừa nhận chưa gửi bản chính quyết định sa thải cho bà T. (chỉ gửi mail) là do sai sót của nhân viên...

Về phần mình, bà T. khẳng định đại diện công ty nói không đúng, bà không nghỉ năm ngày/tháng. Về tin nhắn đe dọa phó giám đốc chi nhánh, bà T. cho biết đã làm rõ tại biên bản đối chất, đã xác minh số máy này không phải của bà, bà không biết và không liên quan gì về tin nhắn này.

Nhắc về những khó khăn khi đang mang thai bị công ty sa thải, bà T. đã khóc và cho biết rất áp lực khi bị công ty đuổi việc thời điểm đó, nhiều lần bà muốn tự tử vì quá stress. “Đó không chỉ đơn thuần là cho nghỉ việc mà đó là tội ác đối với phụ nữ mang thai, mong công ty xem xét và rút kinh nghiệm” - bà T. nói.

Đại diện Viện Kiểm sát (VKS) cho rằng, Điều 123 Bộ luật Lao động quy định rất rõ, là không được xử lý kỷ luật lao động đối với phụ nữ đang mang thai, nên việc công ty tiến hành họp kỷ luật sa thải bà T. là trái luật. Từ đó, đại diện VKS đề nghị HĐXX chấp nhận toàn bộ các yêu cầu của bà T.

Đòi được quyền lợi chính đáng

HĐXX cũng đồng tình với quan điểm của đại diện VKS.

HĐXX nhận định, công ty cho rằng bà T. nghỉ liên tục thường xuyên năm ngày/tháng, nghỉ không xin phép theo quy định của công ty, ngủ trong giờ làm việc, có hành vi nhắn tin đe dọa đồng nghiệp, gây mất đoàn kết trong công ty, làm việc không đạt chất lượng theo yêu cầu... nên tiến hành xử lý kỷ luật lao động bà T. Tuy nhiên, công ty lại không lập biên bản vi phạm.

Việc công ty hai lần gửi mail mời bà T. đến họp xử lý kỷ luật vào ngày 4/10/2017 và 11/10/2017, sau đó, ngày 12/10/2017 công ty mở cuộc họp xem xét kỷ luật bà T. bên cạnh đó thông báo hai lần bằng mail và chỉ thông báo trước một ngày trước khi họp, là vi phạm Điều 30 Nghị định 05/2015 của Chính phủ (hướng dẫn thi hành Bộ luật Lao động 2012) về quy trình xử lý kỷ luật lao động, vì theo quy định người sử dụng lao động phải thông báo ít nhất năm ngày làm việc trước khi tiến hành cuộc họp và phải thông báo ba lần bằng văn bản.

Từ đó, HĐXX tuyên, buộc chấp nhận toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn, hủy quyết định sa thải, buộc công ty có trách nhiệm thanh toán cho bà T. 226 triệu đồng (sau khi trừ đi 14 triệu đồng công ty đã thanh toán trước đó).

Bà T. và công ty phải có trách nhiệm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, vì hợp đồng lao động của bà T. có thời hạn một năm, thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm bắt buộc.

Nghiêm Lan

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/phap-luat/an-ninh-trat-tu/huy-quyet-dinh-sa-thai-boi-thuong-hon-200-trieu-dong-cho-nu-giam-doc-mang-thai_t114c1144n135230